Có đến 4 người con trai cuối đời vẫn côi cút một mình, phải nhờ hàng xóm cắm cơm hộ

11/03/2018 - 08:59

PNO - Các anh đều bảo thương mẹ, đều nhờ gửi sữa, gửi thuốc bổ hay thực phẩm chức năng về cho mẹ. Nhưng tuyệt nhiên chẳng anh nào dám mời mẹ ra nhà con ở.

Bà Tuân năm nay đã ngoài 80 tuổi, da đồi mồi nhăn nheo chẳng còn chừa lại một khoảng nào, tóc bà bạc phơ, chỉ còn lơ thơ một ít lấp ló sau chiếc khăn quấn bằng nhung. Thế nhưng, buồn hơn cả là bà bị bệnh tay run, ngồi yên cũng run, đi ngủ cũng run và cầm nắm bất cứ vật gì cũng run. Có khi bà ăn một bữa mất hơn một tiếng, bởi xúc được một miếng rơi mất một miếng. Nên miếng nào trúng thì bà ăn, còn miếng nào rơi mất thì có con chó đứng bên cạnh chờ sẵn.

Bà có đến tận bốn anh con trai, nhưng rồi cả bốn anh đều đi nước ngoài xuất khẩu lao động. Anh nào cũng đi biền biệt, mười năm có khi ghé về quê được 2-3 lần, tiền gom góp gửi về cho vợ xây nhà to, nhà cao, đều hai tầng khang trang, có tiếng trong làng hết. Trong những cuộc điện thoại hiếm hoi gọi về, các anh đều bảo thương mẹ, đều nhờ gửi sữa, gửi thuốc bổ hay thực phẩm chức năng về cho mẹ. Nhưng tuyệt nhiên chẳng anh nào dám mời mẹ ra nhà con ở.

Co den 4 nguoi con trai cuoi doi van coi cut mot minh, phai nho hang xom cam com ho

Ảnh minh họa.

Bởi bốn cô con dâu, cô nào cũng chẳng vừa, cứ nhìn nhau rồi tị nạnh rằng sao mẹ không ở nhà kia, mà lại ở nhà này. Thế là cuối cùng bà dỗi, và bảo: . Bà quay về côi cút một mình. Ban ngày bà ngồi ở bàn gỗ ngoài sân, chỉ mong có người đi qua ghé vào nói chuyện. Còn ban đêm, bà thu lu nằm trong bóng tối, đôi khi nghe tiếng gió thổi làm lá cây chuối va vào nhau loạt soạt ngoài vườn, bà lại run lên, sợ… ông về.

Kể từ ngày ông mất, bà không đêm nào yên giấc được nữa. Bà mất đi người chuyện trò cùng, cũng không có ai ngồi bên cạnh bà trong bữa cơm. Đến những ngày giỗ chạp, mấy cô con dâu cùng đám cháu tụ tập lại làm cỗ còn vui. Nhưng có nhiều khi bà cũng chạnh lòng vì mấy đứa cháu vô ý. Đến bữa ngồi trong mâm cỗ, mắt mờ, bà gắp nhầm cái đầu cá, bỏ vào bát, hai đứa ngồi bên ghé nhau cười khúc khích, bảo với nhau: “Nhìn kìa, bà gắp nhầm đầu cá kìa!”.

Khi bà bắt đầu già yếu dần đi, cũng là lúc anh con thứ hết thời gian làm việc ở nước ngoài quay về. Anh tiếp tục công việc thợ xây, rồi tranh thủ chạy qua chạy lại nhà mẹ. Nhìn cảnh mẹ già ốm yếu, côi cút, anh cũng xót, về bàn với vợ đón mẹ về phụng dưỡng. Nhưng chưa kịp nói hết câu, vợ anh đã nhảy cẫng lên: “Trách nhiệm nuôi mẹ là của bác cả, sao lại đến lượt mình?”.

Co den 4 nguoi con trai cuoi doi van coi cut mot minh, phai nho hang xom cam com ho

Ảnh minh họa.

Anh sợ vợ, đành nín thinh, chỉ biết thỉnh thoảng lén vợ mang sang cho mẹ hộp bánh, nhưng cũng không quên dặn bà đừng bảo là con mua. Bà thương các con, sợ con đeo mang lấy mình nặng gánh nên cứ lủi thủi, đếm ngày đếm tháng cho mau mau đến ngày được gần ông. Có hôm trái gió trở trời, bà đau đầu chóng mặt, định lò dò vào nhà đi nằm thì ngã quỵ ra sân, may hàng xóm đi qua phát hiện thấy hô hoán lên, thế là con cháu thay phiên nhau chăm bà.

Những khi ấy, bà ốm nhưng lại thấy vui, vì nhà còn có người đi ra đi vào. Nhưng khỏe rồi, bà lại ngồi côi cút một mình ngoài sân. Nom chừng đến bữa mà chưa có ai đi qua, bà lại đứng bên bờ rào, nhờ đứa cháu bên nhà hàng xóm sang cắm hộ nồi cơm. Thức ăn thường là một nồi cá kho, thịt kho, hiếm khi lắm mới có rau mà mấy cô con dâu cắt cử thay phiên một tuần đưa cho bà ăn một lần. Nhiều bữa bà không muốn nuốt, mà sợ ốm liên lụy đến con cháu, bà lại cố gắng trệu trạo mà nhai.

Đến chừng này tuổi, đôi khi ngồi một mình, bà lại nghĩ quẩn, không biết mình nuôi lớn mấy đứa con trai để rồi được gì. Sinh con ra, hi sinh một đời cho con, bao nhiêu công sức, tiền bạc dồn hết cho con lớn khôn, dựng vợ xây nhà. Cuối đời, một cắc một đồng cũng chẳng còn. Nhưng nghĩ thế thôi, chứ nước mắt chảy xuôi, nên bà lúc nào cũng thương các con, vẫn động viên các con rằng không sao mẹ sống được. Dù ngày ngày, sự thật vẫn là chỉ có một mình bà cô đơn bên di ảnh của ông.

Ngọc Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI