Diệu kỳ một tình yêu

01/05/2014 - 13:24

PNO - PN - Sau trận sốt bại liệt năm bốn tuổi, anh Nguyễn Quốc Hệ (SN 1981) thôn 8A, xã Eakly, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk vĩnh viễn mất đi đôi chân. Một cô giáo trẻ khâm phục ý chí, nghị lực của anh đã yêu và lấy anh làm chồng. Từng bị...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cọc đi tìm trâu

Anh Hệ bộc bạch: “Nghe hàng xóm kể lại, sau nhiều cơn sốt cao, tôi bị liệt hai chân. Đến hai tháng sau, bố mẹ mới có tiền đưa tôi lên thành phố điều trị nhưng đi đâu các bác sĩ cũng lắc đầu, chịu thua. Gia đình đưa tôi đi nhiều nơi khác chạy chữa nhưng vẫn không có kết quả gì, đành chấp nhận số phận”.

Từ nhỏ, Hệ đã siêng năng học tập. Mỗi ngày, cậu đến trường bằng nạng gỗ. Tốt nghiệp phổ thông, Hệ thi vào Trường Cao đẳng y tế Khánh Hòa, Nha Trang. Suốt ba năm học xa nhà, Hệ tự túc mọi việc ăn uống, học hành. Anh còn xin chăm sóc cây cảnh cho nhiều nhà dân để kiếm thêm tiền trang trải chi phí sinh hoạt học tập. Tốt nghiệp, anh về quê, mở tiệm thuốc tây gần nhà.

Anh Hệ cười khi nhớ lại: “Tiệm thuốc tây của tôi gần chợ. Chiều nào tôi cũng thấy một cô gái trẻ đi chợ, dáng vẻ rất vội vã. Cô ấy thường bịt khẩu trang, tôi chỉ nhìn thấy đôi mắt rất hiền”. Nghe chồng nhắc lại chuyện tình yêu, chị Nguyễn Thị Hồng Phúc (SN 1989) cười tủm tỉm: “Như có giác quan thứ sáu, mỗi lần tôi bước vào cổng chợ là lại có cảm giác ai đó đang nhìn mình. Lần nào quay lại cũng thấy anh bán thuốc tây đang nhìn chăm chăm. Từ đó tôi cũng bắt đầu để ý anh. Biết anh bị khuyết tật nhưng vẫn học hành đến nơi đến chốn, lại có công việc ổn định, tôi thầm khâm phục ý chí, nghị lực của anh”.

Thầm thương trộm nhớ người con gái hiền lành nhưng mặc cảm tật nguyền, anh Hệ không dám mở lời. “Thi thoảng tôi ra mua thuốc tây, anh và tôi mới có cơ hội hỏi han nhau vài câu xã giao”, chị Phúc thật thà. Suốt hai năm liền, tình yêu của họ diễn ra trong thầm lặng. Cho đến một ngày, từ một người bạn, Phúc biết được blog của anh Hệ. Họ kết bạn, cho nhau số điện thoại, từ đó những tin nhắn nhớ nhung, yêu thương liên tục trao nhau.

Một ngày Chủ nhật đẹp trời, chị Phúc chủ động gọi điện thoại hẹn gặp anh Hệ. “Vì anh không chạy xe được nên tôi chạy xe đến tận nhà đón anh đi uống nước. Anh nhát lắm, ngồi cả buổi chiều chẳng nói câu nào, chỉ nhìn tôi cười. Vậy mà khi về nhà thì nhắn tin, điện thoại tới tấp”, chị Phúc đỏ mặt nhớ lại.

Dieu ky mot tinh yeu

Anh Hệ - chị Phúc hạnh phúc trong ngày cưới

“Bức tường” phụ huynh

Hẹn hò nhau được hai tháng thì cả xóm đồn ầm ĩ chuyện họ yêu đương. Mọi chuyện đến tai cha mẹ Phúc. Thời gian đầu, Phúc giấu giếm chuyện tình cảm, chị luôn tìm lý do phủ nhận tin đồn ấy. Nhưng tình cảm của hai người ngày càng khắng khít, chị quyết định chở người yêu về nhà ra mắt cha mẹ. Vừa thấy anh Hệ, cha mẹ Phúc phản đối kịch liệt, hết khuyên nhủ nhỏ nhẹ đến nặng lời mắng chửi, tìm mọi cách cấm cản hai người gặp nhau. Ngay cả anh chị trong nhà và bà con dòng họ cũng không ai ủng hộ Phúc, vì lo Phúc sẽ khổ.

Biết gia đình Phúc phản đối, anh Hệ nhiều lần muốn rút lui nhưng tình yêu dành cho Phúc quá lớn, không thể chia tay. Hai người vẫn lén cha mẹ gặp nhau, dù chỉ là 15 phút ngắn ngủi lúc Phúc đi dạy về, tạt qua chợ, ghé tiệm thuốc tây để “nhìn nhau cho đỡ nhớ, để nói với nhau dăm câu bâng quơ”. Phúc nhớ như in lần sinh nhật tuổi 23, cô đi học nâng cao nghiệp vụ ở thành phố. Hệ đón xe lên thăm người yêu. “Nhìn thấy quần áo anh đi mưa ướt nhẹp, lấm lem vết bẩn vì té ngã nhưng miệng cười tươi, trên tay cầm bó hoa hồng, tôi cảm động ứa nước mắt. Chúng tôi chỉ trò chuyện được 15 phút thì anh phải đón xe về lại nhà, còn tôi quay lại lớp học”, Phúc nhắc lại giây phút cô biết cuộc đời mình đã gắn liền với người đàn ông này.

Cái kết có hậu

Gần hai năm với bao nhiêu nước mắt, cuối cùng tình yêu, sự kiên định của hai người trẻ đã thuyết phục được cha mẹ Phúc đồng ý chuyện hôn nhân. Làm vợ, Phúc hết lòng vun vén tổ ấm nhỏ của mình. Buổi sáng, chị dậy sớm phụ mẹ chồng cơm nước, giặt giũ. Trưa, Phúc chạy xe ra tiệm thuốc tây, đón chồng về ăn cơm. Sau đó Phúc chở chồng ra lại tiệm thuốc và đến trường dạy học. Phúc “bật mí”: “Anh Hệ nói yêu tôi vì tính đảm đang, nấu ăn ngon. Những khi rảnh rỗi, tôi thường nghĩ ra những món ăn mới lạ hay làm các món bánh cho cả gia đình cùng thưởng thức”.

Ngày còn con gái, Phúc thường đi du lịch. Từ khi lấy chồng, biết anh Hệ đi lại khó khăn, chị bỏ hẳn thú vui đó, ở nhà chăm sóc chồng. Dù chưa một lần được ngồi sau xe máy chồng chở nhưng chị không bao giờ cảm thấy thiệt thòi. Chị thổ lộ: “Tôi hiểu hoàn cảnh, tâm trạng của anh nên chuyện ứng xử phải luôn tế nhị, khéo léo”. Ở nhà, nếu không có đôi nạng, việc đi lại của anh Hệ rất khó khăn. Nhưng anh vẫn cố gắng giúp đỡ vợ việc nhà. Chị Phúc khoe: “Anh ấy khéo lắm, quét nhà, giặt ủi ngon ơ. Mỗi khi thấy vợ đi dạy về mệt là vào bếp giúp vợ”.

Trước đây cha mẹ Phúc từng phản đối quyết liệt chuyện hôn nhân của anh chị, giờ ông bà lại yêu quý con rể hết lòng. “Đi đâu cũng một hai con rể hết. Con gái ra rìa rồi”, chị Phúc vui vẻ nói.

 Nguyễn Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI