"Đám đông thú dữ" và bão-dư-luận

14/04/2016 - 07:00

PNO - Bạn là ai trong cơn bão dư luận? Là kẻ ném đá người khác với sự hả hê, thích thú? Bạn có tự cho mình quyền kết tội của quan tòa?

Ảnh mang tính minh họa

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin giúp người ta tiếp cận với thông tin ngày càng nhanh nhạy, mọi vấn đề của xã hội được cập nhật nóng hổi và mổ xẻ đến tận kẽ tóc đường tơ. Mọi thứ trên trời dưới đất chỉ vừa xảy ra là có thể tạo sóng gió trong dư luận. Mới đây nhất, một clip thanh niên đánh vợ được tung lên mạng, lập tức cư dân mạng l iên tục “share (chia sẻ)”, ào ào “like (thích)”, hả hê “comment (bình luận)”…

Thử gõ từ khóa “ném đá”, Google lập tức cho ra 725.000 kết quả với đủ loại tiêu đề kiểu như: “Sao nam Việt bị ném đá vì nữ tính quá đà”, “Tâm sự của một ông bố bị ném đá vì quá chăm con”… Bạn là ai trong cơn bão dư luận đó? Là kẻ ném đá người khác với tất cả sự hả hê, thích thú? Bạn có tự cho mình quyền kết tội của quan tòa? Bạn sẽ nhận được gì khi “nhảy xổ” vào cuộc đời người khác? Ba khách mời là người-của-công-chúng: nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, nhà báo Trác Thúy Miêu và nhà thiết kế thời trang Chương Đặng đã trò chuyện với báo Phụ Nữ quanh chủ đề này

PV: Xét ở góc độ nhân văn, hiện tượng "hùa" nhau sử dụng mạng xã hội (MXH) như một tòa án để “ném đá” người khác, phải chăng đã cho thấy xã hội đang thụt lùi khi con người ứng xử với nhau như thú dữ, sẵn sàng xẻ thịt nhau, hả hê trên sự đau khổ của người khác? Quan điểm của các anh chị về vấn đề này thế nào?

Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan: Không ai có thể cho mình quyền phán xét, áp đặt, mạ lỵ người khác. Chúng ta có quyền bình luận, nhưng phải tôn trọng “luật chơi” - không quá đà, không sỉ nhục người khác.

Nhà báo Trác Thúy Miêu: Đặc trưng thói quen của người Việt là không dám cất tiếng nói khi xung quanh là bầu không khí im lặng, nên giữa một cộng đồng đang ồn ào, họ cảm thấy mình đủ điều kiện an toàn đóng vai ác, đóng vai thẩm phán, vai nạn nhân… Họ cần nhau, tương tác với nhau, dựa vào sự hiện diện của nhau để tìm kiếm sự an toàn trong đám đông. Thỉnh thoảng tôi cũng là nạnnhân của những vụ này, dù quy mô không lớn.

Tuy nhiên, khi gặp trực diện một trong những người hung hăng, giận dữ với mình trên mạng nhất, thì ngoài đời lại thấy họ là con người khác. Họ không định làm xấu mình, không định đánh mình. Họ không định làm thế, hoặc không dám làm thế vì thiếu hai yếu tố cộng lực: màn hình và đám đông. Và giả sử mình gặp tai nạn giao thông, rất có thể họ cũng sẽ là người cứu mình…

Nhà thiết kế thời trang Chương Đặng: Mức độ của vấn đề chỉ được nhân rộng khi có sự tiếp tay xa hơn của một cá nhân và trở nên nghiêm trọng hơn, đáng báo động hơn khi có sự cộng hưởng của hơn một người làm thao tác đó.

* Từ xưa, con người đã thể hiện tính nhân văn, sự cẩn trọng trước hành động hùa theo trong sinh hoạt cộng đồng, nhưng ngày nay, trong thời đại bùng nổ thông tin, các trang MXH lại trở thành mảnh đất màu mỡ giúp phát triển thói a dua, chủ nghĩa bầy đàn. Các anh chị có cho rằng những hệ lụy tất yếu như vừa đề cập đã đến mức phải báo động?

NT Thường Đoan: Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp kẻ “ném đá” nhảy xổ vào cuộc sống người khác bới móc, đóng vai quan tòa. Họ đã làm lung lay gia đình nạn nhân, thậm chí phá nát hạnh phúc của nhiều gia đình, đẩy nhiều người đến bờ vực chia ly và nghi kỵ, mất niềm tin vào nhau. Hành động này vô cùng tàn ác. Nguy hiểm hơn, kẻ-ngoài-cuộc-ném-đá ấy cứ tưởng lời nói của mình vô hại. Họ chỉ nói cho sướng miệng, đôi khi chỉ vì muốn khoe mẽ, tỏ ra thông minh, thạo chuyện, có thể đưa ra nhiều giải pháp cho người trong cuộc.

Họ đâu biết những lời nói của mình như con dao nhiều lưỡi, đâm bên này, chọc bên kia, giết chết hạnh phúc, thậm chí tính mạng của nhiều người. Vì vậy, phải nhấn mạnh là vấn đề đã đến mức báo động. Nếu hùa theo mà không suy nghĩ, không biết nhân vật đang được nói đến là người thế nào, thì hệ lụy rất khủng khiếp. Tuy nhiên, nếu người bị “ném đá” thật sự có lỗi, thì việc bị công kích sẽ là bài học, giúp họ sửa sai. Như vậy việc “ném đá” có thể giúp hoặc giết người khác.

NTK Chương Đặng: Kết quả của sự giúp sửa sai như chị Đoan nói, tôi thường chỉ thấy ở cá nhân với cá nhân, hoặc trong những cộng đồng có sự kiểm soát tốt. Còn đa phần việc “ném đá” tập thể, có vẻ như là một thói xấu rất bản năng. Hiện tại, với công cụ tốt hơn, thì phương tiện đi nhanh hơn cả suy nghĩ. Người ta đã lỡ ném đá trước khi có ai kịp nói: có được quyền ném hay không? Mức độ đó rất đáng báo động.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI