Chữ “ngờ” khó đoán

13/04/2014 - 07:20

PNO - PNCN - Bà sụt sùi khẳng định: “Cũng tại tôi quá cả tin, vì tin nên mới không ngờ…”. Hai chữ “không ngờ” được bà thốt lên không biết bao nhiêu lần trong suốt phiên xét xử; bất kể vị chủ tọa nhiều lần phản biện: “Làm sao...

edf40wrjww2tblPage:Content

1. Quê ông ở Đồng Tháp. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 1993 ông khăn gói lên Sài Gòn tìm việc, được anh trai của bà nhận vào làm thợ sửa xe. Thấy ông có tinh thần cầu tiến, lại chịu thương chịu khó nên bà đem lòng yêu mến. Được đáp lại tình cảm, bà nhanh chóng chuyển ra ngoài thuê trọ sống với ông. Năm 1998, con gái của hai người chào đời. Nghĩ chuyện lâu dài, bà đề nghị ông đưa về quê hợp thức hóa mối quan hệ. Lúc này, ông mới thành thật khai báo, ở quê ông đã có… một vợ và hai con. Trình bày trong phiên sơ thẩm diễn ra tháng 11/2013 ở TAND Q.12, TP.HCM, ông cho rằng, dù biết ông đã có gia đình nhưng bà vẫn chấp nhận. Hai người tiếp tục sống với nhau đến cuối năm 2012 thì nảy sinh mâu thuẫn. Lặng lẽ gửi đơn đến tòa, ông yêu cầu được… ly hôn và chia tài sản chung là căn nhà cả hai cùng tạo dựng.

Căn nhà ấy được xây trái phép trên mảnh đất nông nghiệp do hai người đứng tên, chưa hợp thức hóa quyền sở hữu. Xem xét mối quan hệ, TAND Q.12 tuyên không công nhận ông bà là vợ chồng. Phần tài sản, tòa gộp chung nhà và đất có tổng trị giá hơn 700 triệu đồng, chia mỗi người phân nửa, ai nhận tài sản sẽ thối tiền lại cho người kia. Bà cho rằng bản án có nhiều khuất tất nên làm đơn kháng cáo. Theo bà, không thể có chuyện công nhận hay không công nhận mối quan hệ giữa hai người là vợ chồng, vì ngay sau khi phát hiện ông có gia đình, bà đã chủ động chia tay. Việc “dính” với nhau đứa con chung coi như là lầm lỡ của bà. Trên cơ sở đó, phân chia tài sản lúc này chỉ còn là mâu thuẫn, tranh chấp dân sự; tòa cần xem xét căn nguyên ông đồng sở hữu quyền sử dụng đất là do bà cả tin nên đã bị ông lừa.

Chu “ngo” kho doan

2. Phiên phúc thẩm diễn ra ngày 20/3 tại TAND TP.HCM, bà kể trong nước mắt: “Tôi không ngờ ông có gia đình rồi mà vẫn lừa gạt để đến với tôi. Sau chia tay, ông về sống với họ, lâu lâu mới lên thăm con. Một hôm, tôi nói vừa mua được mảnh đất nhưng không biết chuyện đăng ký chủ quyền ra sao; ông khoe rành về luật pháp, đề nghị giúp tôi. Ngày đến ủy ban nhận giấy chủ quyền, tôi tá hỏa thấy tên chủ sở hữu ngoài tôi ra còn có tên của ông ấy. Tôi điện thoại đề nghị giải thích, ông không nói năng gì. Tôi đã quá cả tin, không ngờ ông ấy hèn hạ đến vậy!”.

Khác với vẻ khổ sở của bà, cứ mỗi lời bà thốt ra, ông đều phản ứng bằng hành động bụm miệng cười khằng khặc. Quay xuống người dự khán, ông nhún vai, nói khẽ: “Tôi cũng không ngờ bả bịa chuyện giỏi vậy!”. Vị chủ tọa tỏ ý khó chịu, hai lần đề nghị ông nghiêm túc, ông mới thôi cười.

Tòa hỏi bà, nếu biết ông đã từng lừa dối, thì còn tin cậy nhờ vả nữa làm gì; lẽ ra phải rạch ròi ngay khi không còn tiếp tục ở với nhau. Bà đưa tay lau mắt, nhắc lại câu: “Thì tôi cũng không ngờ”. Phần mình, ông nói không giải thích gì thêm bởi tất cả chứng cứ đều rành rành. Trong quá trình thụ lý án, cả hai cấp tòa đều đã xác minh. Theo đó, chứng cứ cho thấy không như bà trình bày, kể từ khi hai người có con chung, ông vẫn đăng ký tạm trú đúng địa chỉ nơi bà sinh sống. Sau khi đăng ký chủ quyền đất, cả hai tiến hành xây nhà. Do bận buôn bán nên bà giao phó toàn bộ chuyện xây dựng cho ông. Có lần, chính quyền địa phương phát hiện việc xây nhà là trái phép, yêu cầu đình chỉ thi công, ông là người “tiếp chuyện” với chính quyền và trực tiếp ký vào biên bản. Ông cũng là người thực hiện mọi giao dịch với công ty mua bán trang thiết bị-vật liệu xây dựng… Bà có thể để ông “tự tung tự tác” đến mức ấy không khi đã hoàn toàn cắt đứt quan hệ?

3. Tòa tuyên xử miếng đất chia đôi; lập luận rằng căn nhà xây trên đất nông nghiệp, đến thời điểm này vẫn chưa được hợp thức hóa nên chỉ coi đó là tài sản trên đất. Nếu chia đôi với giá trị một căn nhà (tài sản gắn liền với đất, thuộc sở hữu người sử dụng đất) đối với ai trong lúc này cũng là một thiệt hại, vì sau này, Nhà nước có thể không cho hợp thức hóa quyền sử dụng. Tòa tuyên cho bà được tiếp tục tạm sử dụng căn nhà; đợi cơ quan chức năng xác lập giá trị tài sản trên đất (không thuộc sở hữu người sử dụng đất) sẽ tiến hành phiên xử khác nếu ông còn giữ nguyên yêu cầu tranh chấp.

Phiên tòa kết thúc. Thấy bà lật đật đứng dậy bỏ đi, ông lao theo gọi giật: “Bà kia, tôi nói cho bà nghe, tôi không ngờ bà có thể phủ nhận mười mấy năm tôi với bà sống với nhau như vậy. Ai nghe cũng thấy buồn cười”. Quay về phía ông, bà đáp trả bằng cái cười nửa miệng: “Còn tôi thì không ngờ ông đối xử với tôi tệ vậy, đến với tôi vì những thứ như thế”… Họ có thể sẽ còn gặp nhau trong ít nhất một phiên xử nữa. Khi tình nghĩa không còn, mọi sự phân chia chỉ có thể dựa vào luật pháp. Lẽ thường, trong tranh chấp, ai có nhiều chứng cứ thuyết phục hơn thì người đó thắng. Chỉ tiếc cho bà bởi ngay từ đầu, đã biết ông dối lừa mà vẫn nuôi dưỡng quan hệ bằng những mối ràng buộc hữu hình. Chữ “ngờ” và cái ngày sẽ phải rạch ròi phân định ai thiệt ai hơn đâu phải là điều không đoán được.

YÊN NHẠN

Sao không khiếu kiện ngay từ đầu?

Căn cứ quy định tại mục 3, Nghị quyết số 35 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân - gia đình năm 2000, đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 3/1/1987 đến ngày 1/1/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm: từ ngày 1/1/2001 đến 1/1/2003. Từ sau ngày 1/1/2003 mà không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì tòa án áp dụng quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật để giải quyết.

Theo đó, trường hợp trên tòa án tuyên xử không công nhận quan hệ vợ chồng là đúng quy định; về phần đất nông nghiệp do đã được cấp giấy chứng nhận mang tên hai người nên về pháp lý đây là tài sản chung, nếu không có thỏa thuận gì khác hoặc đương sự không chứng minh được công sức và mức độ đóng góp (nhiều, ít, hoặc không có đóng góp) thì tòa xử chia đôi là đúng quy định.

Trường hợp nếu người "vợ" cho đó là tài sản riêng của mình, thì lẽ ra ngay từ khi mua đất và đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người "vợ" chỉ đứng tên một mình (điều này hoàn toàn có thể thực hiện được do hai người không đăng ký kết hôn) hoặc vì lý do nào đó cơ quan có thẩm quyền ghi tên hai người thì phải khiếu nại hoặc khiếu kiện trong thời hạn luật định yêu cầu thu hồi hoặc hủy giấy…

Đối với căn nhà, nếu phù hợp với quy hoạch, không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng, không có tranh chấp… thì có thể cho tồn tại và được xem xét cấp giấy chứng nhận về sau.

Luật sư HUỲNH MINH VŨ (Đoàn luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI