Đừng níu kéo khi gia đình chỉ còn cái vỏ

17/06/2013 - 16:47

PNO - PN - Tôi chưa vào lớp 1 thì ba mẹ ly hôn. Họ không cãi nhau nhiều, tôi nhớ mình chỉ chứng kiến vài trận nho nhỏ. Ba nuôi chị, mẹ nuôi tôi. Sau này, mẹ thường nói với chúng tôi: “Ba mẹ không hợp tính nên không thể sống được với...

Ba mẹ ly hôn nhưng vẫn chu toàn trách nhiệm với con cái. Từ việc học hành, đến quan hệ tình cảm yêu đương của chị tôi, ba tôi đều chủ động thông báo với mẹ để mẹ tôi hướng dẫn, uốn nắn chị, vì ba biết mẹ có ảnh hưởng đến con cái nhiều hơn mình. Mẹ tôi luôn nói: “Ba các con là người tốt, chỉ có điều mẹ và ba không hợp. Trong hôn nhân, hai người tốt chưa hẳn hợp nhau, sống được với nhau trọn đời. Vì vậy, các con đừng nhìn vào cuộc hôn nhân đổ vỡ của ba mẹ mà bi quan. Mỗi người phải tự chọn cho mình một số phận”.

Dung niu keo khi gia dinh chi con cai vo

Sống trong hoàn cảnh như vậy nên chị em tôi rất tự lập, ít khi dựa vào người khác. Chúng tôi yêu và không hề do dự khi quyết định lấy chồng, cũng không sợ sẽ có lúc mình đi vào vết xe đổ của ba mẹ. Nhưng, nói hoàn toàn không có “dư chấn” thì không hẳn. Có lúc thất vọng về chồng, chị tôi bảo “cùng lắm là ly hôn, như mẹ đấy, có sao đâu”. Những lúc ấy, tôi bàn ra: “Thôi thì chín bỏ làm mười, để cho con có bố lẫn mẹ, như chị em mình ngày xưa có tội không? Nhưng, chị phải làm thế nọ thế kia…”. Cuối cùng thì chị tôi cũng vượt qua được những cơn sóng gió gia đình chị. Còn tôi, rút kinh nghiệm từ mẹ, có gì không vừa ý với chồng, tôi nói thẳng, rất thẳng, kèm theo một thái độ cầu thị, không ghim gút hay để bụng. Tôi biết đó chính là những thứ “a xít” ăn mòn hôn nhân rất kinh khủng, cho đến khi vô phương cứu chữa.

Tôi có một cô bạn rất thân. Ba mẹ cô ấy cũng luôn trong cảnh cơm không lành, canh không ngọt, vì người chồng gia trưởng, độc đoán và ích kỷ. Người mẹ thì nhu nhược, yếu đuối, không dám bảo vệ ý kiến của mình, không biết làm cách nào để chồng thay đổi. Mẹ của bạn tôi cũng không dám ly hôn vì nghĩ “gia đình có bố lẫn mẹ vẫn hơn”.

Mẹ cô ấy khi bực mình thì không tiếc lời kể xấu chồng với các con, nhưng khi “hạ hỏa”, mọi việc lại đâu vào đấy. Họ sống với nhau mà không hề yêu thương, tôn trọng. Đến giờ, ông bà đều đã qua tuổi 70, 80 nhưng họ vẫn sống như vậy. Có lẽ vì quá chán nản cuộc sống gia đình mình, không còn chút lòng tin vào điều tốt đẹp mà hôn nhân đem lại, năm chị em của bạn tôi không người nào yêu đương hoặc có ý định lập gia đình. “Kết hôn để làm gì, như cuộc sống địa ngục của ba mẹ mình chắc. Để những đứa con phải chứng kiến cảnh họ nói nhau không ra gì, rồi lại chung sống với nhau như chưa hề có việc gì xảy ra…” - bạn tôi nói.

Tôi không hề cổ xúy cho ly hôn, nhất là những cuộc ly hôn mà người lớn tính toán cho mình nhiều hơn là nghĩ cho con cái. Ly hôn khi chưa cân nhắc thiệt hơn, vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt không đáng là hoàn toàn không nên. Nhưng, khi mục đích tốt đẹp của hôn nhân đã không còn, những đứa con sống trong cảnh đủ cha mẹ mà khổ tâm như bạn tôi, thì cố níu kéo để làm gì? Những đứa con không cần một cuộc sống gia đình mà vợ và chồng không hề yêu thương, tôn trọng nhau, có xác mà không hồn, chỉ còn cái vỏ.

 THU NGUYỄN

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: lyhonlaloithoat@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI