Cuốn vở của chị

20/09/2015 - 08:10

PNO - Mỗi lần nhìn những cuốn vở của chị - bìa xi măng được đóng lại từ những tờ giấy cũ xếp ngay ngắn trong ngăn bàn, lòng tôi lại bộn bề nhớ thương.

Nắng bớt đanh đá mà dịu dàng hơn, cơn mưa rào thôi làm nũng chợt đến vội đi, cây bàng già khóc rưng rức đỏ hoe mắt lá và có chút gì là thu len lỏi vào lòng người. Năm học mới đã khai giảng.

Chiều năm ấy, khi nghe tiếng xe đạp lạch cạch đầu ngõ, tôi nhảy từ trên giường xuống, hấp tấp xỏ trái đôi dép lê chạy một mạch ra cổng đón mẹ. Mỉm cười, mẹ đưa cho tôi một bọc ni lông trong đó có hai cuốn vở ô li, một lọ mực tím hoa sim và một cây bút máy.

Tôi ngắm nghía không biết chán những cuốn vở mới với hình bìa là những chú hươu cổ cao lênh khênh như cái cần cẩu, bạn sóc nâu cầm quả trám hay chú thỏ đang gặm củ cà rốt ngon lành.

Đỏ này, vàng này, nâu này, cam này, xanh này, tím này… bìa vở rực rỡ sắc màu như thôi miên, đến nỗi tôi quên luôn cả quả ổi xanh đang ăn dở còn lăn lóc trên giường.

Lật giở những trang vở trắng tinh khôi, thơm mùi giấy mới, tôi dí sát vào mũi hít hà mùi thơm kì diệu, mùi thơm của bao điều mới mẻ, của khát khao được khám phá chân trời tri thức, lòng hồi hộp đếm từng ngày đến buổi học đầu tiên của năm học mới, được gặp thầy gặp bạn, háo hức được nắn nót những dòng chữ ngay ngắn trên trang vở mới.

Cuon vo cua chi
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn Internet

Ngày ngày, mẹ tôi cùng chiếc xe cà tàng đi khắp làng trên xóm dưới mua đồng nát. Trong mớ giấy vụn mẹ mua được, có dăm ba cuốn vở còn sót lại mấy tờ giấy trắng.

Mẹ cẩn thận tách từng tờ, từng tờ rồi dùng kéo cắt cho vuông hình sắc cạnh. Mẹ gom được một tập giấy dày rồi dùng que sắt nhọn xuyên qua gáy tập giấy để xỏ sợi chỉ màu trắng qua mấy vòng và buộc thắt nút lại. Đó là cuốn vở của chị tôi cho năm học mới.

Cuốn vở bìa xi măng vàng nhợt nhạt, giấy thì xô lệch, tờ trắng tinh, tờ ngả màu. Nhiều lần tôi thắc mắc: “Mẹ ơi, sao chị lại không có vở mới như con hả mẹ? Chị hư không nghe lời mẹ nên phải viết vở xấu đúng không ạ?”.

Mẹ chỉ lén quay mặt đi, giấu giọt nước mắt rịn ra ở khóe mắt chằng chịt vết chân chim. Lớn lên rồi tôi mới hiểu, tuổi thơ chị đã chịu nhiều thiệt thòi. Bố đau ốm suốt, mỗi khi trái gió trở trời, mảnh đạn găm trong vai hồi chiến tranh lại khiến bố đau nhức.

Mình mẹ tôi đi mua đồng nát lãi lời mấy đồng bạc lẻ, cả nhà rau cháo qua ngày. Ai thuê mướn gì mẹ cũng làm, gom góp tiền mà chỉ đủ mua đồ dùng học tập cho tôi. Còn chị, ba bốn năm vẫn chiếc bút máy được thay ngòi, vở đóng từ giấy cũ, áo trắng màu cháo lòng.

Buổi sáng, chị dậy sớm giúp mẹ nấu nồi cám cho đàn lợn nái. Chị đạp xe chở tôi dọc con đường đê xuyên qua cánh đồng đến trường tiểu học tận đầu làng rồi quay lại trường trung học ở cuối làng.

Buổi trưa, đón tôi đi học về, chị lại tất tả cơm nước. Tối, hì hụi giúp mẹ phân loại đồng nát, mấy chai lọ nhựa, mấy thanh sắt hoen gỉ, vỏ lon nước ngọt, giấy vụn… rồi chị mới chong đèn học bài đến khuya.

Năm lớp chín, chị buộc phải nghỉ học, đi làm thuê cho một người bà con xa bên họ nội tận trong miền Nam để phụ giúp mẹ nuôi tôi ăn học.

Ngoảnh đi ngoảnh lại tôi đã là sinh viên đại học, chị đi làm ăn xa cũng sáu, bảy năm rồi. Mỗi lần nhìn những cuốn vở của chị - bìa xi măng được đóng lại từ những tờ giấy cũ xếp ngay ngắn trong ngăn bàn, lòng tôi lại bộn bề nhớ thương.

Đào Mạnh Long

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI