Có nhau trên bước đường đời

02/11/2015 - 07:52

PNO - Ngày chị Bốn theo anh Trung về mảnh đất bời bời gió nắng, tâm trạng anh lâng lâng trong hạnh phúc nhưng đôi mắt hằn vệt âu lo.

Co nhau tren buoc duong doi
“Thân thể thiếu khuyết nhưng hạnh phúc vẹn tròn”, chị Lê Thị Bốn nói

Định mệnh se duyên

Không khó để hỏi thăm gia đình anh Nguyễn Xuân Trung và chị Lê Thị Bốn ở thôn Giàng Phao, xã Trung Sơn (H.Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Nhiều người dân hồ hởi chỉ đường về nhà anh Trung với sự cảm phục: “Trong cái rủi cũng có cái may. Chân cẳng như rứa mấy ai nghĩ tới mà yêu thương. Mà nếu có yêu thương cũng mấy ai dám dấn thân. Đằng ni thân gái dặm trường. Cái Bốn nó yêu chồng lại vừa chịu thương, chịu khó…”.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Trung Sơn còn lắm khó khăn, nhà nghèo, tốt nghiệp THPT, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Trung không theo tiếp giấc mơ giảng đường đại học, mà chọn con đường học nghề thợ nề để phụ giúp gia đình.

Trung dự tính làm thợ như thế vài năm, khi đã có số vốn kha khá thì lập gia đình. Nhưng rồi một tai nạn không may xảy ra. Vào một ngày hè năm 1997, khi anh đang cùng toán thợ cuốc đất làm móng một công trình xây dựng thì một tiếng nổ chát chúa bất ngờ đã chặt đứt bao dự định của anh.

Tỉnh dậy sau nhiều ngày hôn mê, Trung bật dậy hỏi thăm tin về người thợ làm cùng mình, nhưng cú bật ấy làm anh ngã chúi. “Lúc đó định thần lại, đưa tay sờ lên chân phải thì chỉ có cảm giác hụt hẫng, cái chân còn lại đau buốt dọc đầu gối. Nghĩ đến cảnh từ nay không còn được bước đi lành lặn, không thể mang vác đỡ đần cho cha mẹ… nước mắt tự nhiên trào ra”, Trung nhớ lại.

“Đang tuổi thanh niên khỏe mạnh bỗng dưng thành người tàn tật, buồn chán dữ lắm!”, anh bần thần. Những ngày sau đó, Trung gần như rơi vào tuyệt vọng. Nhưng rồi nhìn người mẹ già vất vả sớm hôm, anh không đành nên quyết gượng dậy.

Vài tháng sau khi rời bệnh viện tỉnh trở về, Trung tìm tòi thông tin và quyết định vào Bệnh viện 268 (thành phố Huế) để lắp chân giả. Cuộc chỉnh hình lắp chân cho anh thất bại vì nhiều lý do. Hai năm sau, Trung may mắn được một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ đưa vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng điều trị. Ở đó, Trung đã gặp duyên nợ đời mình.

Ngày ấy, hoàn cảnh gia đình khó khăn trong khi việc hồi phục chỉnh hình phải mất nhiều thời gian nên nhiều lúc Trung phải ở lại bệnh viện một mình. Thấy mỗi ngày có một người thanh niên lủi thủi, đôi nạng lộc cộc nặng nề xoay xở mua cơm bụi, giặt giũ áo quần, chị Lê Thị Bốn, quê ở Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) đang chăm sóc em trai ở đó, động lòng trắc ẩn.

“Em mình cũng ốm nằm bệnh viện nhưng có người chăm sóc mà đã thấy vất vả rồi, đằng ni anh ấy xa quê, lại một mình, nhìn tội lắm. Mỗi ngày khi giặt áo quần cho em trai, tui đều bảo anh Trung đưa phần của anh để giặt luôn thể. Lúc đầu anh cũng ngại nhưng lâu thành thân quen.

Rồi hai đứa có tình cảm với nhau lúc nào không hay”, chị Bốn bẽn lẽn nhìn chồng. “Thấy cô ấy có tình cảm với mình, tui cũng vui lắm. Nhưng nghĩ lại mình không lành lặn, lấy nhau rồi thành gánh nặng cho cô ấy, trong khi lẽ ra, mình cần phải làm điểm tựa vững chãi cho “người ta” dựa vào…”, anh Trung trải lòng.

Cuối cùng, không muốn người mình yêu phải khổ, Trung nói lời từ chối. Nghe chưa trọn câu, chị Bốn gạt phắt: “Yêu anh, em đã nghĩ và sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, miễn trên con đường về phía trước, hai chúng mình cùng nắm tay nhau song hành thì sẽ vượt qua”.

Ngày Bốn đưa Trung về ra mắt gia đình, nhìn đôi chân khập khiễng của anh, gia đình chị phản đối ra mặt. Viễn cảnh người con gái phải về quê chồng xa hàng trăm cây số, đời sống khó khăn, việc đi lại thăm nom không phải dễ dàng, nói chi tới chuyện trái gió trở trời không người thân bên cạnh…

Những giọt nước mắt âm thầm nhỏ xuống, thương chị, anh lại bàn lui, hay thôi, yêu thương cứ để trong lòng. Trung hiểu khoảng cách phía trước khó vượt qua. Thâm tâm anh nghĩ, nếu mình là cha mẹ, cũng dễ gì chấp nhận cho con gái ngoan hiền về làm dâu xa xứ với người bạn đời khuyết thân thể.

Anh không lấy gì làm chắc chắn để làm điểm tựa cho chị lúc yếu lòng. Chị vẫn kiên nhẫn chứng minh tình yêu của mình. Giãi bày nỗi lòng của người con hiếu thảo mang ơn cha mẹ, nhưng chị cũng quả quyết: “Con chỉ hạnh phúc khi ở bên anh ấy!”.

Thương con, cha mẹ chị gật đầu đồng ý. Một đám cưới nhỏ đầm ấm được tổ chức. Trung bảo, thân thể anh mãi mãi khiếm khuyết nhưng hạnh phúc từ đó đã vẹn tròn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI