"Em không bị bệnh"

29/10/2015 - 08:39

PNO - Mỗi ngày thức dậy em không làm sao xua đuổi được ý nghĩ “Anh chỉ coi mình là một con bệnh”. Từng cái nhìn, cử chỉ của anh khiến em buồn tủi...

Câu nói ấy em đã thốt lên với anh cả trăm lần với rất nhiều ngữ điệu. Lúc vui vẻ, khi tức giận, cũng có khi nài nỉ như một kẻ thất bại cầu khẩn được buông tha trước suy luận tàn nhẫn của anh. Em không biết làm cách nào để anh hiểu được em, như thể bảy năm chung sống chỉ là tạm bợ.

Mỗi ngày thức dậy em không làm sao xua đuổi được ý nghĩ “Anh ấy chỉ coi mình là một con bệnh”. Từng cái nhìn, từng cử chỉ chăm sóc của anh khiến em buồn tủi. Em từng kể với anh về những giấc mơ, những cơn ác mộng và những ý nghĩ lộn xộn của đời sống đầy biến cố này.

Anh lắng nghe, nhưng không phải với tư cách người bạn đời mà như một vị bác sĩ ngồi bắt bệnh. Em từng tổn thương đến mức cho phép mình nổi giận với anh. Đã có lúc, em cơ hồ đánh mất cả quyền phản kháng, chỉ mấy từ “Em không bị bệnh” thôi mà cũng không thể cất nên lời.

Nó cứ chìm dần trong nỗi hoài nghi, tuyệt vọng đến mức em phải tự vấn “Hay đúng là mình đang bị bệnh?”. Đến cả các con cũng bị anh nhồi nhét vào đầu cái ý nghĩ “Mẹ không được bình thường”.

Em loay hoay tìm cho mình một kẽ hở để thở, ngột ngạt đến phát điên giữa vòng vây dò xét. Anh đã bao giờ thử đặt mình vào vị trí của em để hiểu em đã cô độc và hoảng loạn đến thế nào ngay trong chính căn nhà của mình?

Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Nếu một lúc nào đó anh thôi cố chấp để nhìn lại quãng đường đã đi qua, anh sẽ thấy em bây giờ chẳng khác gì so với mười năm trước. Vẫn hay im lặng, sợ đám đông ồn ào và thích sống trong không gian tĩnh lặng.

Lần đầu em dẫn anh về thăm căn nhà trọ nằm sâu trong hẻm nhỏ, anh đã thốt lên khe khẽ “Giản dị và bình yên quá đỗi”. Chúng mình từng nhiều ngày ngồi bên nhau mà không cần dùng đến ngôn từ. Pha cho nhau tách cà phê sáng cuối tuần, anh ngồi nghe chim hót, em đọc sách. Có nấu cho nhau những bữa cơm cũng chỉ cần bát đũa lao xao và mùi vị dậy lên cảm xúc.

Ngay cả những ngày buồn nhất cũng chỉ cần một cái nắm tay là đủ. Chúng mình đã yêu nhau chính nhờ lặng im, không ồn ã phô trương. Cuộc sống có thể đã làm anh thay đổi nhưng em thì không.

Em hiểu và chấp nhận sự khác biệt thấy rõ mỗi ngày. Như kẽ hở cứ rộng dần ra, tạo thành khoảng cách giữa hai ta. Anh chuyển từ công việc văn phòng sang làm nhân viên kinh doanh. Đặc thù công việc buộc anh phải giao tiếp với rất nhiều kiểu người và dần ảnh hưởng tính cách từ họ không ít.

Anh khuấy động cả nhà mỗi lần trở về, ngay đến góc bình yên của em cũng bị anh “đe dọa”. Trong những bữa cơm, anh nói nhiều hơn ăn. Thay vì lắng nghe, anh lại học ở đâu về cái tính phàn nàn. Em loay hoay không biết phải làm sao để hợp với anh, để khoảng cách giữa chúng mình đừng rộng mãi ra nữa, nhưng cuối cùng em vẫn chẳng biết làm gì ngoài việc lặng im.

Bạn bè anh ghé chơi, em vẫn chu đáo tận tình, chỉ không thể hòa vào những câu chuyện bốp chát và có phần tục tĩu của họ. Em lầm lũi nấu nướng, phục vụ. Anh thỉnh thoảng thốt lên một câu đùa thô thiển hùa theo mọi người khiến em nghe mà gai người.

Câu nói nửa thật, nửa đùa của họ như cố tình để em nghe thấy “Vợ ông hình như bị tự kỷ”. Chồng bát đũa chất cao như núi, nhầy nhụa dầu mỡ, giấy ăn, xương xẩu khiến em thấy buồn nôn. “Ừ. Lúc nào cũng lầm lì một đống như thế đấy”.

Sau này, em cứ tiếc rằng, tại sao lúc đó mình không thể hét lên thành tiếng? “Em không bị bệnh” là câu em phải nói với anh nhiều nhất. Nói trước mặt con cái. Thanh minh trước bố mẹ hai bên. Van vỉ khi mình giằng co nhau trước cửa phòng khám tâm lý.

Có khi ngồi nhìn anh ngủ say thở ra toàn mùi rượu, em cũng vô thức bật lên câu nói ấy giữa hai hàng nước mắt. Em vẫn là cô gái anh từng yêu. Vẫn yêu anh không cần đến ồn ào lời nói. Vẫn chăm sóc cho bố con anh thật tốt. Thế nên, đừng nhìn em như một người bị bệnh.

Vũ Thị Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI