Chuyện... nhiều chuyện

12/11/2015 - 07:38

PNO - Xét tổng thể, là con người thì dù là đàn ông hay đàn bà đều có nhu cầu trò chuyện. Đàn bà hẹn ở quán ăn, đàn ông thì nơi chiếu rượu.

Trước khi có ngôn ngữ, đàn ông và đàn bà tỏ tình bằng thực phẩm, đúng kiểu hành động hơn lời nói. Để có vật phẩm tỏ tình, àn ông phải đi săn. Những con thú to lớn khiến đàn ông buộc phải giao tiếp để hợp lực. Như vậy, trong chừng mực nào đó, ngôn ngữ của đàn ông phát triển sớm hơn đàn bà.

1. Xét tổng thể, đã là con người thì dù là đàn ông hay đàn bà đều có nhu cầu trò chuyện. Đàn bà hẹn hò ở quán ăn, đàn ông hò hẹn nơi chiếu rượu. Đàn bà uống nước ép, đàn ông uống cà phê. Đàn bà đến tiệm làm móng, đàn ông nhào vào quán hớt tóc.

Đàn bà đọc thông tin làm đẹp, thế giới showbiz. Đàn ông đọc tin chiến sự, chính trị. Đàn bà thường mở miệng khơi mào cho câu chuyện bằng cụm từ ”Nhớ giữ bí mật cho tui, nha. Chuyện này chỉ riêng bạn biết”. Đàn ông mở màn cho cuộc tranh luận bằng câu “Tui chắc chắn một trăm phần trăm, cái phe của thằng cha kia chưa chắc thắng cử đâu”.

Theo một cách nào đó, đàn ông và đàn bà đều có sự lựa chọn đối tượng để chia sẻ thông tin, hoặc đơn giản hơn là trút nỗi lòng. Đàn bà chơi facebook, lập ra hàng loạt hội từ tẩy chay người này cho đến tâm sự Eva; đàn ông thì lập diễn đàn này, băng nhóm kia; không ai kém cạnh ai.

Có điều, vốn dĩ người ta đã mặc định ném vịt cho đàn bà mới thành chợ nên vô tình quên mất ném vài chai bia cho đàn ông thì cũng nhanh chóng có thêm một sân vận động.

Chuyen... nhieu chuyen
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

2. Không gói trong khuôn khổ những câu chuyện phiếm, đàn ông bây giờ đã có thủ thuật tạo nên sự tranh luận của đám đông, đàn bà cũng có chiêu trò khiến thiên hạ xào xáo. Đúng kiểu, trùm nhiều chuyện.

Như năm nào xa xa, có anh đạo diễn xuất hiện liên tục trên báo mạng để nói những câu khiêu khích. Như tháng nào đó gần gần, có chị nhà văn xuân thu nhị kỳ đều có mặt để tán lại câu nói của anh đạo diễn. Họ rất mực đồng thanh tương ứng khiến người khác cất tiếng mắng lại đến mỏi miệng.

Vài tuần trước, tôi có nhận lời viết cho một diễn đàn chỉ nói toàn chuyện của thiên hạ, chuyện của cá nhân. Nể lời thì nhận viết thôi, chứ viết xong cũng e mình vừa nhiều chuyện. Vì, đã nói chuyện không phải của mình thì bất chấp đang nhân danh điều gì cũng là không thuộc vào dạng ít chuyện được nữa rồi.

Ngay cả khi người này cáu gay gắt vì người kia là nhiễu sự, là lắm chuyện thì đâu chắc là người vừa cáu gắt là n gười không nhiều chuyện, không nhiễu sự.

Thế nhưng, đôi lúc lại lẩn thẩn vì câu hỏi tuyệt không có câu trả lời, “Nếu một ngày nào đó thế giới không có tiếng người thì nhân loại sẽ trôi về đâu trong mênh mang vô định này?”.

3. Có lần, tôi may mắn được hầu chuyện với giáo sư Trần Ngọc Thêm, ông đưa ra một nhận định đại ý “Cái gốc của văn hóa chúng ta nằm ở nông thôn, mà người dân nông thôn xưa thì hầu như không đi đâu xa, quanh đi quẩn lại chỉ trong làng.

Như vậy, vô hình trung là toàn bộ những tính cách truyền thống, văn hóa truyền thống nằm ở trong làng, không vượt ra khỏi cổng làng. Tính cộng đồng còn làm nẩy sinh thêm một tật xấu khác là tật thích “tám”, thích nổ, thích khoe. Tám chuyện, buôn dưa lê là đặc tính rất rõ của văn hóa âm tính.

Đó là biểu hiện của những người thừa thời gian, rỗi việc hay la cà buôn chuyện. Cho nên, người Việt Nam không chỉ phụ nữ, mà ngay cả đàn ông cũng thích tám”. Mấy anh bạn Việt kiều thì tếu táo: “Không ăn tham không phải quan huyện, không nhiều chuyện không phải người Việt Nam”.

Lại có câu rất hay, “Miệng gần tai, ai nói nấy nghe”, nên điều buồn cười nhất theo quan điểm của tôi là bỉ bai người này nhiều chuyện hay người kia nhiều chuyện.

Ham vui thì mới nhiều chuyện, nhưng cũng phải có biên độ cho sự nhiều chuyện ấy. Đừng vì cái nhiều chuyện của mình khiến gia đình người ta xào xáo, khiến cá nhân bị ảnh hưởng uy tín…

Mà thật ra, không cần bàn đến chuyện của người, cứ mang chuyện cá nhân mình ra tán thì cho đến tàn đời vẫn không hết chuyện.

Ngô Nguyệt Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI