Cuộc đời "truân chuyên" của người đàn ông long đong kiếm tiền, bị vợ bỏ theo tình nhân

21/06/2016 - 07:32

PNO - Anh gọi bố tôi là chú ruột. Gia đình tôi và anh đã có một thời gian dài gắn bó với nhau khi còn ở Thái Nguyên. Anh đột ngột vào Nam một ngày đầu hè oi nồng. Anh bảo, vào gặp lần cuối, sợ không còn kịp…

Đen tình

Anh là Hoàng Văn Hoành, sinh năm 1949 tại Đô Lương, Nghệ An. Năm 17 tuổi, đang học trung cấp luyện kim, anh vào bộ đội làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm, lập được nhiều thành tích. Anh may mắn trở về lành lặn sau những năm lăn lộn ở chiến trường. Xuất ngũ, anh ra Thái Nguyên học tiếp và làm việc tại Viện Luyện kim. Nam tính, đẹp trai nên anh được không ít cô để ý. Rồi anh yêu cô thợ may xinh đẹp nổi tiếng trong vùng. Đám hỏi đã tiến hành, chỉ còn chờ ngày cưới. Thế nhưng, đang hạnh phúc thì đùng một cái, cô thợ may phụ tình, trả lễ để làm vợ một chàng bác sĩ trẻ, gia thế hơn hẳn anh.

Mãi đến gần ba mươi, anh mới nguôi quên mối tình đầu để yêu thêm lần nữa. Lần này là một cô công nhân xinh đẹp mới 17 tuổi, ở quê ra phố, hiền lành, chất phác. Năm 1976, anh kết hôn, tin cô sẽ là người vợ hiền cùng anh xây tổ ấm hạnh phúc. Con gái, con trai lần lượt ra đời, hạnh phúc thêm tròn đầy nhưng anh cũng phải đối mặt với cuộc sống khó khăn tứ bề. Sau nhiều trăn trở, anh quyết định đi Nga hợp tác lao động, hy vọng cuộc sống tốt đẹp hơn. Lăn lộn kiếm sống ở xứ người, anh cố gắng dành dụm, gửi về cho vợ con những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi nước mắt của mình.

Cuoc doi
Những ngày cuối cùng của anh bên vợ và các con

Anh mơ ngày về, sau nhiều năm tích góp, vợ chồng anh sẽ có một số vốn kha khá làm ăn, đổi đời. Không ngờ, ngày về lại là ngày anh phải đối diện với một sự thật đau đớn gấp trăm ngàn lần nỗi đau bị phụ tình năm xưa. Vắng chồng, sẵn tiền rủng rỉnh, vợ anh đua đòi chưng diện, cặp bồ với trai trẻ, bỏ phế việc dạy dỗ, chăm sóc con cái. Anh rùng mình khi nghe hàng xóm kể, có hôm chị nhốt hai đứa con nhỏ trong nhà, khóa trái cửa đi suốt đêm…

Đau đớn, uất hận nhưng vì các con, anh kềm lòng cho vợ cơ hội sửa sai. Anh nghĩ, vì hoàn cảnh mà người vợ chân chất của mình mới ra như thế, nên cố quên để tha thứ. Nhưng không ngờ, chị lại khăng khăng đòi ly hôn, bảo phải sống cho “tình yêu đích thực” của mình với chàng sinh viên trẻ. Cuối cùng, anh đành đưa hai con về quê làm lại từ đầu.

Nỗi đau tiếp nỗi đau

Anh đưa các con về quê, với bao khó khăn, hụt hẫng cùng vết thương khó lành trong tim. Anh làm đủ mọi nghề để kiếm tiền lo cho các con, cố “khắc phục hậu quả” người đàn bà đó để lại, nhưng cũng chỉ đỡ phần nào. Rồi con gái lớn của anh cũng học xong cấp II, vài năm sau lấy chồng, cuộc sống tuy khó khăn nhưng cũng tạm ổn.

Đau lòng là con trai anh, vốn ngoan hiền, là cháu đích tôn của gia đình nhưng chán cảnh nhà, theo bạn bè đua xe, đã qua đời trong một tai nạn xe máy khi tuổi đời còn rất trẻ. Suốt một thời gian dài anh sống trong đớn đau, uất hận, chán chường. Nhưng, nhìn những người thân, nhìn cô con gái còn lại lo lắng cho mình, anh tự nhủ phải cố sống mà bù đắp cho con.

Chuyện rồi cũng dần qua, mọi người giục anh lấy vợ để có người bầu bạn, nhưng anh cứ lảng tránh. Với anh lúc này, chăm lo cho con cháu là đã đủ hạnh phúc. Nhưng rồi qua giới thiệu, anh gặp và có cảm tình với một cô giáo nhỏ hơn mình 10 tuổi, xinh đẹp, hiểu biết, lịch sự, cũng rất quan tâm đến anh. Lấy vợ thêm lần nữa, anh mong có người để chia sẻ quãng đời còn lại, nhưng khi đã về với nhau anh mới nhận ra vợ chồng có quá nhiều bất đồng, cuộc sống chung ngày càng nặng nề, mệt mỏi. Đã vậy, chị còn không muốn anh quá quan tâm cho con cháu mình. Cuối cùng, cuộc hôn nhân của anh lại tan vỡ sau mười năm cố níu kéo.

Hạnh phúc muộn màng

Lòng anh đã xác định “ở vậy cho lành”, nhưng duyên lại đến. Các em gái của anh nhất quyết tìm cho anh một bến đỗ an lành lúc về chiều. Cô thợ may Trần Thị Nga, 38 tuổi, đã đồng ý làm vợ anh khi anh đã xấp xỉ 60. Hơn chị đến 22 tuổi nhưng trông anh vẫn còn trẻ trung, phong độ. Sự trải nghiệm cuộc đời của anh đã đem đến cho chị sự tin cậy, ấm áp, chở che.

Anh thương chị chân tình, ít nói nhưng mỗi việc chị làm luôn ân cần, chu đáo, có trước có sau. Dù vậy, trước khi về với nhau, anh vẫn phải nói rõ với chị, rằng làm vợ anh, chị sẽ thiệt thòi rất nhiều do chênh lệch tuổi tác, lại không biết anh còn có thể cho chị một đứa con được không. Anh cũng còn mối quan tâm khác ngoài chị là các con cháu, một phần máu thịt của anh. Chị không nói gì, bàn tay nhỏ nằm im trong bàn tay anh, siết chặt như một lời đồng ý, chấp nhận tất cả.

Ông trời không phụ lòng người. Thằng cu con của anh chị ra đời một năm sau ngày cưới khiến hạnh phúc của họ như vỡ òa. Làm cha ở tuổi 60 nhưng anh thấy mình vẫn trai trẻ như ngày nào. Niềm vui dâng tràn nhưng trách nhiệm cũng không hề nhỏ, anh bàn với vợ tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Lâu nay, anh vẫn cùng các con tráng bánh đa vừng (mè) bỏ mối, thu nhập không nhiều nhưng cũng tạm ổn.

Theo tính toán của anh, nếu phát triển nghề này, chắc chắn có thể khá lên nếu tạo được thương hiệu riêng. Vậy là, chị Nga bỏ nghề may để cùng chồng tráng bánh. Đúng như anh nghĩ, nhờ bàn tay khéo léo của chị, thương hiệu bánh tráng mang tên vợ chồng anh “Hoành - Nga” ở xóm 4, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An ngày càng phát triển. Bánh chị đổ bằng tay mà chiếc nào cũng tròn vạnh, trăm cái như một. Anh luôn dặn dò vợ con và em út trong nhà, phải đặt chất lượng và chữ tín làm đầu mới giữ vững được việc làm ăn lâu dài.

Yêu thương để lại

Chị Nga chịu thương, chịu khó, luôn sát cánh bên chồng. Chính chị đã cho anh cuộc sống thương yêu hòa thuận với gia đình con gái riêng và các cháu mà anh vẫn ao ước. Anh mãn nguyện với những gì mình đang có. Dù còn vất vả nhưng cuộc sống với anh lúc này thật ý nghĩa. Anh chị từng bước gây dựng thương hiệu với bao hy vọng tốt đẹp phía trước. Những tưởng mọi giông bão đã qua, nhưng hóa ra, tai ương vẫn chưa chịu buông tha anh.

Căn bệnh ung thư gan ẩn sâu trong anh bùng phát. Chấp nhận “trời kêu ai nấy dạ” nhưng anh xác định mình phải mạnh mẽ để sắp xếp mọi thứ cho ổn thỏa trước khi ra đi. Không cho vợ con biết, anh từ từ buông tay, chuyển giao cho vợ và các con từ công việc giao dịch làm ăn đến việc duy trì, phát triển thương hiệu. Anh luôn nhắc nhở họ chữ tín là điều sống còn của một thương hiệu, đừng bao giờ vì cái lợi trước mắt mà quên đi chữ tín…

Vào Nam gặp lại người thân, anh bảo, gặp lần cuối vì sợ không còn kịp. Tôi nghe mà cay xè mắt. Anh khẳng định: “Anh không sợ chết. Thời đi bộ đội anh từng phá bom từ trường nổ chậm, từng được làm lễ “truy điệu sống” trước khi nhận nhiệm vụ”. Nói đến đây giọng anh chùng hẳn: “Chỉ tiếc, đời anh giờ mới cảm nhận được mình đang cầm nắm hạnh phúc trong tay thì thời gian không còn nữa…”.

Ở chơi được năm ngày anh vội bay ra, bảo còn nhiều việc phải sắp xếp. Con trai anh mới năm tuổi còn quá nhỏ, vợ chồng yêu thương chưa được bao lâu… Chia tay anh, tôi chỉ biết hy vọng về một phép màu từ niềm lạc quan của anh, để anh được sống tròn đầy thêm chút nữa với hạnh phúc muộn mằn.

***

Vợ con và người thân tìm mọi cách để lo cho anh nhưng không ai có thể cưỡng lại được bệnh tật. Anh đang cố chống chọi từng ngày với nỗi đau thân xác. Chị Nga không dám khóc, nén đau khổ để lo cho chồng, để sống cho nhau trọn vẹn những ngày cuối cùng. Anh gầy đi rất nhiều, bụng ngày càng to ra, không nói được, ăn uống rất khó khăn. Anh sẽ ra đi bất cứ lúc nào, nhưng có lẽ giờ đây anh đã bớt được những trăn trở, vì đã kịp sắp xếp mọi điều cần thiết cho những người anh yêu thương…

Hoài Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI