Cùng nhau làm, cùng nhau ăn, cùng nhau nghỉ ngơi và cùng nhau hạnh phúc

17/04/2018 - 06:10

PNO - Nhờ chồng là hạnh phúc, tự lo còn hạnh phúc hơn, mỗi người luôn nghĩ mình chưa đủ tròn trịa, chưa dành đủ tốt lành cho người kia, người ta sẽ không ngừng cố gắng vun đắp và tình nghĩa từ đó cũng lấp đầy.

Hai chị em đang nấu cơm, cái vòi nước bỗng trở chứng bật tung, nước phun xối xả tung tóe khắp bếp trên sàn dưới. Linh kêu toáng lên nhảy vội ra xa tránh, chị chụp cái thảm chùi chân bịt vội cái vòi, quay nhìn Linh:

“Em khóa van nước vào!”

“Van ở đâu em đâu biết? Để em gọi điện hỏi anh Khang”.

Khang là chồng Linh, chị lắc đầu gọi Linh ra giữ tấm thảm giùm mình, chị ngước nhìn quanh nhà và nhanh chóng kéo cái ghế gỗ ra đứng lên, chị chống tay lên trần, đẩy nhẹ một cái lộ ra một cái hộc nhỏ, cạnh đấy là cái van nước có hình bông hoa, nước yếu dần rồi tắt hẳn. Linh nhìn quần áo mình ướt sũng, thở phào:

“May nhờ có chị không thì tháng này nhà em trả tiền nước ốm luôn!”.

“Trả tiền nước là một, hư đồ đạc trong nhà là hai, rủi nước chảy tràn ra hành lang rồi tràn vào hầm thang máy gây hư hỏng thì số tiền đền không ít đâu!”.

Cung nhau lam, cung nhau an, cung nhau nghi ngoi va cung nhau hanh phuc
Ảnh: Internet

Linh tái mặt đứng ngớ người, chị kiếm cây lau nhà bắt đầu lau nước v.ăng dưới sàn: “Không biết nhiều cũng nên biết một ít phòng thân, đâu phải lúc nào cũng chờ chồng, hỏi chồng. Chẳng nhẽ khi chồng em đi công tác tỉnh xa hay ở nước ngoài cũng phải chạy về vặn van nước hộ em à? Đáng lẽ, cú điện thoại khi nãy em nên gọi xuống văn phòng ban quản lý chung cư sẽ rất nhanh có người đến giúp. Và nhanh nhất, cơ động nhất là tự thân”. “Nhưng em có biết làm đâu, đó giờ toàn anh Khang làm!”.

Chị lắc đầu, lặng lẽ lau sàn nhà, còn bật quạt cho nhanh khô, chồng chị và Khang chơi với nhau từ ngày đại học nên lâu lâu có dịp hai nhà sẽ dồn vào một chỗ nấu nướng. Những bữa như vậy thường tổ chức ở nhà chị vì Khang nói Linh không biết bếp núc. Tưởng Khang khiêm tốn hóa ra là thật, có vợ chồng chị là khách mà gì Linh cũng ngoái cổ hỏi chồng, từ cái bao đập đá đến ớt để ngăn nào. Nấu một bữa cơm mà mấy lần phải xuống siêu thị.

Cơm nước xong, hai ông chồng và bọn trẻ con kéo nhau lên lầu, chị cùng Linh dọn dẹp rửa chén bát: “Khang chiều em, lo lắng đủ thứ, nhưng em thử nghĩ xem, Khang làm sao ở bên cạnh em hoài, Khang còn có công việc, bạn bè và một vài mối quan hệ khác. Em đâu thể hơi chút là gọi cho chồng hỏi xem van nước ở chỗ nào, đâu thể hỏi chồng xe bị cán đinh thì mang đâu vá? Và còn nhiều chuyện khác nữa, Khang không phải là tổng đài 108 để giải đáp hết cho em, cũng không đủ thời gian và sức khỏe để theo sau chăm sóc em mãi. Có chồng thương yêu quan tâm là tốt, nhưng em cũng nên nghĩ xa hơn cho bản thân, ví như Khang đi nước ngoài không gọi điện được, em ốm chẳng lẽ em không tự mình kêu taxi đi bệnh viện, hay xe hư em không thể tấp đại vào quán sửa xe nào đó hay sao cũng phải gọi cho chồng? Những chuyện đó em làm dư sức, sao cứ phải dựa dẫm?”

“Ảnh không cho em đụng vào mấy thứ đó đâu chị, kêu đàn bà con gái chân yếu tay mềm biết gì mà rớ vô!”

“Khang nói em chân yếu tay mềm là em yếu mềm hả? Em có nghe câu độc lập, tự do và tự lo không? Phụ nữ sống chết gì cũng phải thuộc nằm lòng câu đó. Nhờ chồng là hạnh phúc, nhưng tự lo còn hạnh phúc hơn, không riêng mình mà chồng cũng hạnh phúc vì đỡ bận tâm những thứ lặt vặt, anh sẽ thảnh thơi đầu óc để lo những chuyện khác, và khi quay nhìn lại, thấy vợ mình làm biết bao việc, anh sẽ thương yêu vợ hơn, sẽ cảm thấy vì mình chưa đủ chu đáo nên vợ phải tự mình lo toan. Cứ thế, mỗi người luôn nghĩ mình chưa đủ tròn trịa, chưa dành đủ tốt lành cho người kia, người ta sẽ không ngừng cố gắng vun đắp và tình nghĩa từ đó cũng lấp đầy”.

Cung nhau lam, cung nhau an, cung nhau nghi ngoi va cung nhau hanh phuc
Ảnh: Internet

Cơm nước đã đâu vào đấy, hai đứa trẻ đã tắm rửa xong, đang hí húi bên bàn học, chị không nhớ đã bao lâu rồi chị không giục giã chúng đi học bài, từ bao lâu rồi chị không phải đánh thức chúng vào mỗi buổi sáng. Hai chị em đã biết tự bảo ban nhau theo tinh thần tự do và tự lo, từ lớp Hai chúng đã biết nấu ăn không để bụng đói và tự giặt quần áo của mình.

Anh về, ùa vào nhà rối rít: “Tắc đường quá em ạ. Em đã trồng cây mai rồi à, đưa tay anh xem nào, đào đất phồng cả tay rồi này, tay em có mấy cục chai rồi”.  

Chị cười, “mỗi cục là một tấm huân chương chiến công đó anh”. 

“Mỗi cục chai trên tay em ghi nhớ anh đã ngần đó lần anh vô tâm chứ? Nếu anh biết quan tâm em và gia đình hơn, em sẽ không vất vả như vậy!”.

Chị cười, anh cho đó là vất vả, thì anh cứ nghĩ vậy đi, kèm một chút áy náy, một chút đau lòng để nhắc anh nhớ, có một số việc đáng lý thuộc về anh nhưng chị đã “xử” hết. Anh đi công trình nắng nôi vất vả, có đêm còn thức trắng chuẩn bị hồ sơ, mấy việc vặt vặt chị “tự xử” tốt, cái nào không tự làm thì kêu thợ.

Điện thoại chị như một bác “gúc gồ” thứ hai khi có đủ các số điện thoại của hầu hết các dịch vụ, từ sửa ống nước, sửa điện, đồ gỗ, nhôm kính, bếp ga, máy giặt, giàn phơi, cấp cứu, báo cháy hay bệnh viện, nhà thuốc… Đến nỗi khi chị báo máy giặt hư, anh thợ đã vui vẻ hướng dẫn chị qua điện thoại cho chị tự sửa vì “chị biết quá mà, gọi thợ chi cho tốn kém”.

Chị không nghĩ mình mạnh mẽ, chẳng qua chị muốn đỡ đần anh một chút trong phạm vi mình có thể để anh có thêm thời gian nghỉ ngơi, có thêm thời gian chơi với con, thêm thời gian làm việc để cuối tuần cả nhà sẽ cùng nhau đi ăn, xem phim hay đi đâu đó. Có chị, anh yên tâm đi những công trình xa, hai đứa trẻ tự lập được nên chị có thể đi công tác đâu đó vài ngày mà không phải lo “ba bố con nó có biết cơm nước giặt giũ gì không?”, đâu có ai sinh ra đã biết hết mà phải tự học, tự ý thức được việc mình cần làm, mục tiêu mình cần “diệt”…

Và hơn hết, chị nhận được sự ủng hộ của anh mà không phải là cách nghĩ “đàn bà con gái biết gì!”. Khó khăn cùng chịu, ốm đau an ủi, hạnh phúc cùng chia mới là gia đình. Gia đình đơn giản là cùng nhau: Cùng nhau làm, cùng nhau ăn, cùng nhau nghỉ ngơi và cùng nhau hạnh phúc.

Khánh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI