Cưới xong anh bỏ việc, từ đó đến nay đã ngót 10 năm, anh vẫn ngồi không cho em nuôi

23/09/2016 - 06:30

PNO - Đừng tự biến mình thành kẻ ăn-mày-hôn-nhân, lệ thuộc vào người kia cả vật chất lẫn tinh thần. Khi đó hôn nhân sẽ bị bào mòn vì những bước đi đã không còn chung nhịp giữa hai người.

1. “Em có cảm giác như mình bị… lừa, chị ạ. Suốt tám năm quen biết, yêu thương, anh ấy luôn thể hiện là người có nghề nghiệp ổn định. Vậy mà vừa cưới xong hôm trước, hôm sau anh tuyên bố nghỉ việc. Hai miệng ăn chỉ dựa vào một đầu lương làm em chới với. Rồi suốt từ ngày đó đến nay, đã ngót mười năm, anh vẫn ngồi không cho em nuôi.

Mới đây, công ty em đóng cửa, em nghiêm túc đặt lại chuyện công việc, tiền nong để vợ chồng bàn bạc. Em đã thật sự sợ hãi cảm giác của một phụ nữ bao năm lăn lộn bạc mặt kiếm tiền, làm trụ cột kinh tế cho gia đình. Em hy vọng nhân bước ngoặt này, em được dừng lại, nghỉ ngơi một chút.

Anh đi làm, em ở nhà trông con mới sáu tháng tuổi - là chuyện hợp lý. Vậy mà anh dứt khoát không đồng ý. Em lại cày cục tìm việc. Anh như vẫn đứng tách riêng khỏi những sóng gió cuộc đời em đã, đang và sẽ nếm trải. Đường dài chỉ mình em bước…” - Ngân Thanh chua chát tâm sự chuyện của mình.

Chuyện riêng của vợ chồng Thanh, ít người tường tận. Mọi người chỉ thường thắc mắc, sao chồng Thanh mạnh khỏe thế kia, mà suốt ngày… ở không. Thật ra chồng Thanh cũng đôi lần cao hứng vẽ ra với vợ ước mơ trở thành nhà biên kịch.

Cuoi xong anh bo viec, tu do den nay da ngot 10 nam, anh van ngoi khong cho em nuoi

Anh cũng sáng tác dăm ba kịch bản. “Thú thật, em cũng có giới thiệu anh ấy với nhiều anh chị trong nghề, nhưng chẳng tác phẩm nào của anh ấy sử dụng được”. Mỗi ngày, lúc thì Trung Nghiêm - chồng Ngân Thanh, ngồi hàng giờ bên máy vi tính lướt mạng, lúc hút thuốc thả khói mù trời, khi ôm đàn hát inh ỏi.

Những lúc ấy, Nghiêm thường nghiêm giọng với vợ: “Anh đang tập trung sáng tác, đừng làm phiền…”. Tự gắn “mác” nghệ sĩ vào người, mọi chuyện nhà cửa, bếp núc, con cái… Nghiêm chẳng quan tâm.

2. Chuyện từ yêu đến cưới của Hoàng Nga và Trọng Minh vô cùng chóng vánh. Nga là kiến trúc sư làm tự do không thích bị gò bó bởi công ty nào, chỉ làm với những đơn hàng cô hứng thú.

Vậy mà vừa cưới xong, ngay đêm tân hôn, Minh báo cho Nga một tin động trời: anh đã nộp đơn nghỉ việc. Ngồi chết lặng trên giường, Nga nghe Minh phân bua: "Anh muốn theo cha em học nghề công nghệ thông tin, muốn tìm một hướng đi mới. Anh muốn lo cho tương lai của chúng ta"…

Minh lo thế nào chưa rõ, nhưng trước mắt, Nga phải cuống cuồng tìm một việc làm ổn định, vì mỗi tháng, hai vợ chồng phải đối diện với hàng loạt khoản chi tiêu: tiền thuê nhà, điện, nước, ăn uống…

Cuoi xong anh bo viec, tu do den nay da ngot 10 nam, anh van ngoi khong cho em nuoi
 

Thời gian mặn nồng của đôi vợ chồng trẻ trôi tuột rất nhanh, chỉ còn lại những bất mãn, mệt mỏi, chán ngán. Một người có máu nghệ sĩ như Nga giờ mỗi ngày phải ép mình đi làm đúng giờ, giao hàng đúng hạn, vẽ đúng yêu cầu. Cuộc sống không còn những bay bổng, chỉ có thực tế cơm áo gạo tiền chan chát.

Không quan tâm đến chuyện cô vợ trẻ đang phải đối diện với một khoảng thời gian vô cùng khó khăn, Minh chỉ sống cho riêng mình. Anh lượn lờ tìm mua quần này, áo nọ, đồng hồ hiệu kia. Chán thì lăn ra ngủ. Mỗi khi Nga góp ý, Minh lại hét lên: “Cô là vợ mà dám khinh chồng sao? Mở miệng ra chỉ biết tiền, tiền…”. Nga cười nhạt: “Không có tiền, liệu chúng ta có sống nổi đến giờ không?”.

3. “Trước đây tôi cũng có việc làm đàng hoàng, nhưng sinh con xong, tôi đi làm thì lấy ai trông con…” - đó là cái điệp khúc hàng ngày chị Hoàng Xuân vẫn rỉ rả với mọi người. Rồi con cái dần lớn khôn, chị vẫn sáng sáng phóng xe đi tập gym, uống cà phê, mua sắm. Lâu dần cũng chán, chị dần dà theo bạn bè đến sòng bài để “giết thời gian”.

Con tự lo chuyện học. Nhà cửa đã có người giúp việc. Ngày ra tòa ly hôn, anh Mạnh Ninh, chồng chị, lắc đầu ngán ngẩm: "Thử hỏi có ai làm vợ, làm mẹ như cô ấy không? Khuyên nhủ, nhắc nhở thì cô ấy nói tôi ỷ làm ra tiền mà xét nét. Cô ấy không đi làm đã tạo ra khoảng cách giữa hai vợ chồng. Đã vậy, cô ấy còn lùi lại nhiều bước, trở thành một người đàn bà xa lạ. Quan hệ vợ chồng, cứ thế mà ngày càng lỏng lẻo…".

*** “Lệ thuộc về kinh tế là một trong những sự lệ thuộc tồi tệ nhất của đời người, kể cả với đàn ông hay phụ nữ. Đặc biệt là với phái mạnh. Thời đại nào đàn ông cũng luôn là trụ cột, là người chịu trách nhiệm chính của một gia đình. Một khi người đàn ông không có tiền, sẽ dẫn đến việc không có quyền quyết định, làm chủ trong gia đình.

Họ cũng không thể là tấm gương tốt cho con cái. Dù người vợ có giỏi chịu đựng đến đâu cũng không thể thấy mãi vui vẻ, kính trọng, yêu thương người bạn đời tầm gửi. Ngược lại, với người phụ nữ, dù may mắn có được người chồng giàu có, yêu thương thì cũng cần tìm cho mình một việc làm.

Xác định vị trí trong xã hội, có điều kiện giao tiếp, có điều kiện học hỏi, tích lũy kinh nghiệm sống… người vợ mới mong tìm được tiếng nói bình đẳng với chồng. Cỗ xe hai người cùng kéo sẽ nhẹ nhàng, sẽ lướt nhanh hơn trên đường.

Cuộc đời sẽ ra sao nếu đang tuổi trẻ phơi phới mà cứ “rong chơi” qua ngày? Trừ những trường hợp bất khả kháng vì sức khỏe, vì con nhỏ… mỗi chúng ta cần có ý thức xác định không để bản thân sống một cuộc đời… lãng nhách. Suốt ngày facebook, ti vi, tán gẫu, cà phê, rượu chè… lẽ nào là chọn lựa của một người hoàn toàn khỏe mạnh?” - chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên xác định.

Đồng tình với cách nghĩ này, chuyên viên tư vấn Trần Thị Hồng Hà (nguyên Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) nhấn mạnh: Đã có nhiều ca tư vấn rơi vào trường hợp này. Có những người vợ ban đầu rất hãnh diện vì được ở nhà chồng nuôi nhưng rồi họ dần cảm thấy bị lệ thuộc kinh tế, bị xem thường, nên nảy sinh tâm lý tiêu cực do cảm thấy bức bối, muốn kiểm soát chồng.

Ngược lại, có những phụ nữ dù rất tài giỏi, năng nổ, nhưng ẩn sâu trong lòng vẫn là mong muốn được nép bóng “cây tùng, cây bách” - muốn được dựa vào, được yên tâm nghỉ ngơi bên người mình yêu thương, chứ không phải lúc nào cũng một mình lao ra ngoài kiếm tiền. “Con người phải có đóng góp cho gia đình, xã hội. Một đời sống mòn thì đáng chán biết bao!”, chuyên viên tư vấn Hồng Hà nhận xét.

Đừng tự biến mình thành kẻ ăn-mày-hôn-nhân, lệ thuộc vào người kia cả vật chất lẫn tinh thần. Khi đó hôn nhân sẽ bị bào mòn vì những bước đi đã không còn chung nhịp giữa hai người. Mà đã để lạc nhịp, không khéo sẽ dẫn đến lạc mất nhau…

Khánh Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI