Đức hạnh đàn ông

21/02/2017 - 10:09

PNO - Ngày nay chính phụ nữ cũng đang đấu tranh để xem chuyện trinh tiết là lạc hậu, huống chi đàn ông.

Ở bất kỳ thời đại nào, đức hạnh của người phụ nữ vẫn luôn là yếu tố quan trọng của hôn nhân. Tuy nhiên, với đàn ông, nếu nói theo dân gian là lấy vợ như “rợ buộc chân”, thì liệu trước những cám dỗ ngoài xã hội, họ có tháo hết ra, có giữ được cái gọi là “đức hạnh đàn ông”? Các anh Đặng Hoàng - cựu nhà báo, Nguyễn Hà Quốc Anh - Giám đốc Công ty lịch xuân Phương Nam và Nguyễn Thanh Trúc - doanh nhân, sẽ cùng trao đổi về vấn đề thú vị này. 

Các anh có nghĩ rằng, nếu đàn ông biết giữ mình, gia đình sẽ hạnh phúc?

Anh Nguyễn Thanh Trúc: Quan niệm về hạnh phúc lứa đôi có sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Theo thuyết tương sinh của người phương Đông thì âm dương hòa hợp là cội nguồn của vạn vật trong vũ trụ. Con người cũng vậy, để tạo được hạnh phúc lứa đôi thì bắt buộc phải có sự hòa hợp giữa người đàn ông và người phụ nữ. Như thế, hạnh phúc phải được vun đắp từ hai phía chứ không phụ thuộc vào một người nào.

Duc hanh dan ong
Anh Quốc Anh

Đàn ông giữ mình chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là từ một nửa còn lại. Không ít đàn ông vẫn nghĩ, ra ngoài ăn chơi sao cũng được, chỉ cần khi về nhà thực hiện tốt bổn phận làm chồng làm cha là đủ. Tôi không đồng ý với cách nghĩ đó, vì việc giữ mình tránh xa cám dỗ không chỉ giúp tinh thần trong sạch mà còn giữ cho thể chất được cường tráng. Đây cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Tóm lại, để có hạnh phúc lứa đôi, người đàn ông phải biết giữ mình nhưng kết quả không hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào đó.

Anh Nguyễn Hà Quốc Anh: Theo tôi, nếu xem gia đình là một đơn vị xã hội thì chúng ta phải xét từ những yếu tố cấu thành gia đình. Những yếu tố này tác động với nhau, tùy theo văn hóa, quan điểm sống và điều kiện cụ thể, mỗi gia đình sẽ đặt yếu tố nào là hàng đầu trong việc xây dựng hạnh phúc. Tôi không bàn về chuyện đàn ông hư hỏng vì tệ nạn, mà nghĩ về vấn đề tình dục một cách khách quan và bình thường, xem nó là một nhu cầu cũng như ăn mặc, được làm việc, được tôn trọng...

Theo tôi, tình yêu và tình dục là hai phạm trù khác nhau, không nhất thiết yêu là phải sex với nhau và sex thì tất nhiên là yêu. Khi đã xem nhu cầu tình dục là bình thường thì quan điểm giữ mình sẽ lạc hậu. Giữ để làm gì, giữ cho ai? Đồng hồ sinh học con người cũng đã tự điều chỉnh, độ tuổi có nhu cầu về sex rất rõ. Nếu qua giai đoạn đó, con người không còn cần nữa, thì giữ mình để gửi bảo tàng à?

Đàn ông đã có gia đình thường rất sợ những mối quan hệ lằng nhằng. Đôi lúc họ thiếu tự tin trong gia đình nhưng ra ngoài thì họ dễ thể hiện mình hơn, vì trong những câu chuyện của họ thường không có chỗ cho các khó khăn chỉ người nhà mới biết. Những lúc đó, họ thấy như mình được lên hương, tuy có hơi ảo tưởng nhưng giúp họ giảm bớt sự tự ti một cách hiệu quả.

Họ đi tìm chỗ “chém gió vui vẻ”, chứ chẳng phải tìm nơi tâm sự, dù các bà vợ vẫn lo chồng mình có tình cảm ngoài luồng. Hạnh phúc gia đình bao gồm nhiều yếu tố, không phải chỉ có tình dục. Nếu các yếu tố cấu thành gia đình như: công việc, con cái, thu nhập… ổn định, đàn ông có cần phải giữ mình trong sạch? Liệu các bà vợ có coi trọng “tiết hạnh” của chồng khi anh ta luôn chu toàn trách nhiệm với gia đình? Ngày nay chính phụ nữ cũng đang đấu tranh để xem chuyện trinh tiết là lạc hậu, huống chi đàn ông.

Anh Đặng Hoàng: Đàn ông đi xa nhà, nếu nhớ vợ thì giữ mình rất dễ. Không phải nhớ chuyện nọ, chuyện kia, mà tôi nhớ nhất là bàn tay của vợ từ trong bếp, phòng tắm đến phòng ngủ, phòng khách, làm cho nơi nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ và luôn đổi mới. Nhớ bữa cơm vợ nấu ngày cuối tuần, ngay cả khi mua cơm hộp vẫn chọn món sao cho hợp khẩu vị chồng con. Nhớ cách vợ chăm sóc con, tóc con gái lúc nào cũng thơm, áo quần con trai lúc nào cũng sạch… Người phụ nữ là “linh hồn” của gia đình, là người làm cho căn nhà sống động. Người vợ giỏi còn làm cho ông chồng thay đổi, tự biết giữ mình, chứ không phải yêu cầu hay hoặc theo giữ sát một bên. 

Trước một cuộc tình ngoài luồng...

Anh Đặng Hoàng: Đàn ông khi ngồi lại với nhau, chẳng ai “khoe” chỉ có mỗi mình vợ, vì chẳng ai tin. Nhưng, khi đã có một mái ấm thật sự rồi, ít ông nào hoang mang trước ánh nhìn của cô gái khác. Họ hiểu, nếu có gì thì cũng chẳng đến đâu. Mình đã là “trách nhiệm hữu hạn” rồi, giữ không vướng vào thì tốt cho người và cả cho mình.

Duc hanh dan ong
Anh Đặng Hoàng

Anh Quốc Anh: Tôi không có tình cảm ngoài luồng, chỉ có xã giao ngoài luồng. Tôi chỉ xã giao như mời bạn một món ăn ngon, một bài hát hay, hết cuộc vui là về nhà với trách nhiệm của mình.

Anh Thanh Trúc: Tôi không có trải nghiệm đó, nhưng tôi nghĩ đa số đàn ông trước khi tiến tới hôn nhân đều đã trải qua một vài mối tình và trong khoảnh khắc nào đó, nhất là ở giai đoạn trung niên, cũng có đôi lần bất chợt nghĩ về một thời để nhớ. Với tôi, đó chỉ là những kỷ niệm đẹp giữ cho riêng mình. Theo tôi, một người đàn ông có hôn nhân tay ba hoặc nhiều hơn thì xem như người đó đã thất bại trong hôn nhân, bởi mọi cách xử lý khủng hoảng đều không thể nào đạt được kết quả tốt đẹp.

Hôn nhân không đơn giản là chuyện giữa hai người mà còn có bên thứ ba là con cái. Sự thành bại trong hạnh phúc gia đình luôn ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách và sự phát triển tâm sinh lý của các con. Sự thành bại của con cái trong đời thường liên quan chặt chẽ đến sự thành bại của hôn nhân giữa cha mẹ chúng.

Làm thế nào giữ được hình ảnh của người đàn ông ngày xưa trong mắt vợ? 

Anh Thanh Trúc: Chúng ta đều biết, khi yêu nhau người ta thường dễ dàng bỏ qua những khuyết điểm của đối phương, chỉ tập trung nhìn vào ưu điểm, nên không phải ngẫu nhiên mà người ta chọn màu hồng là màu tượng trưng cho tình yêu. Tuy nhiên, thực tế là sau khi đã thành vợ chồng, trước những chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện con cái… màu hồng lãng mạn ấy sẽ dần phai nhạt.

Vì thế, phải có một tình yêu đủ lớn người đàn ông mới có thể giữ được lửa tình yêu, giữ hình ảnh mình luôn đẹp trong mắt người yêu. Sự quan tâm, chia sẻ, bao dung; những ân cần, yêu thương dành cho nhau là cả một nghệ thuật xuất phát từ tấm lòng thật sự trân trọng nhau chứ không thể giả tạo. Ở đây, vượt lên tất cả là sự chân thật - sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình từ tình yêu đến hôn nhân. Có như vậy, hình ảnh người đàn ông mới mãi không thay đổi trong mắt vợ.

Anh Đặng Hoàng: Giữ hình ảnh của mình trong mắt vợ là việc còn quan trọng hơn cả giữ “tiết hạnh” của mình. Thời nay phụ nữ cũng đi làm, có nhiều mối quan hệ và tất nhiên sẽ “dòm ngó”, thậm chí có thể bị thu hút bởi những người đàn ông khác. Một ông chồng về nhà say xỉn, ăn nói cộc cằn, cư xử lạnh nhạt… thì làm sao giữ được cảm tình của vợ?

Tôi nghĩ, có lẽ trong thời gian không xa nữa, những ông lười biếng, nhậu nhẹt, nhiều thói hư tật xấu sẽ không thể lấy được vợ, hoặc cũng dễ bị ly hôn. Trong các gia đình bây giờ, ông chồng về nhà xem ti vi, đọc báo, mặc vợ lúi húi trong bếp cũng đã bị đánh giá là không đáng mặt làm chồng. Một người chồng đích thực phải biết cùng vợ chia sẻ mọi thứ, cụ thể là biết vào bếp, biết dạy con học, chăm sóc vợ con. Người đàn ông thật sự thành đạt phải là người làm cho vợ con của anh ta hạnh phúc. 

Duc hanh dan ong
Anh Thanh Trúc

Anh Quốc Anh: Hình ảnh tôi ngày xưa chỉ phù hợp với “em của ngày hôm qua”. Hôm nay, “em” đã là một bà mẹ. Cô ấy cần người chồng của gia đình, cần người cha của đám con mình, chứ không cần hoàng tử mộng mơ, chỉ biết chở em đi ăn kem, ăn khô bò, gỏi đu đủ. Cô ấy cần người đàn ông vững vàng sự nghiệp, yêu con hơn yêu bản thân, biết lo cho gia đình hơn là chỉ chăm chăm chiều chuộng cô gái ngày xưa.

Trường Sơn

(Thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI