Đừng mang “người xưa” trở lại

24/01/2016 - 16:00

PNO - Phần lớn đối tượng, nhất là các bà, các cô, mở lòng cho người xưa lẻn lên giường thường giữ kín nỗi niềm, có so đo, tiếc nuối chỉ giấu trong lòng.

Trong chuyện vợ chồng, tôi có thói quen xấu là hay so sánh, tơ tưởng giữa chồng và “người đến trước”. Việc này làm tôi cảm thấy không yên, giống như phản bội tư tưởng với chồng…

Th. Hương (TP.HCM)

Dung mang “nguoi xua” tro lai
Ảnh minh họa

Không phải đôi uyên ương nào cũng đến với nhau lần đầu, không phải cặp nào cũng may mắn là duy nhất của nhau. Việc “bóng người xưa” hiện về giữa cuộc vui, tiếp tục gây sóng gió cho cuộc gối chăn và hạnh phúc gia đình hiện tại cũng không phải hiếm.

Cú chen ngang (phần lớn là vô tình) của “người xưa” gồm nhiều chiêu thức: thoáng qua như một chút hoài niệm cũng có; ngang nhiên xộc vào phá bĩnh gia cang người ta cũng có. Nhưng cú quay trở lại đáng sợ nhất là người xưa được người trong cuộc mang ra so sánh, đối chiếu cao thấp, giỏi dở với đức lang quân hiện tại.

Cân đo cũng năm bảy đường, thẳng thừng như so tài nghệ phòng the, nhẹ nhàng thì so sánh ưu khuyết về phong cách, hành xử… Tất nhiên, khi người hiện nay làm phật ý kẻ chung chăn thì anh (hoặc chị) càng dễ bị mang ra phân cao thấp với người đến trước.

Theo cách nghĩ thông thường, sẽ rất nguy hiểm khi người xưa được mang ra làm đối trọng với người hiện tại trong khoản chăn chiếu. Dễ hiểu, bất bình với “kém cỏi” của người nay, cộng với sự tiếc nuối “tài nghệ” của người xưa, rất dễ dẫn người trong cuộc đến tâm lý chán chường, bất hợp tác hay chối bỏ với hạnh phúc hiện tại.

Phần lớn đối tượng, nhất là các bà, các cô, mở lòng cho người xưa lẻn lên giường thường giữ kín nỗi niềm, có so đo, tiếc nuối chỉ giấu trong lòng. Tuy nhiên, cũng có quý bà, quý cô do bức xúc hay lỡ lời nói thẳng. Ai mà chịu nổi khi bị người chung chăn gối mang ra so kè, nhất là so với người đến trước?

May thay, những vụ so sánh thẳng thừng kiểu này thường hiếm gặp, chỉ xảy ra với những cặp đôi mà tình hình chăn gối đang gặp trắc trở nghiêm trọng (chỉ trường hợp này mới đủ phẫn uất khiến người ta dám công khai so sánh, chỉ trích). Phổ biến hơn là kiểu so sánh chưa đến độ phải lôi th ành tích tình dục ra cầm lên, đặt xuống. Nghĩa là người xưa chưa có cơ hội chứng tỏ khả năng chăn gối (chưa quan hệ tình dục).

Tuy nhiên, những ưu điểm hoặc tưởng là ưu điểm của người xưa như phong thái hào hoa, trí thông minh, sành tâm lý… lại được bày ra đối chiếu với sự thô thiển, ngây ngô, thiếu trách nhiệm của người nay. Xét cho kỹ, kiểu so sánh này còn đáng ngại hơn cả chuyện so găng tình dục.

Lý do, người so sánh dễ có xu hướng toàn bích hóa, lãng mạn hóa tuyệt đối người xưa. Mà người xưa ấy lại không bị việc chiếu chăn, lẫn cuộc sống tầm thường “làm hại” hình ảnh. Nếu phải “so găng” thiệt không chắc ai hơn ai, nhưng lúc này tình cảnh của người hiện tại luôn lép vế bởi bị đặt bên cạnh một sự toàn mỹ của người xưa.

Nói để thấy dù trở về với hình thức nào thì mức tác hại của người xưa là vô hạn, sớm hay muộn mà thôi. Những ai đã và đang có ý định mang quá khứ trở về nên suy nghĩ kỹ. Đừng chủ quan cho rằng cú quay về của người xưa chẳng làm được chuyện gì. Đơn giản, một khi người xưa có cơ hội quay về thì ít nhiều người nay cũng bị hao mòn, tổn hại từ chuyện gối chăn hay hạnh phúc gia đình.

BS Đỗ Minh Tuấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI