Dọn stress

20/02/2019 - 14:00

PNO - Dù bạn có nhận diện rõ hay không, stress vẫn là một phần cuộc sống của mỗi người. Đầu năm mới, ta cùng nhau dọn stress để thông thoáng đường đua, “chạy tốt” và cán đích mỹ mãn.

Giữa một phiên họp căng thẳng, “thù trong giặc ngoài” ngấm ngầm đã lâu, giờ bủa vây tứ hướng, đầu ông giám đốc như muốn nổ tung. Ông bước ra ngoài, hít thở một chút, moi từ trong bóp tấm hình một phụ nữ, lầm bầm mấy lời, rồi trở vào phòng họp, ra tay “dẹp loạn” một cách ngoạn mục.

Người trong ảnh là ai? Ông giám đốc lầm bầm những gì để có sức mạnh ấy? Người hướng nội có thể nói ông nhìn ảnh bạn đời, để được động viên, khích lệ; người dí dỏm nghĩ ông nói: “Sống với “con điên” này bao nhiêu năm tao còn chịu được, huống gì mấy việc vặt vãnh kia”. Dù sao, nếu không có những động tác hoãn binh ấy, chắc ông giám đốc sẽ chết ngạt trong stress.

Don stress

Dám nói thật

Theo khoa học, hít thở sâu, nhai kẹo cao su… cũng giúp giải stress tạm thời; nhưng nếu phải khư khư, giấu ém chuyện gì thì có nhai đến cả… rổ kẹo cao su cũng như không. Dám nói thật và biết cách nói sẽ tránh sa chân vào hố stress.

Hằng năm có ngày nói dối, nhưng chưa có ngày nói thật. Tháng Giêng với nắng vàng ấm nồng, hoa đua nở, người người được nghỉ ngơi thư giãn và mở lòng có thể là cơ hội để thổ lộ những âm ỉ chăng. Nhờ nắng xuân chiếu rọi vào góc khuất, chúa Xuân sẽ tiếp sức cho mình, nói sao để dễ được đón nhận, nhẹ nhàng như tâm sự hơn là thú tội.

Anh Nam Hoàng (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Tôi chọn ngày mùng Bốn tết, ngược với ngày Cá tháng Tư dương lịch để cả nhà “bật mí” với nhau tất cả. Khởi đầu từ nhiều năm trước bằng lời thú tội của tôi - “lỡ có con rơi 2 tuổi”. Tất nhiên, vợ tôi đau điếng, bàng hoàng; nhưng nhờ lần “cách mạng” đó, tôi cứu vãn được hôn nhân (suốt 2 năm, tôi ém tiền để cho con, nói dối đi tiếp khách với sếp; vợ thì ghen lồng lộn, có lần còn đưa con về ngoại, định ly hôn). Sau cú sốc, vợ tôi đã bình tâm, bàn kế hoạch cấp dưỡng và đến thăm nom bé hằng tháng. Tôi dễ dàng cắt đứt với mẹ bé vì vốn giữa chúng tôi không có tình yêu, chỉ vì một phút mất kiểm soát”.

Thật là phẩm chất gốc để ta ngẩng mặt nhìn đời hay ít nhất là mỉm cười với mình trong gương. Ai cũng có điều đang che giấu. Khi bí mật đó xuất hiện, ta phải tốn bao công sức để canh gác. Bí mật là con quái vật biết nói và không ngừng quẫy đạp. Thay vì mệt mỏi, hoang mang, sợ hãi nhốt giữ, hãy thả nó ra bằng lời nói thật. Nói ra để người thân cùng giúp giải quyết và dù cái giá phải trả đắt hay rẻ, bạn chắc chắn sẽ trả nổi. Tùy tình thế mà chọn tâm sự trực tiếp, nhắn tin, email hoặc thông qua một kênh tin cậy nào đó. Nói thật sẽ được “cộng điểm” vì khôi phục niềm tin. Người thân, đồng nghiệp, bạn bè sẽ cảm nhận được bạn đang phấn đấu quay về nẻo chính.

Một bà vợ “cao tay”, nhiều đêm thấy chồng trằn trọc mãi, chẳng thiết chuyện gối chăn. Bà rào đón mãi rồi ông cũng nói thật là từ lâu có mắc nợ 40 triệu đồng, hứa đến Chủ nhật này sẽ trả mà giờ trong túi chỉ mới có 2 triệu đồng. Bà liền bảo ông gọi cho chủ nợ: “A lô, chồng tôi nợ ông 40 triệu đồng, hứa Chủ nhật trả, mà giờ chỉ có 2 triệu. Đấy, tôi báo ông biết rồi đấy nhé”. Cúp máy, bà gác đùi lên chồng, nói: “Chỉ thế thôi. Giờ ông yên tâm ôm vợ ngủ đi, đến lượt ông kia trằn trọc”. Chuyện nửa thật nửa đùa, nhưng là chiêu độc… “chuyển stress cho người”.

Lò giải stress

Nếu có các dạng công việc “ít quan trọng và không cấp bách”, “ít quan trọng nhưng cấp bách”, “quan trọng mà không cấp bách”, “quan trọng và cấp bách”, bạn sẽ chọn làm công việc nào? Tất nhiên, việc quan trọng và cấp bách thì phải lo thanh toán sớm. Nhưng nếu mật độ chọn “ý thứ tư” ngày càng nhiều thì bạn phải xem lại thói quen hoạch định, cắt đặt công việc và tiến độ đi đến mục tiêu của mình. Nếu cứ đợi “nước tới chân mới nhảy”, hiệu quả công việc của bạn chỉ ở mức “cho xong”; sếp sẽ rầy rà, đối tác mắng vốn, gia đình than trách… trong khi bạn đang cuống cuồng giải quyết việc “quan trọng và cấp bách” khác. Bạn sẽ ấm ức, oán than, rồi dễ bia bọt giải sầu, bê tha, buông xuôi… Không cần nhanh, chỉ cần tỉnh táo, chạy đều và cân bằng. Nếu có stress, sẽ ngắn và ngắt quãng.

Don stress
Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Quyên (H.Cần Giờ, TP.HCM) cho rằng, “mảng việc” giữ lửa gia đình chưa từng được công nhận là cấp bách, dù hỏi đến thì ai cũng bảo gia đình là quan trọng, là số một. Lần lữa chăm sóc nhau, lần lữa vòng tay, ánh mắt âu yếm, lần lữa chia sớt tâm tư… cho đến ngày có “hắc y thích khách” xuất hiện, báo hiệu giữ lửa đã thành cấp bách. Từ chỗ là trách nhiệm - quyền lợi, tận hưởng, giữ lửa trở thành bi kịch “cháy nhà”. Đừng dồn giữ lửa gia đình xuống tầng đáy, để khi rảnh mọi việc khác mới bưng ra “o bế”. Nhiều người chủ quan cho rằng, bạn đời, nay không lo được thì mai lo, mai không được thì mốt lo… Gia đình là lò cung cấp năng lượng, hóa giải stress cho các thành viên. Nhưng nhiều người lại không chăm chút bảo vệ, lại còn vác stress về nhà để “tiêu diệt sinh khí”.

Dọn stress không gì bằng tập suy nghĩ đơn giản, tôn trọng hiện tượng và thực chất vấn đề, giúp cho tâm não bớt rối rắm, căng thẳng, quay cuồng và nghẽn. Thấy chồng cài mật khẩu điện thoại, xóa tin nhắn mà kết luận “hắn có bồ” là tự rước stress vào mình. Phức tạp hóa vấn đề, suy diễn, nhạy cảm thì trầm cảm sẽ “đóng quân” trong ta một ngày không xa. Nhiều nơi trên thế giới có công viên đập phá khá đắt khách, cũng là nơi để “bài tiết stress”. Ở đó, khách mặc trang phục bảo hộ, tha hồ đập phá, la hét và cảm giác thật khác lạ, sảng khoái, thoải mái. Tuy nhiên, những người thuộc trường phái tĩnh sẽ càng căng thẳng với tiếng động, sự đổ vỡ. Dọn stress, với họ, là thư giãn, hòa mình với thiên nhiên, trồng một mầm xanh, đổ một khuôn bánh, nựng thú cưng...

Sống tiết kiệm, “biết đủ”, “biết buông” và lắng nghe tiếng vọng từ cơ thể mình sẽ giúp bạn khỏe mạnh, an nhiên. Nhiều người xốc lại tinh thần bằng cách thường xuyên thăm bạn bè, sắp xếp thời gian theo đuổi đam mê, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Tìm một góc khác để nhìn mình, nhận ra mình, thế đã là may mắn, diễm phúc giữa cuộc đời. 

Cảm ơn stress đã nhắc...

Stress không phải là bệnh. Nó chỉ là tình trạng cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng quá độ; từ đó cơ thể phát sinh những phản ứng: nóng giận, đau đầu, chán nản, phấn khích… Rất nhiều người nhầm lẫn triệu chứng của stress với nguyên nhân. Ví dụ khi bị stress, một nhân viên y tế thường mất ngủ, lo lắng thái quá. Uống thuốc an thần hay thuốc ngủ có thể giảm triệu chứng, nhưng stress mới là nguyên nhân gây mất ngủ.

Don stress

Stress có thể bắt nguồn từ áp lực cuộc sống (cấp trên giao quá nhiều trọng trách); những thay đổi lớn trong đời (mất người thân, bắt đầu làm cha mẹ, phát hiện bệnh nan y, mất việc…); khó khăn xuất hiện (gánh nặng tài chính, nợ nần, bất mãn với công việc…); hoàn cảnh làm bạn mất kiểm soát trong công việc (thiếu kinh nghiệm quản lý, mất chức, hạn nộp bài dồn dập…). Quá ít việc hay quá nhiều việc đều có thể gây ra stress.

Từ những hoàn cảnh trên, cơ thể có những phản ứng khác nhau. Triệu chứng thường phân thành 4 loại: hành vi, nhận thức, thể chất, cảm xúc. Hành vi như ăn quá nhiều hoặc quá ít (do thay đổi dịch vị), hay than vãn, trốn tránh trách nhiệm, cắn móng tay, nghiến răng, nôn nóng… Triệu chứng về nhận thức như: đãng trí, mất tập trung, tư duy méo mó khi đánh giá một vấn đề. Triệu chứng thể chất như: thiếu năng lượng, đau đầu, nôn ói, táo bón, tiêu chảy, mất ngủ hoặc ngủ li bì, cảm lạnh, khô nứt miệng… Triệu chứng cảm xúc như: tự ti, lảng tránh, dễ nổi nóng, chán nản, khó tính, hay nghi ngờ, bi quan…

Các thầy thuốc chia ra stress dương và stress âm, không phải stress nào cũng làm cho người ta buồn lo hoặc bất lợi. Ví dụ ai đó đang bềnh bồng trong sương, đang mất ăn mất ngủ vì yêu đương; ai đó đang ngất ngây với giải thưởng vừa giành được hoặc thành công vang dội của đội tuyển bóng đá nước nhà... cũng là stress đấy, nhưng nó kích thích, hưng phấn. Chúng ta cần cảm ơn stress, vì nó nhắc mình phải luôn chăm sóc sức khỏe, quan tâm bản thân và người thân; không lạm dụng rượu bia, chất kích thích; sống cân bằng, chan hòa các mối quan hệ, giải quyết xung đột sớm bằng giải pháp 
tích cực.

Thạc sĩ - bác sĩ NGUYỄN LAN HẢI

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI