Đàn ông không chông chênh?

30/03/2018 - 16:00

PNO - Ai có thể nắm tay, gồng mình suốt cả ngày? Ai có thể mang ai đó trên vai cả đời mà không mỏi mệt? Đàn ông không nói ra, nhưng đâu phải không có những lúc cô đơn, yếu mềm, cần một nơi an ủi thật sự.

Mỗi khi chị em có dịp tề tựu đông đủ, cười nói đủ thứ chuyện đàn bà, tôi lại nghĩ đến ba. Là người đàn ông duy nhất trong nhà, ba ít nói và không góp chuyện được với chúng tôi. Năm chị em với mẹ cứ ríu ríu từ chuyện mái tóc, làn da, đến con cái, bạn bè, công việc; từ chuyện nhà chồng đến chuyện quốc gia đại sự.

Dan ong khong chong chenh?
 

Chốc chốc, ba từ nhà trên, không cưỡng được không khí chộn rộn, đi xuống cười một cái, rồi lại đi lên. Sau này có chồng, con trai ngày một lớn, tôi hiểu rằng: đàn ông thật ra cũng nhiều nỗi lòng, chỉ là họ giấu kín, không chia sẻ mà thôi. Bước chân đời chông chênh đâu chỉ có đàn bà chúng ta. Chân ai không là thịt da mềm mại. Giẫm lên cát sỏi, ai không đau? Tim ai không đầy thương yêu, khát vọng. Trên hành trình đời nhiều va vấp, ai không có lúc nhói lòng?

Trách nhiệm nuôi giữ tình yêu nào chỉ là việc của người đàn ông hay đàn bà. Liệu đàn bà yêu chồng có vượt khỏi những toan tính tủn mủn thường thấy? Liệu đàn bà có thấu hiểu những nỗi niềm của chồng, để đồng hành trong cảm xúc, theo năm rộng tháng dài không? Liệu đàn bà có biết trái tim đàn ông - cũng như mình - cần cảm giác được yêu thương, sẻ chia chân thành?

Anh là người đầu tiên trong dòng họ tôi đậu vào đại học y khoa. Nhiều năm liền, tên anh gắn liền với lời nhắc nhở, động viên các em chăm học hành, được nhắc với sự tin cẩn khi xóm giềng có ai bệnh tật. Rồi anh lấy vợ, cũng là bác sĩ. Chị không đến nỗi tệ, chỉ là chị không sinh ra từ một vùng quê nghèo khó nên không hiểu những ngày dì chưa về kịp, để có cơm cho bầy em ăn, anh tôi phải qua hàng xóm mượn lon gạo.

Chị không lớn lên ở nơi những trưa nông nhàn nhà này nấu khoai, làm bánh xèo, bánh canh thì cả xóm đều có phần. Chị không lớn lên trong cái xóm chỉ có những tên gọi ruột rà: bác Hai, cô Tư, thím Út, cậu Năm… nên chị cảm thấy phiền phức, bực mình khi hết người này đến người nọ tìm anh tôi hỏi này nhờ kia.

Ban đầu chỉ là khẽ chau mày, im lặng, lâu dần thành lời nói. Có khi, trong lúc bất mãn, chị xúc phạm đến cả dì - mẹ anh. Anh tôi chỉ im lặng, ánh mắt ngày một buồn. Gặp anh vội vã nơi căng-tin bệnh viện, tôi mơ hồ lo lắng, khi vô tình bắt gặp ánh mắt của anh và người bạn đồng nghiệp dành cho nhau. Ánh mắt của một thứ tình cảm dường như không phải là đồng nghiệp.

Dan ong khong chong chenh?
Ảnh minh họa

Tôi có chị bạn, ngày nhỏ ở quê, vốn nhà khá giả. Chị lấy chồng khi chỉ mới ngoài 20 tuổi, không có nghề nghiệp ổn định. Thời thiếu nữ, chị có võ vẽ học may, cũng chỉ là đến tiệm đạp vài đường chỉ, đơm vài cái nút áo, ai sai gì làm nấy, có thể cắt may vài kiểu sơ sài. Chị không thiết tha với nghề, cứ vô tư sáng đi tối về, học được gì thì học, về nhà có sẵn cơm ăn chỗ ở, tiền không có thì xin cha mẹ. Chị không có hoài bão thành thợ lành nghề, mở tiệm hay gì cả. Chị lấy chồng như con nít đến tuổi là đến trường vậy thôi.

Về nhà chồng, sinh lần lượt ba đứa con, với trăm ngàn thứ phải lo cho con, cho cái nhà đã cũ, cha mẹ chồng già yếu… Chị vẫn thản nhiên quẳng hết gánh nặng cho chồng. Con lớn học lớp 12, con nhỏ lớp 8, chị cũng không làm gì để kiếm thêm thu nhập, kể cả nuôi một con gà hay con heo. Con gái đi đâu, học hành gì, quen biết ai, chị cũng không biết. Nhà có giỗ chạp gì chị cũng không tính toán, sắp xếp được. Nhà có gì hư hao chị cũng không quan tâm. Chị bảo: “Việc của anh. Chị không biết”.

Chị cứ vô tư sáng nấu cơm ăn, rồi nói chuyện trên trời dưới đất với mấy bà hàng xóm, chiều nằm tòng teng trên võng, nghe nhạc hoặc mấy chương trình hài trên truyền hình. Lâu lâu về quê, tạt qua chào anh chị, hiếm hoi trông thấy anh, tôi thấy lưng anh dường như chùng hẳn xuống. Anh không nói gì về chị. Trong mắt người đàn ông ấy đã không còn có người đàn bà đồng hành nữa rồi.

Đàn ông được dạy phải mạnh mẽ. Tôi cũng thường dạy hai con trai mình như vậy. Bờ vai đàn ông là bờ vai chở che cho những người đàn bà mình yêu thương. Hành trình đời dài và nặng, đôi vai đàn ông cứng cáp vững chãi, phải chăng vẫn cần một chỗ dựa - một nơi để có thể gửi gắm gánh nặng trong chốc lát, để nghỉ ngơi, để hít một hơi dài cho căng lồng ngực rồi bước tiếp.

Nhớ có lần ba tôi bệnh nặng, cô bạn thân vào bệnh viện thăm, lắc lắc tay tôi, bảo: “Khóc đi cậu, khóc được là tốt”. Ừ, đàn bà khóc được, nói được, kể được, âu cũng là một đặc ân. Khóc xong, nói xong, nhẹ hẫng, để ngày mai bước chân dường như bớt chông chênh. Nhưng đàn ông, họ cũng có những chông chênh đấy chứ. 

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI