Được vợ đồng thuận, “chắp” duyên vẫn vi phạm khi cưới vợ bé

11/09/2015 - 09:58

PNO - Chung sống gần 40 năm, bà S gánh vác việc nhà chồng, còn lo cả việc cưới “vợ bé” cho chồng vẫn bị ông T hắt hủi…

Cách đây 37 năm, bà Nguyễn Thị S và ông Nguyễn Văn T, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội, “góp gạo thổi cơm chung”. Cuộc hôn nhân thực tế của họ được pháp luật công nhận với sự chào đời của cô con gái. Tết vừa rồi, nhà xảy chuyện. Ở cái tuổi đầu hai thứ tóc, bà S không muốn níu giữ cái vỏ bọc bên ngoài nên chủ động ly hôn. Nguyện vọng của bà được TAND huyện Ứng Hoà chấp thuận.

Theo đó, bà S được tòa chia hơn 80m2 và “cắt đôi” giá trị bộ bàn ghế, số tiền khoảng 4 triệu đồng. Sẽ không diễn ra phiên tòa phúc thẩm này nếu ông T đồng ý. Cho rằng, mảnh đất là của thừa kế của cha ông, ông T quyết giữ mà không cắt lại cho vợ cũ.

Buồn vì chồng cạn tình, cạn nghĩa, không để cho bà có “tấc đất cắn dùi” nốt quãng đời còn lại, bà S đã khóc khi trình bày trước TAND TP Hà Nội. Bà than, nếu không có công sức bao năm vun đắp của bà thì ông T không còn mảnh đất đó mà giữ. “Gần 40 năm chung sống, một tay tôi vụ đắp, làm lụng lo cho cả gia đình. Đận khó khăn nhất, ông ấy định xé lẻ thửa đất 400m2 để bán lấy tiền nhưng tôi quyết tâm giữ” – người phụ nữ này nói.

Bà S có lý, “của chồng công vợ”, dù không có “của” nhưng bà đã đổ mồ hôi, công sức để tôn tạo, gìn giữ mảnh đất đó nên ông T cũng phải “thanh toán” cho bà công lao mấy chục năm bà lăn lộn. Chính vì ông T không có tiền trả cho bà nên tòa cấp sơ thẩm mới quyết định “cắt” hơn 80m2 đất cho bà.

Nhắc lại cuộc hôn nhân chừng ấy năm, bà kể, thời kỳ đầu, họ từng hạnh phúc. Nhưng khi sinh con gái, sức khoẻ yếu lại đổ nhiều bệnh nên bà không có cơ hội để sinh cho chồng đứa con trai nối dõi. Bấy giờ, ông T không nói ra nhưng bà biết, chồng mình “khát” con trai. Chồng nén tiếng thở dài nhiều đêm khiến bà mất ngủ. Nghĩ nát nước, bà cảm thấy có lỗi với chồng, chưa làm tròn trách nhiệm với nhà chồng khi không sinh được con trai. Vì lẽ đó, người vợ này tính, cưới “vợ lẽ” cho chồng.

“Có người đàn bà nào muốn san sẻ chồng cho người phụ nữ khác đâu”, bà cất giọng chua chát khi trả lời tòa. Chôn chặt sự tủi phận, bà đem chuyện bàn với chồng. Ông T không từ chối, anh em trong họ tộc cũng cảm thông và chia sẻ với bà. Vì lẽ đó, năm 1997, “bà hai” chung sống cùng một mái nhà với vợ chồng bà.

Cuộc sống “một ông hai bà” lặng lẽ trôi đi nhiều năm. Tâm nguyện của bà S được đáp đền khi bà hai sinh cho ông T ba người con (có hai con trai). Người vợ này thấy ấm lòng vì cuối cùng, chồng cũng có đứa con nối dõi. Nhưng cũng từ khi xuất hiện người thứ ba thì tình cảm ông T dành cho bà S vơi dần.

Như bà giãi bày trước HĐXX, chồng kiếm cớ, đổ cho bà cái tội ngoại tình để ghẻ lạnh và hắt hủi hai mẹ con. Bà giãi bày, lo cho chồng tới mức ấy, bà nào có lòng dạ khác. Chẳng muốn đấu khẩu làm không khí gia đình nặng nề, bà rút về nhà ngoại. Áp tết 2015, mẹ con bà về sum vầy, đón tết cùng thì ông T lại cùng những đứa con riêng chặn đánh. Họ còn giăng dây không cho bà vào.

Quá tủi nhục, bà S đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Hết lòng vì chồng mà chỉ nhận lại tệ bạc, bà ân hận thì đã quá muộn. Sợi dây chồng giăng ra không còn là vô hình mà nó trở thành ranh giới quá rõ ràng chia cách vợ chồng bà. Vì lẽ đó, bà quyết định ly hôn. Không thể gặp mặt ông T đề đạt, lấy chữ ký vào tờ đơn ly hôn, bà đành nhờ các em giúp. Nghe nỗi niềm của bà, khuôn mặt những vị trong HĐXX nặng trĩu. Chủ tọa tỏ ra cảm thông hơn khi bà S khóc dấm dứt suốt phiên tòa khiến câu chuyện bà nêu không gãy gọn.

Còn ông, đứng ngay cạnh vợ, bị đơn tỏ ra bình tĩnh. Tâm sự của vợ không khiến ông chồng này động lòng. Lần xử này, ông T kiên quyết giữ quan điểm, không muốn chia cho bà S một phần đất. Bị đơn trình bày, mình đứng tên sổ đỏ nhưng hiện mảnh đất là của nhiều người. Ngay cả bộ bàn ghế có được mà tòa cho rằng là công sức của vợ chồng, ông T cũng không chịu trả cho vợ một nửa.

Thái độ và cách cư xử cạn tình ấy khiến một vị trong HĐXX thắc mắc: “Bị đơn sống cũng phải có tình chứ. Bà ấy đã vun đắp cho gia đình gần 40 năm trời mà vẫn muốn bà ấy ra đi tay trắng”. Dù vậy, ông T chẳng nói chẳng rằng, bỏ ngoài tai những lời phân tích.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI