Đồng nghiệp của thầy

19/11/2016 - 06:39

PNO - Em trao tôi tấm thiệp: “Em may mắn được gặp thầy trong cuộc sống, bây giờ thầy lại đi xa. Hãy cho phép em được đến gặp thầy trong ngày 20/11 hàng năm thầy nhé, dù thầy ở bất cứ nơi nào, một lời hứa nha thầy!”.

Khuya, tin nhắn đến: “Thầy đang ở đâu? Cho em biết ngay nhé! Ngày mai là 20/11 thầy ơi!”. Không cần nhìn màn hình, tôi biết đó là em. Mười năm qua, tôi và em luôn dành những giờ phút cuối cùng của ngày 20/11 để ngồi chuyện trò ở một nơi nào đó thật yên tĩnh. Tôi và em có cùng ngày sinh, 20/11.

Mười tám năm trước, em là cô học trò nhỏ mà sự đam mê môn toán của em đã gây cho tôi ấn tượng khá mạnh. Bao nhiêu bài tập đều được em làm hoàn chỉnh, thậm chí còn muốn nhận nhiều bài tập hơn nữa. Sau một thời gian, tôi nhận ra em đắm mình vào toán để quên đi cuộc sống không hạnh phúc. Bố em có vợ bé, mẹ thì mê đỏ đen.

Dạy em đến năm lớp 11, tôi chuyển sang công tác quản lý. Mỗi khi gặp, em vẫn say sưa kể về những bài toán. Bẵng đi vài năm, quay cuồng với cuộc sống, tôi quên mất cô học trò nhỏ củ a mì nh. Bỗng một ngày, em bất ngờ xuất hiện trước phòng làm việc của tôi, trên tay là quyết định nhận công tác ở một trường vùng ven thị xã. Tôi ngạc nhiên khi biết em chọn sư phạm toán, khi năng lực của em thừa sức vào các trường danh giá. Em nói: “Em chọn ngành này chỉ vì em muốn được trở thành đồng nghiệp của thầy, người em yêu quý nhất trong cuộc sống này”.

Dong nghiep cua thay

Hai năm sau, tôi lại đi khỏi thành phố miền cao. Chia tay, em trao tôi tấm thiệp nhỏ: “Em may mắn được gặp thầy trong cuộc sống, bây giờ thầy lại đi xa. Hãy cho phép em được đến gặp thầy trong ngày 20/11 hàng năm thầy nhé, dù thầy ở bất cứ nơi nào, một lời hứa nha thầy!”. Cảm nhận được tấm lòng cô học trò nhỏ, tôi đã hứa, lời hứa mở đầu cho thông lệ cuộc hẹn gặp nhau ở những giờ phút cuối cùng của ngày 20/11.

Em đạt nhiều thành tích nổi bật trong công việc, được chuyển về một trường điểm của thành phố nhỏ. Thật không may, tại nơi này em gặp “biến cố”. Vào một buổi học, cậu học trò con quan tỉnh vừa làm ảnh hưởng đến việc học của lớp, vừa có thái độ hỗn hào với em. Trong một phút không làm chủ cảm xúc, em đã dùng thước đánh vào mông cậu bé.

Rủi thay, trên cây thước có cây đinh nhỏ gây một vết xước. “Quan ông” bất bình gọi cho giám đốc sở, “quan bà” đến trường làm rùm beng. Thanh tra sở, lãnh đạo phòng, báo chí xúm quanh em. Điều buồn nhất, sự việc xảy ra trước ngày Nhà giáo chỉ khoảng một tuần. Vì quá rõ tính cách của em, tôi chỉ im lặng nghe em nói kèm tiếng khóc trong điện thoại về quyết định tự thôi việc.

Ngày 20/11 năm đó, em vào Bình Dương gặp tôi, thầy trò yên lặng ngồi bên nhau trong quán cà phê, lắng nghe tiếng saxophone vút lên giai điệu Woman in love cả hai cùng thích. Chia tay, em nói: “Dù sao em vẫn quyết tâm phải là đồng nghiệp của thầy”. Thú thật, lúc đó tôi đã nghĩ “em điên rồi”, năng lực em dư sức kiếm việc nhẹ nhàng, lương cao… sao cứ phải lao vào ngành giáo dục “bạc bẽo”.

Chỉ sau ba tháng “tự đuổi việc”, em đã vào làm cho một tổ chức giáo dục của một quốc gia tiên tiến ở khu vực Đông Nam Á. Ngày nhận tháng lương đầu tiên, em buộc tôi đi ăn cơm cùng em. Em nói: “Em lại được là đồng nghiệp của thầy, thầy ơi!”. Sau một thời gian ngắn, em được đánh giá cao và chuyển về làm tại văn phòng trung tâm của tổ chức giáo dục đó, quản lý dự án liên quan đến ba quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Em tiếp tục học lên về giáo dục.

Dù vậy, nỗi buồn của em vẫn không vơi đi. Em hay hỏi tôi: “Tại sao nước người ta chỉ có vài triệu dân, nước mình mấy chục triệu dân, mà thế hệ trẻ của mình cứ phải cắp cặp du học người ta hả thầy?”. Cả tôi và em đều không đủ sức để trả lời.

Rồi một đêm 20/11, ngồi bên nhau trên một bãi biển, em báo tin vui chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ giáo dục. Tôi đùa: “Vậy là thầy sắp sửa trở thành học trò của em rồi”. Em không cười mà nói nhỏ: “Nếu không có thầy, chắc hẳn em không có ngày hôm nay. Em mong muốn sau khi thành tiến sĩ, sẽ mang những kiến thức đã học trở về phục vụ, góp phần biến đổi tích cực nền giáo dục của đất nước mình”.

***

Bên chiếc bàn nhỏ, người đàn ông lớn tuổi ngồi một mình với chiếc laptop. Quán nhỏ ngày đó giờ đã thay đổi nhiều. May mắn, góc nhỏ vẫn gần như nguyên vẹn, một chiếc bàn kính, hai chiếc ghế gỗ nằm nép mình dưới tán cây. Người đàn ông đến đây vì lời hứa từ 12 năm trước, ngồi đúng vị trí quen thuộc.

19g30, giờ hẹn của lời hứa năm xưa, chiếc ghế kế bên vẫn trống, màn hình facebook vẫn không có gì ngoài những lời chúc ngày 20/11, những bó bông ảo, những ngọn nến ảo... Người đàn ông thở một hơi vẻ nhẹ nhõm pha chút thất vọng, 12 năm cho một lời hứa đã là quá đủ.

19g35, người đàn ông gập laptop cho vào ba lô, đứng lên. Xoay người bước ra, ông sững người. Sau lưng ông, người phụ nữ trong chiếc váy trắng quen thuộc lặng đứng, chăm chú nhìn. Người phụ nữ bước đến, ôm chầm lấy người đàn ông đứng tuổi: “Em tin chắc, nếu đang ở phố núi, thì giờ này thầy có mặt nơi đây. Em đến và muốn nhìn xem phản ứng của thầy khi nghĩ em là người bỏ cuộc”.

Trong vòng tay ôm của người phụ nữ, người đàn ông vẫn còn kịp nhìn thấy cách đó không xa một người đàn ông châu Âu nhìn hai người. “Đây là người thầy em từng kể cho anh nghe. Thầy ơi, đây là ông xã em, tụi em chuẩn bị cưới nhau vào tháng sau thầy ạ!” - người phụ nữ sôi nổi giới thiệu.

Cuộc gặp gỡ giữa người đàn ông đứng tuổi và người phụ nữ U40 vẫn sôi nổi, nhiệt tình, nồng ấm như mọi năm. Cô vui hơn khi nói về một số dự án giáo dục mình đã thực hiện. Ánh mắt cô ngập tràn hạnh phúc khi hóm hỉnh kể những… thói hư, tật xấu của chàng “tài xế” mà cô chọn cho chuyến đi này và cho cả cuộc đời mình.

Người đàn ông mỉm cười: “Thầy rất mừng vì năm nay em có vẻ rất hạnh phúc. Thầy nghĩ rằng lời hứa 12 năm đã đến lúc kết thúc em ạ”. “Lời hứa năm xưa là vĩnh viễn thầy ạ! Chiều hôm qua, về đến Tân Sơn Nhất, em tưởng sẽ gặp thầy ở Sài Gòn, nhưng qua facebook, em biết thầy đã về phố núi. Sáng nay, chúng em đã thuê xe để về lại nơi 12 năm trước em đã rời bỏ trong nước mắt. Em tin rằng, thầy sẽ đến đúng nơi này dù có em hay không. Em đã không phải thất vọng. Đêm nay, chúng em trở về Sài Gòn để sáng mai bay đi Myanmar cho một dự án giáo dục. Kính chúc thầy một sinh nhật nhiều niềm vui”.

Hai người đàn ông bắt tay nhau: “Hãy chăm sóc cô ấy thật tốt bạn nhé! Khi xe ra khỏi phố núi, chuyển mảnh giấy này cho cô ấy giúp tôi”.

Lần đầu tiên trong suốt 12 năm qua, người đàn ông ôm chặt người phụ nữ trong đôi tay mình, đặt lên má chiếc hôn nồng ấm.

Phạm Phúc Thịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI