Đừng để đến ly hôn mới loay hoay tìm chứng cứ!

09/10/2017 - 11:00

PNO - Phụ nữ không phải hơn nhau ở tấm chồng hay 'trong nhờ đục chịu' mà phải hơn nhau ở tâm thế chủ động.

Chỉ trong hai tuần, có tới sáu lá đơn và nhiều cuộc gọi kêu cứu qua đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ liên quan đến việc bị chồng bạo hành. Có chị bị đánh chấn thương vùng bụng, có chị bị tét vành tai, chị thì dọa sinh non khi đang mang trong mình giọt máu của chính kẻ vũ phu... 

Dung de den ly hon moi loay hoay tim chung cu!
 

Sự cam chịu vô lý

Chiều Chủ nhật giữa tháng Chín, chị N.T.T. gào lên trong điện thoại: “Giúp chị H. của tôi với, chị bị chồng hành hạ suốt đêm. Giờ hắn đã khóa trái cửa, nhốt chị trong nhà, còn đe dọa nếu báo công an sẽ giết”. Chị T. đã cùng một số người thân đến nhà chị H., yêu cầu mở cửa, đưa H. đi cấp cứu. Khi chúng tôi đến nơi, chị H. đã mệt lả, thiếp đi, vành tai bị rách, máu phun loang mặt. Hỏi chị bị đánh chỗ nào, H. kêu không nhớ hết, nước mắt ứa ra.

Chị T. bức xúc: “Năm, sáu năm rồi, nào phải lần đầu. Vậy mà cứ chịu đựng, giấu giếm. Tôi là em gái mà cũng không biết chuyện”. Phóng viên can thiệp, Hội LHPN Q.Phú Nhuận vào cuộc hỗ trợ, H. mới thú nhận, lần kêu cứu đầu tiên và duy nhất này của chị để… đủ chứng cứ ly hôn.

Dung de den ly hon moi loay hoay tim chung cu!
Phải đến lần cuối cùng, nhờ sự trợ giúp của gia đình và Hội LHPN, chị H. mới lưu được những chứng cứ này để nhanh thoát khỏi “bể khổ” hôn nhân

Chị H. không phải trường hợp cá biệt, bởi cả sáu trường hợp bị chồng bạo hành kêu cứu lần này đều nhờ Báo Phụ Nữ can thiệp để xin... đơn phương ly hôn, được quyền nuôi dưỡng con, được phân chia tài sản công bằng.

Chị L.T.T., tạm trú P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM, mếu máo: “Anh ta có  đánh em, chửi em gì cũng được, nhưng giờ anh ta mang con về Bến Tre giấu biệt rồi”. T. sinh năm 1983, từng dang dở một lần. Chị kết hôn với Q. (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), sinh được cậu con trai kháu khỉnh. Từ khi có con, Q. thường xuyên nhậu nhẹt, bạo hành vợ, lãng tránh trách nhiệm gia đình. T. phải gửi con ở nhà trẻ để đi làm. Cuối tháng 8/2017, Q. nói đưa con về thăm ông bà nội rồi mang con đi biệt. T. khổ sở đòi con không xong, còn bị đe dọa. Hỏi T. những lần bị đánh, có ai chứng kiến, T. lắc đầu: “Toàn đánh, chửi trong phòng trọ, không ai vào được”.

Trường hợp chị N.G., sinh năm 1986, ngụ Q.3, TP.HCM, cũng không có chứng cứ chứng minh chồng bạo hành (yếu tố “lỗi” khi tòa xem xét giải quyết các vụ đơn phương ly hôn) dù đã bị chồng hành hạ suốt tám năm qua. Vợ chồng G. không có nơi cư trú ổn định - khi Q.3, lúc Q.8, khi về tận Long An… Nhưng dù ở đâu, không vừa lòng chuyện gì, chồng G. lại hung hăng đánh vợ. Hỏi G. vì sao không yêu cầu công an can thiệp, chị lí nhí: “Tại tui nghĩ vợ chồng mà báo công an tội nghiệp!”.

“Vợ chồng mà lại đi báo công an” là suy nghĩ chung của các chị, nên khi sực tỉnh, muốn vượt thoát thì đều không có chứng cứ. 

Im lặng = Thiệt thân

ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc công ty đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt nhận định: “Nhiều người cho rằng phụ nữ hơn nhau tấm chồng, nên nếu chẳng may gặp mấy ông "trời đánh thánh vật" cũng đành chịu đựng, sợ nói ra sẽ "xấu chàng hổ thiếp", chưa kể còn bị đánh nhiều hơn. Điều này rất sai. 

Dung de den ly hon moi loay hoay tim chung cu!
 

Phụ nữ không phải hơn nhau ở tấm chồng hay "trong nhờ đục chịu" mà phải hơn nhau ở tâm thế chủ động. Ngay từ khi chưa cưới hay về chung sống một nhà, phải thỏa thuận nghiêm cấm chuyện "động tay động chân". Nếu không đủ bản lĩnh ly hôn, vẫn chấp nhận chung sống thì phải tự tu tâm - bớt nói, bớt càm ràm khi có xung đột và chủ động "chạy" khi bị tấn công.

Khi xét thấy không thể chung sống, nên thu thập bằng chứng như thương tích, ghi âm (vì lời nói xúc phạm, chửi bới cũng là bạo lực tinh thần), nhờ người xung quanh làm chứng để được xem xét giành quyền nuôi con và được pháp luật bảo vệ”.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Loan khẳng định tất cả các trường hợp trên, hành vi của những người chồng đều vi phạm pháp luật, như là: cố ý gây thương thích, đe dọa giết người, cản trở quyền được gần gũi, chăm sóc con của người mẹ… Đối với các hành vi trên, nếu có đơn tố cáo và có chứng cứ xác thực thì các cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Việc báo chính quyền địa phương can thiệp bạo hành gia đình không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của người vợ. Bởi việc bạo hành còn ảnh hưởng đến sự an nguy của những thành viên khác trong gia đình. Biên bản xử lý vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính… là những chứng cứ tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ trong vụ án ly hôn. 

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI