Đàn ông bước qua đổ vỡ: Khó hay dễ?

26/09/2018 - 15:00

PNO - Hành trình tìm lại hạnh phúc của người đàn ông từng một lần đổ vỡ không đơn giản. Khó hay dễ, tùy vào lòng can đảm dám sống và yêu, trân trọng và trách nhiệm với cuộc đời của chính mình.

Bước qua đổ vỡ, mất mát, đàn ông cũng chao đảo và bi lụy. Không còn những bữa cơm chờ sẵn, thiếu vắng sự quan tâm, sẻ chia. Có người bỏ bê bản thân, người ném mình vào những cuộc vui mong khỏa lấp cô đơn. Nếu may mắn tìm được hạnh phúc mới, hành trình cũng chẳng dễ dàng.

Dan ong buoc qua do vo: Kho hay de?
 

Hai năm trước, trong chuyến du lịch cùng cơ quan, tôi gặp Minh - anh trai của chị đồng nghiệp. Chị bảo, đã ba năm sau khi ly hôn, anh vẫn chưa hết sốc. Vợ anh là một nhiếp ảnh gia, đam mê những chuyến đi. Anh hiền lành, ít giao du, đường học hành không suôn sẻ nên theo nghề cắt tóc, rồi thuê mặt bằng mở tiệm, chuyên tâm hành nghề. Được bạn bè mai mối, anh chị kết hôn sau mấy tháng quen biết.

Anh rất chiều chị, luôn tạo điều kiện để chị đi sáng tác. Chị đi nhiều, biết nhiều, ít nhiều có thành quả. Anh thì chỉ quẩn quanh thành phố, nên vợ chồng ít chia sẻ được với nhau về đam mê của chị hay những chuyện ngoài xã hội. Chị “cảm nắng” người đàn ông khác, rồi kiên quyết bỏ anh. Không thể níu giữ được chị, anh bất lực ký vào đơn ly hôn.

Minh hiền và thật thà. Tôi thấy vậy. Cả ngày, chả nghe anh nói gì, chẳng chủ động bắt chuyện với ai. Ai hỏi thì anh nói, ai nhờ gì thì làm, tới bữa thì ăn nhanh rồi ra bàn trà, trong khi cánh đàn ông còn lao xao chén chú chén anh. Ba năm qua, Minh bỏ bê bản thân đến tàn tạ. Anh xuề xòa trong ăn mặc, sinh hoạt thất thường, nghiện thuốc lá… Chị bạn thở dài, Minh bây giờ cứ lầm lũi như cái bóng. Cả nhà nhìn anh ngày càng “xuống cấp” cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng không biết làm sao.

Dan ong buoc qua do vo: Kho hay de?
Ảnh minh họa

*

Biết Tài qua vài lần gặp gỡ vì công việc, tôi quý anh ở cách ứng xử khéo léo, chu đáo. Có chức vụ cao, lại thừa hưởng gia sản của bố mẹ, trong mắt nhiều người, Tài là mẫu đàn ông đáng mơ ước. Nhưng ở tuổi 45, Tài đang độc thân sau một lần “gãy gánh”. Anh không kể xấu vợ, cũng không ca thán bài “bị vợ cắm sừng” như nhiều người đàn ông hậu ly hôn thường làm. Anh nhận lỗi là do bản thân ham mê công việc, đi sớm về khuya, khiến người đàn bà của mình cô đơn quá mà buông tay.

Những lần tôi gặp Tài sau đó đều ở quán nhậu, nhậu xong thì đi hát, hát xong thì đi ăn khuya, gần 2g sáng anh mới về nhà. Tình trạng ấy lặp lại thường xuyên. Mỗi lần, tôi lại gặp một “chân dài” khác nhau. Tài đối với cô nào cũng ân cần, chu đáo, thân mật như tình nhân. Nhưng những mối quan hệ không dài lâu khiến anh trượt mãi trong thất vọng, dẫu rất muốn tìm kiếm một bến đỗ mới. Bạn bè sốt ruột cũng làm mối cho anh người này người kia, song những cô gái nhà lành trải nghiệm một vài cuộc vui của Tài đều thấy sợ. Họ dè chừng khi anh thể hiện nhu cầu được gần gũi mà không ràng buộc. Nói cho đúng, họ sợ phải gắn bó với một người sống thiếu trách nhiệm, vô kỷ luật với bản thân như Tài.

*

Không đưa đơn ly hôn, cũng chẳng thụ động ký đơn, nhưng một thời gian dài, Phong phải mượn công việc và những cuộc vui say để quên nỗi đau vợ mất vì tai nạn. Hơn 10 năm chật vật gà trống nuôi con, ai cũng khuyên anh tìm người mới để san sẻ, săn sóc nhau khi về già. Phong yêu con, sợ chi phối tình cảm, nên chần chừ mãi không quyết. Ban đầu anh nghĩ, tìm một người “rổ rá cạp lại” thì dễ hơn. Bạn bè giới thiệu rồi cũng qua lại tìm hiểu, song thấy cảnh con anh con ả, lòng Phong lại bất an mà dừng bước.

Dan ong buoc qua do vo: Kho hay de?
Ảnh minh họa

Tình cờ Phong gặp Quyên trong đám cưới người em họ. Trái tim anh rung động với cô gái nhỏ hơn mình cả chục tuổi. Ánh mắt, nụ cười, cách lắng nghe và trò chuyện sâu sắc của cô cho anh cảm giác bình yên. Quyên sinh trưởng trong gia đình nền nếp, có công việc ổn định, nhiều thú vui lành mạnh, đặc biệt nấu ăn rất ngon. Cô còn rất khéo thu vén chi tiêu cá nhân và sắp xếp công việc. Anh đã quan tâm và chăm lo Quyên một cách chân thành. Rất may là cả Quyên và con gái anh đều quý nhau, hòa hợp nhiều sở thích. 

Quyên đến với anh vì tin rằng, anh yêu con gái thì cũng sẽ yêu cô. Ngày biết chuyện, cha mẹ Quyên thẳng thừng phản đối. Họ sợ Quyên phải sớt chia tình cảm, phải thiệt thòi khi nuôi con chồng… Mất gần hai năm Phong kiên trì dùng tình yêu, sự chân thành mới thuyết phục được cha mẹ Quyên gật đầu. Bây giờ, họ đã có cậu con trai 3 tuổi, lanh lợi và tình cảm. Mỗi lần sang ngoại hay về nội, gia đình bốn người của Phong cứ ríu rít nói cười, niềm vui lan tỏa.

*

Hành trình tìm lại hạnh phúc của người đàn ông từng một lần đổ vỡ không đơn giản. Quan trọng là phải biết đi đúng đường, biết hành xử như đấng trượng phu. Khó hay dễ, tùy vào lòng can đảm dám sống và yêu, trân trọng và trách nhiệm với cuộc đời của chính mình. 

Mai Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI