Đồng cam cộng khổ

25/02/2014 - 08:10

PNO - PN - Đã có 40 năm dìu nhau trên đường đời, vợ chồng Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Trúc Linh và NSƯT Trọng Khiêm cho biết, hôn nhân với anh chị, bên cạnh hạnh phúc, luôn là sự đồng cam cộng khổ…

edf40wrjww2tblPage:Content

DUYÊN TÀI - SẮC

NSƯT Trúc Linh, tên thật là Nguyễn Thị Bế, quê gốc Long Hưng, Châu Thành, Tiền Giang. Năm 13 tuổi, cô bé Bế đang hát nghêu ngao khi chăn đàn vịt thì được một cán bộ giải phóng trên đường tuyển diễn viên cho đoàn văn công động viên theo cách mạng. Nghe nói sẽ được học ca, được diễn cải lương…, Bế cắp cái tụng (giỏ đan bằng lát) rỗng, thoát ly, vào Đoàn văn công Cục Chính trị quân giải phóng miền Nam. Cùng thời điểm đó, tại Cai Lậy, Tiền Giang, cậu thanh niên ham múa hát Phạm Trọng Khiêm cũng theo cách mạng để làm văn công.

Họ về cùng một đoàn. Bế lấy nghệ danh là Trúc Linh theo tên của người chiến sĩ cách mạng đã đưa cô vào chiến trường - ông Trúc Chi. Khiêm vào đội múa. Do mỗi người một mảng nên họ ít gặp nhau. Đã vậy, Trúc Linh còn sớm… có người yêu, nên dù rất ngưỡng mộ cô bé tóc dài, hay đứng tập hát với nghệ sĩ Xuân Hồng, Trọng Khiêm vẫn giữ khoảng cách “xa thật là xa” với Trúc Linh.

NSƯT Trúc Linh nhớ lại: “Thời đó chiến tranh ác liệt lắm, phải tuân thủ nghiêm quân lệnh. Khi yêu, chỉ đến mức… nắm tay là cùng. Lúc vỡ mộng tình đầu, đau như ai đó cắt vào tim, nhưng khóc suốt đêm rồi sáng mai lại tiếp tục lao vào vị trí chiến đấu”. Lớn hơn Trúc Linh ba tuổi, chững chạc hơn, NSƯT Trọng Khiêm kể: “Hồi đó thấy mấy anh em đã có gia đình, mỗi lần địch càn vừa cầm súng vừa cứ ngong ngóng về phía quê nhà, tôi cũng sợ lỡ thương ai, có bề gì thì khổ cả hai. Vì thế, tôi chấp hành mệnh lệnh ba khoan (khoan yêu, đã yêu khoan cưới, lỡ cưới thì khoan sinh con) của lực lượng”. Thế nhưng năm 1972, lúc cuộc chiến vào giai đoạn ác liệt nhất, Trọng Khiêm phát hiện mình đã thương thầm cô gái nhỏ nhắn, hiền lành có giọng ca trong trẻo. Tình yêu khiến Trọng Khiêm… siêng qua lán trại của đội ca sau những giờ tập múa.

Dong cam cong kho

Vợ chồng NSƯT Trọng Khiêm-Trúc Linh thời làm văn công

Sự quan tâm đặc biệt của Khiêm khiến Trúc Linh cảm động. Đầu năm 1973, Trúc Linh được gửi ra Hà Nội học. Thời cơ vàng để tỏ tình chính là trước lúc Linh lên đường, Trọng Khiêm nắm ngay cơ hội. Thư đi, tin lại, vì chiến tranh, mỗi lá thư phải hơn một tháng mới đến tay người nhận.

Hòa bình lập lại, tháng 9/1975, đôi trai tài gái sắc Trúc Linh - Trọng Khiêm làm lễ kết hôn trong sự chúc mừng của bạn bè, đồng đội.

VƯỢT DỐC

Vừa cưới xong, Trọng Khiêm - Trúc Linh đã phải sống cách xa nhau dù cùng được phân công về Cần Thơ. Tháng 10/1976, nghệ sĩ Trúc Linh sinh con gái đầu lòng Trúc Phương. Con chưa đầy sáu tháng, hai vợ chồng được đơn vị điều động, phải gửi Trúc Phương cho bà nội. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam chưa dứt, con gái thứ hai, Trúc Hà ra đời. Nghệ sĩ Trúc Linh nhớ lại: “Vợ chồng cứ rong ruổi. Con ốm đau, suy dinh dưỡng. Có những ngày diễn xong, giữa khuya anh Khiêm đã chạy đi xếp hàng mua vé xe đò về Tiền Giang. Tới nơi, bế con chưa nóng tay, vợ chồng lại phải quay ra bến xếp hàng đón xe về đơn vị. Để ổn định gia đình, phải có một người ra khỏi ngành. Nhìn chồng biểu diễn với tất cả đam mê, tôi không nỡ để anh xa sân khấu, bèn viện cớ… thèm đi học để chuyển ngành”.

Năm 1982, nghệ sĩ Trúc Linh rời Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 về làm trợ lý văn hóa văn nghệ tại Sở Văn hóa thông tin Cần Thơ. Vì thời theo cách mạng, nghệ sĩ Trúc Linh mới vừa học xong lớp 4, nên ngay khi nhận nhiệm sở mới, chị xin đi học bổ túc. Tối tối, chị chở hai đứa con đến trường, cho Trúc Phương ngồi giữ Trúc Hà, còn mẹ vào lớp. Tám năm sau chị tốt nghiệp phổ thông. Gian nan phấn đấu, nhưng khi đơn vị có đợt giảm biên chế, nghệ sĩ Trúc Linh phải xuống làm tạp vụ cho nhà hàng Ninh Kiều. Chị nói: “Là một nghệ sĩ mà ngày ngày tôi phải đi giặt từng tấm khăn bàn, lau từng cái ghế, trồng cây, nhổ cỏ”. Vậy mà còn có người nói ra nói vô gì đó, chị lại bị điều động sang nấu cơm cho lãnh đạo Bộ Tư lệnh quân khu! Ngày Tết, muốn có thêm cái áo đẹp cho con, chị ra chợ giữ xe, ngồi dán lịch… Chính trong thời khắc cơ cực nhất đó, chị bắt tay vào sáng tác. Bài ca cổ Đôi phút ưu tư của chị được bạn bè văn nghệ sĩ cổ vũ. Nghiệp viết của chị chính thức bắt đầu.

Dong cam cong kho

Vợ chồng NSƯT Trọng Khiêm - Trúc Linh hôm nay

“Một đoạn sầu trong giai điệu sang xuân.

Đất nước đang vươn lên nét hồng tươi hạnh phúc.

Còn sót lại một đoạn sầu trong điệu khúc.

Nên chỉ xin đời thêm đôi phút ưu tư”.

Trong khi vợ khốn khổ, nghệ sĩ Trọng Khiêm túi bụi theo đoàn từ Nam chí Bắc phục vụ cho biên giới, hải đảo xa xôi. Anh Khiêm kể: “Vợ chồng ít gặp nhau. Gặp thì cô ấy cứ nấu nướng, vui vui, cười cười, kể chuyện “được chuyển qua nhà hàng”, “được chuyển qua bộ phận hậu cần”… Tôi nghe mà chẳng mảy may nghi ngờ, nghĩ ngợi gì”. Năm 1985, nghệ sĩ Trọng Khiêm được cử đi học biên đạo múa ở Hà Nội. Trước khi đi, anh ghé đơn vị thăm vợ, bất ngờ thấy chị Trúc Linh trong bếp làm cá, lặt rau, anh lặng người. Tìm hiểu, biết những nhọc nhằn của vợ, anh kể: “Tôi xiết tay cô ấy một cái thật chặt, nghe đau đớn vô cùng, vì không biết nhờ ai can thiệp giúp vợ mình”.

Mãi đến năm 1993, trong danh sách đề cử Nghệ sĩ ưu tú đợt đầu tiên của Quân khu 9, thì Trúc Linh là một trong bốn người được vinh danh. Chị rớm nước mắt kể: “Hôm đó tôi đang quạt than nấu cơm thì ông Nguyễn Đệ, Tư lệnh Quân khu bước vào. Ông hỏi: “Sao NSƯT mà phải đi nấu cơm?”. Nước mắt tôi tuôn trào, không dừng lại được”. Ngay sau đó, ông Đệ đề nghị NSƯT Trúc Linh trở lại Phòng Tuyên huấn, phong lại quân hàm thiếu tá cho chị. Tám năm sau, anh Trọng Khiêm cũng nhận được danh hiệu NSƯT.

***

Trở về từ Hà Nội, nghệ sĩ Trọng Khiêm được đề bạt làm Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu 9. NSƯT Trúc Linh kể: “Năm năm, về đến nhà, anh Khiêm xin nghỉ hẳn mấy ngày để nâng nền, chống dột, sau đó là giành phần với tôi trong việc đưa đón hai con gái đi học”.

Trong khu tập thể của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9 tại Q.Bình Thủy, TP. Cần Thơ ai cũng biết vị trưởng đoàn từng vừa làm nghệ thuật, vừa làm nông dân, yêu vợ yêu con hết lòng này. Hai con gái của anh chị giờ một là cử nhân kinh tế, một là trình dược viên, đều đã có gia đình. Cả hai khẳng định: “Nếu không nhờ công lao của ba, gia đình em không được như ngày hôm nay”.

HẠNH CHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI