Của trời cho?

05/05/2018 - 08:00

PNO - Giữa đêm tỉnh giấc, tỉnh cơn say, ông chua chát nhận ra ẩn ý của con. Ông cũng linh cảm có gì khuất tất trong may mắn nhặt của rơi của mẹ kế. Nhưng tất cả rồi cũng chôn chặt trong cái cười nheo của bà Năm...

“Trên đường đi về quê ăn giỗ, tôi nhặt được một bọc nặng ai đánh rơi, mở ra thì thấy một chiếc áo khoác gói nhiều tiền, vàng. Tôi suýt xỉu vì bất ngờ và vì lúc đó chỉ có một mình, chẳng biết xử lý sao, biết của ai đâu mà trả. Giao cho chính quyền cũng chưa chắc tìm được chủ. Thôi thì xem như trời thương, trời cho; hay ông bà thấy tôi trọng đạo nghĩa nên tưởng thưởng. Cảm ơn mọi người đã có mặt để chia vui cùng tôi” - bà Năm rành rọt tuyên bố lý do của buổi tiệc.

Cua troi cho?

Họ hàng, bạn bè rôm rả nâng ly chúc mừng; nói bà may mắn hiếm thấy, ở hiền gặp lành, từ nay chỉ cần an hưởng. Trong tiếng cụng ly hòa lẫn tiếng cười nói, bắt gặp ánh mắt chằm chằm của ông Năm, bà bất giác né đi rồi quay lại nheo cười với ông.

Vợ trước của ông Năm bị bệnh nan y, mất sớm, để lại cho ông hai con, đứa nhỏ mới ba tuổi. Gà trống nuôi con, lại một mình điều hành mấy cửa hàng vật liệu xây dựng quá vất vả, nên chỉ hơn một năm sau ngày vợ mất, ông Năm “tậu” về một cô vợ trẻ hơn ông cả một con giáp. Ông Năm và bà-Năm-mới “sản xuất” thêm hai con nữa. Khi đứa út đến tuổi lên ba, tai họa lại đến: ông Năm bị tai biến. Dù được các bác sĩ kịp thời cứu mạng và không phải nằm liệt, sức khỏe ông Năm giảm hẳn. Ông không còn nhanh nhạy, lại thêm chứng huyết áp trồi sụt, ông giao lại toàn bộ con cái, sự nghiệp cho bà Năm lo. 

Từ ngày “đổi chủ”, khách hàng vẫn ổn định, nhưng bà Năm thường than công việc kinh doanh ngày càng khó khăn, do bị cạnh tranh, chèn ép, do khách hàng thiếu nợ dai dẳng, thâm vốn… Thương bà, ông chẳng biết làm gì hơn là chi tiêu tiết kiệm, thoái thác cả trách nhiệm giỗ quải với đại gia đình.

Năm dài tháng rộng, thấy tình hình không ổn, chị em ruột mách nhỏ với ông theo dõi bà, vì bà phân biệt đối xử con chồng và con chung; lơ là cả trách nhiệm của người con dâu duy nhất.

Kinh doanh đi xuống nhưng bà Năm ngày càng ăn diện, lại thêm nghi án bà có bồ, vờ than kinh doanh thua lỗ để thu vén riêng. Ban đầu, ông Năm gạt bỏ những suy đoán của chị em. Nhưng rồi, những lời chỉ trích từ bên ngoài “hợp lưu” với những bức bối trong ông, tạo thành một dòng chảy ngầm.

Cua troi cho?
Ảnh minh họa

Ông ghen tuông, hoài nghi và thường xuyên hạch hỏi tiền bạc. Bà khóc, cho rằng ông không tin tưởng, rằng ông phụ công bà đã dành hết tuổi thanh xuân lo cho cha con ông. Cãi nhau, ông đuổi bà đi, bà thề sống thề chết, bà đề cập đến tài sản và quyết không thể ra đi tay trắng, con cái khóc rùm, đòi bỏ nhà đi… rồi hết đợt xung đột, lại đâu vào đấy.

Ông Năm còn nhớ, khi tàn tiệc mừng, ông nhận được tin nhắn của con trai cả: “Tự nhiên con nhớ má quá - nhớ hồi xưa ba má vất vả khởi nghiệp, má chưa hưởng được gì thì đã ra đi”. Đương không con ông lại nhắn cái tin như vậy. Giữa đêm tỉnh giấc, tỉnh cơn say, ông chua chát nhận ra ẩn ý của con. Chắc cũng như ông, con cả cũng linh cảm có gì khuất tất trong may mắn nhặt của rơi của mẹ kế, nhất là khi bà nhanh chóng chuyển số tiền đó cho đứa con lớn của ông bà mua nhà, mở cửa hiệu buôn bán và đầu tư cho đứa nhỏ du học. Phần dành cho con chồng là… một suất ăn tiệc mừng. Hỏi để mà thở dài, bởi đáp án đã bị chôn chặt trong cái cười nheo của bà Năm. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI