Có kẻ theo chồng... vẫn cứ chơi

28/11/2018 - 15:00

PNO - Đi chơi là một thú vui, là nhu cầu chính đáng của bất cứ ai. Cứ tưởng đi chơi là dễ, thực ra không hề dễ, nhất là đối với người đàn bà đã “yên bề gia thất”.

Nhiều ông chồng cho rằng, đàn bà đi chơi một mình dễ sinh hư. Thậm chí quy luôn việc đàn bà đi chơi một mình là chán chồng hoặc có bồ. Thi sĩ Hàn Mặc Tử nói “Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” không phải là không có lý. Dù vậy, điều đó đang dần thay đổi…

Kéo theo rơ-moóc…

Thu Hoàn lấy chồng khá giả. Bản thân cô cũng kiếm được tiền. Phải cái “tội”, Hoàn ham chơi từ bé, đến khi lấy chồng, ham mê đó cũng không mòn đi. Nhưng đi chơi một mình, dù với bạn cùng lớp, cũng bị gia đình chồng dị nghị. Thịnh, chồng cô không nói gì, nhưng mặt mày bí xị, nên Hoàn chọn cách kéo chồng cùng đi chơi.

Khốn nỗi, vợ chồng Hoàn hợp nhau nhiều việc, chỉ có mỗi thú đi chơi là không hợp. Thịnh dễ mệt khi đi tàu xe. Đến nơi, anh chỉ nằm phịch ở khách sạn ngủ, vợ lay, vợ dỗ kiểu gì cũng không muốn dậy. Hoàn xót tiền đầu tư cả chuyến đi, mà Thịnh cũng chẳng thấy thú vị gì khi đi ngắm chùa chiền, sông nước hay núi đồi, rừng rú. Anh chỉ mong chuyến đi mau kết thúc, để trở về thành phố, gặp đám bạn nhậu, cùng nhau chém gió sung sướng.

Co ke theo chong...  van cu choi
Ảnh minh họa

Kết quả là những lần sau, Hoàn không kéo chồng đi nữa. Cô nói thẳng với chồng: do sở thích không giống nhau, nên em sẽ đi du lịch, còn anh cứ ở nhà chơi với bạn. Anh không được cấm đoán hay tỏ ra khó chịu. Về phần cô, khi chồng nhậu xỉn về, cô cũng sẽ không càu nhàu. Nghe vợ nói, Thịnh ậm ừ, chẳng ra đồng ý cũng không gạt phăng. Tuy nhiên, mỗi lần Hoàn đi du lịch mà không kéo “rơ-moóc” theo thì kiểu gì sau đó gia đình cũng mất vui.

Chồng chị Bích thì lại có máu ghen. Chẳng nói đến việc đi du lịch vài ngày hoặc cả tuần, chị luôn phải kéo chồng theo, mà kể cả khi chị đi cà phê với bạn bè, đi xem triển lãm hoặc nghe hòa nhạc cũng hoặc phải cho anh đi cùng, hoặc phải báo địa chỉ cụ thể nơi chị tới, báo sẽ ở đó bao lâu, với ai. Có lần, chị nói với chồng đi gặp bạn gái ở quán cà phê trên đường Quang Trung. Bất ngờ, lúc chị đang hàn huyên với bạn, chồng chị lấy cớ quên chìa khóa nhà, tìm đến quán để lấy chìa khóa, nhưng mục đích chính là để ngó xem vợ có thật sự ngồi với bạn gái hay với ai khác.

Tạo phản xạ trật tự

Nhà văn Dạ Ngân nói, người chồng hay đến cỡ nào là do vợ anh ta. Thực tế, nhiều năm qua tồn tại thứ quan niệm mang tính “lỗi xã hội” rằng, đã theo chồng thì phải “bỏ cuộc chơi”. Trong khi người hiểu biết xem “chơi” là một khái niệm phát triển nhân tính ở mức độ cao. Để không phải đứng trước lựa chọn đau đớn và ngốc nghếch: bỏ chồng hay bỏ cuộc chơi; hoặc đợi khi về hưu, chồng đã già, mình cũng thế thì mới có thể thu xếp đi chơi một mình được, đàn bà cần tỉnh táo tạo phản xạ trật tự cho chồng ngay từ ngày đầu chung sống. Anh cần hiểu rằng, khi nàng đi ra ngoài, đi chơi là nàng đang đầu tư cho gia đình, chứ không phải chuyện chơi bời vô nghĩa.

Co ke theo chong...  van cu choi
Ảnh minh họa

Họa sĩ Hoàng Hà kể, khi chồng cô cằn nhằn chuyện cô đi chơi, cô đã chẳng nói chẳng rằng, xách luôn túi qua nhà bạn ngủ, hôm sau mới về. Chồng cô tức giận vặn hỏi, cô đáp, ai cũng có quyền đi chơi để mở mang đầu óc; anh có muốn mẹ của các con anh là một người đàn bà đần độn? Anh có muốn vợ anh là một phụ nữ chỉ quanh quẩn xó bếp? Kể từ đó, mỗi khi Hoàng Hà đi chơi về, chồng cô không cằn nhằn nữa, bởi cô đã tạo cho anh “phản xạ trật tự”. Phụ nữ chúng ta quen nhẫn nhịn, thiếu phản ứng tức thời, nên đàn ông được đà lấn tới. Và khi đã lấn được một lần, họ sẽ lấn mãi.

Dù yêu chồng đến mức nào, bạn nên quyết liệt với những quyền đương nhiên của mình, không để chồng tước mất hoặc tự từ bỏ. “Tạo phản xạ trật tự” cho chồng trước mỗi lần mình muốn đi chơi, bạn sẽ nhận ra một điều rằng, hóa ra, chồng mình sẽ dần ủng hộ vợ đi chơi. Bởi lẽ, mỗi lần đi chơi về, vợ lại có thêm biết bao câu chuyện hay, kinh nghiệm mới, kiến thức bổ ích và thậm chí những mối quan hệ tuyệt vời, hỗ trợ được cho con cái hoặc mẹ cha và chính mình. Người chồng sẽ hiểu, vợ đi chơi, cũng là một cách hay để gia tăng giá trị cho gia đình. 

Kiều Bích Hậu

Chuyên gia tâm lý Thu Giao: “Trước kia, nhiều phụ nữ hiểu sai vai trò của mình, tự tước đi quyền tự do, độc lập của mình, coi chồng như người quản giáo, đi chơi là phải xin phép, thấy chồng không hài lòng là không dám đi. Điều đó chỉ thể hiện trình độ sống còn ở mức thấp của cả chồng lẫn vợ. Đàn bà ru rú ở nhà, họ sợ hãi đám đông, sợ các mối quan hệ, nhìn mọi việc qua góc hẹp từ gian bếp.

Đàn bà thú vị biết đi chơi, để phát triển bản thân, mang về những mối quan hệ tốt có thể hỗ trợ cho mọi thành viên trong gia đình”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI