Có niềm hạnh phúc nào mang tên hy sinh?

01/12/2017 - 14:00

PNO - Cuộc đời lẽ nào là đường đua mà bất chấp tất cả, miễn đứng trên bục cao giương chiếc huy chương lấp lánh mới gọi là hạnh phúc? Thiết nghĩ, chẳng có niềm hạnh phúc nào mang tên hy sinh…

1.Tôi vẫn còn nhớ quanh mình bao phủ cảm giác nhức buốt khi gặp chị vào một chiều tan tầm, lúc ai nấy đều bươn bả về nhà nghỉ ngơi, cơm nước. Chị ngồi quay mặt vào trong, bóng lưng nhỏ bé thu lại co ro trong chiếc ghế quá khổ của quán cà phê vắng khách. Chị nhìn tôi cười, ánh mắt mênh mang. 

Co niem hanh phuc nao mang ten hy sinh?
 

Tôi vẫn cho rằng, đàn bà có thể giấu kín mọi thứ bằng lớp áo quần sang trọng, bằng nụ cười, bằng trang điểm kỹ lưỡng từ lớp kem nền đến từng sợi lông mi được chăm chút. Nhưng rồi, tôi nhận ra mình sai. Làm sao có thể giấu được buồn vui trong ánh mắt? Như ánh mắt chị bây giờ: ngổn ngang trăm mối...

Cha mẹ và mấy em chị đều định cư ở Mỹ. Nhà anh cũng gần như ở cả bên Úc. Anh chị có hồ sơ bảo lãnh bên nhà chị. Mòn mỏi cũng bảy, tám năm, anh chị không dốc hết sức làm cái gì dài hơi. Anh dạy thể dục, chị quẩn quanh cơm nước, học nail, học nấu ăn, tà tà chờ ngày xuất cảnh. Tiền chi tiêu và học hành của hai đứa nhỏ phần lớn là do bên nhà nội, nhà ngoại tài trợ, không dư dả nhưng cũng không túng thiếu. Đùng một cái, anh có cơ hội đi Úc theo diện chăm sóc y tế cho cha anh, nhưng với điều kiện anh phải độc thân. Không biết bàn tính thế nào, anh chị làm thủ tục ly hôn. Sáu tháng sau, anh đi Úc, chị ở Việt Nam với con. 

Năm đầu, anh về gần một tháng, ai nấy đều vui, anh sắm ngay cho chị một chiếc xe Vespa màu đỏ kiêu hãnh. Năm thứ hai, anh về hai tuần; có dịp hẹn ăn uống với nhau, tôi thấy chị chỉ im lặng cười, anh ngồi cạnh nói huyên thuyên đầy phấn khích về cuộc sống “bên kia". Năm thứ ba, anh về một tuần và đưa hai con đi cùng. Năm nay là năm thứ tư, anh nói bận, không về. 

Co niem hanh phuc nao mang ten hy sinh?
Ảnh: Internet

“Chị mất hết rồi em”. Hai giọt nước mắt lóng lánh nặng trĩu bò xuống hõm má xanh xám của chị như những hạt ngọc trai trong chuỗi ngọc đứt ra, rơi xuống. Chị khóc như đứa trẻ. Trong tiếng nấc, chị nói chị để anh đi vì con; con đã theo anh, anh hứa ổn định cho con xong sẽ về kết hôn lại, giờ anh có người mới”. Chị xoa xoa hai bàn tay vào nhau như cố tự sưởi ấm cho mình.

 Hình ảnh người đàn bà nhỏ bé với cơ man nào là nước mắt ấy cứ mãi ám ảnh tôi về sự mong manh của tình yêu, nghĩa vợ chồng trước thời gian, không gian và một đối tượng mới, cứ mãi ám ảnh tôi về cái giá đau lòng mà không phải ai cũng lường trước được khi bước vào một cuộc toan tính, đánh cược với hạnh phúc của đời mình.

2. Ngày anh chị chào gia đình tôi để đi định cư ở Mỹ, tôi khá bất ngờ. Xưa giờ không nghe chồng tôi nói, và tôi cũng không nghĩ rằng, với nhà cửa bề thế, công việc ổn định, anh chị lại còn có ý định xuất cảnh khi ngấp nghé tuổi hưu. Là em dâu, lại là em họ, tôi không tiện hỏi, chỉ nhớ lúc tiễn chị ra sân bay, chị nắm tay tôi nói nhỏ: “Chị đi vì các cháu”. 

Thi thoảng qua email và điện thoại, chị có nói chị phụ việc trong một tiệm nail, các cháu bắt đầu ổn định và hòa nhập khá nhanh với bạn mới, trường mới; anh học lái xe rồi cũng sẽ tìm việc. Tôi hình dung, bắt đầu mọi thứ ở tuổi gần 60 nơi xứ lạ quê người sao tránh khỏi những vất vả, ngỡ ngàng. Tôi thầm mong cho gia đình chị ổn, vì tương lai của con, những người cha người mẹ thường rất mạnh mẽ. 

Thế rồi, đột nhiên anh trở về. Trong ngôi nhà cũ với đầy ắp kỷ niệm, anh vào ra một mình. Anh nói không cách gì quen được với cuộc sống bên ấy. Anh có cảm giác hai năm qua, anh như kẻ đi lạc. Anh không thể tiếp tục. Chị có cha mẹ, chị em bên đó, chị nói anh muốn thì cứ về Việt Nam, chị ở lại lo cho các con. Anh có vẻ vui khi gặp lại bạn bè, anh em, vui khi muốn là có thể lấy xe máy chạy vù ra quán cà phê, chiều ôm cây vợt ra sân tennis. Thế nhưng, tôi chợt nghĩ đến những đêm khuya, hay sớm mai thức dậy, một mình đối diện với chính mình, anh có chạnh lòng không và sẽ chịu được bao lâu?

Tôi nghĩ, chị bên kia khi đêm đông gió tuyết, trở về nhà khi các con mải học hành hoặc đã ngủ, mỏi cái vai, hay cảm thấy khó ở, chị chia sẻ với ai? Cho dù đã cùng nhau đi hết một chặng đường 30 năm, nhưng sự cách trở xa xôi đến nửa vòng trái đất liệu có gì bất trắc? Ít nhất là, khi sống được một mình, người ta có còn cần nhau nữa hay không? 

Co niem hanh phuc nao mang ten hy sinh?
Ảnh: Internet

Hình ảnh chị cô đơn khi phút chốc trở nên trơ trọi giữa đời, hình ảnh anh một mình trong căn nhà từng rộn tiếng cười nói của vợ con, khiến tôi lại nghĩ vẩn vơ đến hai tiếng hạnh phúc. Cuộc đời lẽ nào là đường đua, bất chấp tất cả, miễn cứ đứng trên bục cao giương chiếc huy chương lấp lánh, mới gọi là hạnh phúc? Mỗi ngày được buồn vui, lo lắng cùng với người mình yêu thương, mỗi ngày được trông thấy, chạm lấy, kể cả giận hờn cãi vã, mỗi ngày được lớn lên và già đi bên nhau, phải chăng là hạnh phúc? 

Thiết nghĩ, không có niềm hạnh phúc nào mang tên hy sinh, kể cả vì những đứa con mình yêu thương, hay vì một cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, giàu sang hơn ở một nơi xa xôi nào đó. Trong tôi lại thấp thoáng hình ảnh cô tiếp viên trên máy bay hướng dẫn quy tắc cứu hộ: đeo phao cho mình rồi mới đeo cho con. Sống trên đời, cũng cần phải vậy chăng: mình hạnh phúc mới mong mang hạnh phúc đến cho người? 

 Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI