Diễn viên Mai Sơn Lâm: Chạnh lòng chữ hiếu chưa tròn

18/11/2015 - 08:00

PNO - Người xưa thường nói “đàn ông tam thập nhi lập”, trong khi không ít đồng nghiệp vợ con đề huề thì ở tuổi U50, Mai Sơn Lâm vẫn là chàng độc thân.

Dien vien Mai Son Lam: Chanh long chu hieu chua tron
DV Mai Sơn Lâm

Không phải anh không muốn, nhưng nhìn vào tấm gương của ba má, nghĩ về sự rạn nứt của hai người đã từng một thời yêu thương, tưởng sống chết có nhau, nhưng chỉ vì áp lực cơm áo gạo tiền mà “tan đàn xẻ nghé”, anh đâm sợ.

Cảm giác bức bối thường trực khi sống trong không khí ngột ngạt với những cuộc cãi vã của ba má ám ảnh anh không thôi, dù đã mấy chục năm trôi qua, dù hai đấng sinh thành không còn ở chung nhà.

Quá khứ đeo bám, hiện tại bấp bênh vì công việc đóng phim vốn không ổn định, tính anh lại khắt khe với bản thân, không dám cùng lúc đóng nhiều phim nên Mai Sơn Lâm vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện riêng tư.

Bao yêu thích, am mê, anh dồn hết cho nghề. Vai diễn của anh không nhiều, cũng không hẳn là những vai nam chính nhưng mỗi khi nhắc đến tên phim, khán giả đều nhớ ngay nhân vật anh đóng: Bảy Viễn (phim Vó ngựa trời Nam), Cả Bỉnh (Sóng ngầm), Tự Cường (Tại tôi), Lương (Nữ bác sĩ), Trần Văn (Vết dầu loang)...

A Lý và A Hải trong bộ phim Ông trùm đang phát trên truyền hình Vĩnh Long là vai diễn mới nhất của Mai Sơn Lâm. Vẫn là dạng vai phản diện - sở trường của anh. Mai Sơn Lâm có cặp mắt “biết nói” nên rất thích hợp khi làm “người ác” trên màn ảnh.

Hỏi khắp làng phim phía Nam, gương mặt nam nào thường được các đạo diễn chấm vào vai phản diện nhất, đoán chắc không thể thiếu cái tên Mai Sơn Lâm. Cũng chính nhờ đôi mắt giàu biểu cảm mà anh được đạo diễn Tường Phương để ý đến kể từ sau lần đóng vai quần chúng trong bộ phim Dưới cờ đại nghĩa.

Đó là Tư Hiểu - đàn em của Bảy Viễn - một vai không thoại, chỉ việc đứng sau tướng Người Bình Xuyên mỗi khi khung hình lia qua. Vậy mà những thể hiện trong ánh mắt của một quần chúng nín thinh như Tư Hiểu lại làm vị đạo diễn khó tính như Tường Phương hài lòng để rồi từ đó, các phim sau này của ông, Mai Sơn Lâm đều được mời một vai. Nhân vật Tư Hiểu không chỉ khắc sâu vào tâm trí Mai Sơn Lâm như một dấu ấn về vai diễn đầu đời, mà còn chất chứa nhiều kỷ niệm về nghề mà anh đã chọn.

Dien vien Mai Son Lam: Chanh long chu hieu chua tron
Mai Sơn Lâm và mẹ

Ba má anh là công chức, gia đình không ai theo con đường nghệ thuật nhưng Mai Sơn Lâm lại chọn học trường Điện ảnh VN vì hào quang của nghề. Nói trắng ra, nghe phũ phàng nhưng Mai Sơn Lâm chọn điện ảnh vì lý do: nghèo.

Trường đại học Ngoại thương mỗi năm đóng học phí hơn hai triệu, trong khi theo học trường điện ảnh ít tốn kém hơn, mỗi tháng còn có được suất học bổng hơn 30.000đ. Học diễn viên thì ra trường đóng phim kiếm được nhiều tiền, giúp gia đình bớt khổ bởi “Thời đó, diễn viên như Lý Hùng, Việt Trinh đóng xong phim dư sức mua nhà, sắm vàng”, Mai Sơn Lâm cười nói.

Nghĩ thế nên sau một năm học cùng lúc hai trường, Mai Sơn Lâm quyết định nghỉ hẳn Ngoại thương. Dè đâu, tốt nghiệp xong, chẳng được ai mời đóng phim, bản thân cũng không có mối quan hệ nào với những người trong nghề.

Vậy là suốt tám năm trời, kể từ khi tốt nghiệp, Mai Sơn Lâm phải lăn lộn với đủ thứ nghề để mưu sinh, từ tiếp thị sản phẩm, nghiên cứu thị trường, phục vụ bàn, nhân viên pha chế, bán nhạc cụ, bán điện thoại di động…

Bực thằng con trai lớn không nghe lời can ngăn vẫn thi vào nghề diễn viên, ba anh “từ” mặt một thời gian dài. Khi nghe tin đoàn phim Dưới cờ đại nghĩa tuyển diễn viên, ông nói móc một câu bâng quơ mà anh nghe như ngàn mũi tên đâm vào tim:

“Học diễn viên làm gì mà một bộ phim nói về truyền thống ông cha mình cũng không kiếm nổi một vai quần chúng”. Ra ông nội anh chính là một trong những thủ lĩnh của Người Bình Xuyên: tướng Mai Văn Vĩnh.

Cái tên Mai Sơn Lâm nghĩa là được sinh ra trong rừng bởi anh chào đời trong chiến khu D. Nghe ba nói vậy, Mai Sơn Lâm đau lắm và càng hoang mang chuyện đã chọn sai nghề. Cũng may nhờ quen biết thầy Văn Thênh từng dạy ở trường, anh mới được giao vai quần chúng trong Dưới cờ đại nghĩa.

Nhìn hợp đồng đóng phim với mức thù lao 4,5 triệu đồng mà anh mất ngủ mấy đêm vì choáng ngợp trước số tiền quá lớn, bởi thời đó vai diễn quần chúng vỗ tay chỉ nhận 25.000 đồng/ngày.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI