Có bố thật tuyệt

29/02/2016 - 14:27

PNO - Có những khi bức bí trong cuộc sống, không phải vì không còn thương yêu nhau, mà vì thấy không làm sao thoát khỏi chiếc vòng lẩn quẩn hết lương...

Trưa muộn, mẹ và con tỉnh dậy sau giấc ngủ mê mệt trong âm thanh ồn ào nhốn nháo của bệnh viện. Bước chân xuống giường, mẹ ái ngại khi nghĩ phải chạy xe 15km về để giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, rồi phải đi mua thức ăn nấu nướng sao cho hợp khẩu vị người bệnh là con và người khó tính là bố con. Rồi chạy trở lại bệnh viện cho con ăn.

Mẹ bất giác nén tiếng thở dài vì từ trước giờ bố con không phải là người chịu khó. Với bố, mỗi tháng đưa mẹ nửa phần lương là đủ tiêu chuẩn làm người đàn ông tốt rồi, mọi chuyện vặt vãnh nhà cửa, bếp núc, con bệnh đau và chi tiêu thiếu đủ… đều là “chuyện đàn bà”. Nay con bệnh phải nằm viện, bao nhiêu việc lại dồn lên vai nên mẹ càng mệt.

Nhưng kìa… trong góc nhà vệ sinh, một tấm lưng áo xanh đang lom khom, đôi tay lắc lắc. Người ấy quay ra hỏi: “Em dậy rồi à? Hai giờ rồi đấy nhưng thấy em ngủ say quá nên không gọi dậy ăn trưa. Anh ăn rồi, sẵn tiện giặt mớ đồ”.

Trong khi mẹ còn ngắc ngứ hỏi cơm đâu mà ăn, lấy gì mà giặt thì bố con cười hì hì: “Cơm chay từ thiện còn nóng lắm. Ăn rất ngon. Ra căng-tin bệnh viện mua cái thau và bịch xà bông giặt đại cho em đỡ mệt. Con thì có cháo sườn dì nó vừa mang đến”.

Co bo that tuyet
Ảnh minh họa

Mẹ nghe một luồng thương yêu chảy mạnh trong tim. Thì ra, bố con không phải là người vô tâm luôn khoán trắng “chuyện đàn bà” cho vợ như trước giờ mẹ nghĩ. Mà là bố chưa có cơ hội để gánh vác thôi. Trong khi mẹ và con ăn trưa thì bố đi phơi quần áo. Sân phơi bệnh viện rộng và xa với những sào dây kẽm thẳng tít tắp và lổn nhổn quần áo bệnh nhân. Mẹ dặn với theo “coi chừng gió bay lộn hết nha anh”. Bố cười khì chìa ra xấp kẹp nhựa “có bảo bối rồi. Gió không bay được đâu”. À… thì ra bố con cũng biết dùng kẹp để phơi đồ ấy chứ!

Phơi xong trở vô, bố hỏi mẹ “Bà xã à, bao nhiêu một bộ đồ phụ nữ vậy?”. Mẹ đáp hơn trăm ngàn thôi. “Mai mốt em mua vài bộ mặc nhé. Quần áo em cũ hết rồi”. Mẹ định “vặc” lại, tiền dư đâu mà mua, mỗi tháng nhà mình… “Lúc nãy có anh Toàn bạn anh tới thăm con mình. Toàn rủ anh từ tháng sau tới quán Ốc Lác của nó giữ xe. Từ sáu giờ chiều tới chín giờ tối, mỗi tháng nó gửi anh hai triệu. Anh tính đi, bà xã thấy sao?”

Mẹ chỉ lặng im, không biết nói câu gì. Chuyện làm thêm ba tiếng đồng hồ, quả thật nó không lớn, cũng xêm xêm thời gian ra ngoài uống vài ly từ trước giờ của bố. Nhưng nếu đi làm thì… có phải là mẹ bóc lột sức lao động bố con không nhỉ?

Con có biết không, thật ra mẹ và bố đều đi làm nhưng nhà ta chưa dư dả được, con sáu tuổi rồi nhưng mẹ vẫn chưa dám sinh em bé. Vì ở quê còn bà nội già ngoài tám mươi với nhiều bệnh tật, cô út thì di chứng sốt bại liệt nên yếu một tay không làm lụng gì nhiều. Hàng tháng, bố đưa mẹ vài triệu đồng, còn cũng chừng ấy gửi về biếu nội nhưng mỗi khi trái gió trở trời, cả nội và út bệnh, mẹ phải gồng gánh thêm không ít.

Có những khi bức bí trong cuộc sống, không phải vì không còn thương yêu nhau, mà vì thấy không làm sao thoát khỏi chiếc vòng lẩn quẩn hết lương - chưa hết tháng - hết tháng - lại ứng lương. Mẹ đã nghĩ đến việc hay là tự mình nuôi con, cứ làm bà mẹ đơn thân thử xem có “chết thằng Tây” nào không? Chứ sao mẹ cũng là phụ nữ, cũng xinh đẹp, siêng năng mà vẫn chưa bao giờ bằng chị bằng em dù là một đôi giày mới? Thà không chồng đi, có thiếu thốn gì cũng dễ lý giải, dễ được cảm thông hơn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI