Chờ chồng... nên người

08/10/2017 - 08:30

PNO - Nhiều lần cháy túi, anh ta về “khảo” vợ không ra tiền thì cú đấm giáng xuống, chân đá hất lên. Vậy mà Ngọc chưa từng có ý định ly hôn, bởi 'thân em mồ côi, chia tay rồi biết về đâu nương tựa'...

Sáng sớm tôi đã nghe tiếng chổi quét quen thuộc của hàng xóm. Rồi tiếng gọi con nhanh tay nhanh chân thay quần áo và ăn sáng tới trường. Vậy là Ngọc lại trở về.

Đây không biết là lần ra đi thứ mấy của Ngọc và cuối cùng cô cũng phải về. Đứa con gái lớp Ba trong khi chờ xe đưa rước học sinh tới đón thì líu lo với cô hàng xóm: “Mẹ con về rồi. Mẹ nói mẹ sẽ không đi nữa, đi hoài tội nghiệp con. Từ từ rồi ba con cũng nên người thôi à”.

Cho chong... nen nguoi
Ảnh minh họa

Giàn hoa ngọc nữ lác đác vài cánh hồng nâu ở ngoài rào mà Ngọc chưa kịp quét. Bên trong nhà đứa con nhỏ ti tỉ khóc đòi mẹ. Bà mẹ chồng thì ong óng: “Sáng nay mày nấu cái gì cho thằng Quẹo ăn vậy? Cái gì, bánh canh tôm khô sao nó ăn được. Nó thích bánh canh xương mà”.

Ngọc về làm dâu trong gia đình có đến ba cô em chồng. Cha chồng mất từ lâu nên chồng Ngọc nghiễm nhiên thành ông hoàng của vương quốc nữ giới này. Ba cô con gái là giáo viên, hai cô lớn đã lập gia đình, chỉ còn cô út ở chung nhà. Bà mẹ chồng quá sáu mươi, ngày xưa bán buôn ở chợ, giờ về với cái tủ tạp hóa trước nhà. Chồng Ngọc làm thợ hồ, Ngọc làm công nhân may. Cuộc sống cứ nghĩ là ấm êm nhưng ít ai biết được, tuy hơn ba mươi tuổi, nhưng chồng Ngọc luôn là “thằng cu Quẹo” của mẹ chồng. Bà quan tâm từng món ăn, ly nước uống, cái áo cái quần của con trai. 

Chồng Ngọc rất ham bài bạc. “Độ” nhỏ thì cà phê thuốc lá, “độ” lớn thì bạc trăm hay bao nhau chầu mát-xa, “độ đỉnh” thì chục triệu bạc. Anh ta chưa một lần đưa vợ đồng nào để nuôi con. Nhiều lần cháy túi anh ta về “khảo” vợ không ra tiền thì cú đấm giáng xuống, chân đá hất lên. Vậy mà Ngọc chưa từng có ý định ly hôn, bởi “thân em mồ côi, chia tay rồi biết về đâu nương tựa”. Hai đứa trẻ, tiền sữa, tiền ăn, tiền học… cứ vây quanh khiến Ngọc gầy như bộ xương biết đi.

Cho chong... nen nguoi
 

Tật bài bạc của chồng khiến Ngọc đổ không biết bao nhiêu nước mắt, thậm chí bỏ nhà ra đi để anh ta thức tỉnh. Nhưng mẹ chồng luôn bảo: “Tiền nó làm nó xài chứ có xài tiền mày đâu! Dâu không con này thì con khác, còn con trai chỉ có một nghen mậy! Đừng có mà làm bà của con trai tao”.

Ngọc nói, thôi xem như ác miệng, chứ chỉ có chờ tới lúc mẹ chồng chết thì chồng em mới “nên người” được. Không biết Ngọc có chờ đến ngày chồng “nên người” được không, khi sức khỏe và tình yêu đều có hạn. Ngọc chờ được không khi một mình gánh vác kinh tế gia đình, hôm rồi ngất giữa chuyền may vì kiệt sức. Ngọc có chờ được không một khi tình yêu với chồng đã chai sạn, chỉ còn lại nỗi chán chường, tuyệt vọng?

Quan trọng hơn, biết rồi anh ta có “nên người” được không khi luôn có một người mẹ yêu con mù quáng như thế? Tôi nói với Ngọc, cách duy nhất để anh ta trưởng thành là Ngọc hãy cùng con ra khỏi căn nhà đó, ở trọ cũng được, ban ngày đứa đi học bán trú, đứa gửi nhà trẻ. Chiều về có mẹ có con. Nếu anh ta còn yêu quý vợ con thì sẽ bỏ bài bạc mà về với gia đình. Chứ kiểu ra đi rồi trở về của Ngọc như bắt cóc bỏ đĩa, sẽ chẳng có ích gì.

Ngọc thẫn thờ: “Chắc cũng phải như vậy. Nhưng em để chờ coi anh ấy có thay đổi được không. Vì… mới thua sáu triệu, phải bán cái xe rồi. Ảnh hứa với em lần này là lần cuối”... 

Thùy Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI