Thế rồi chúng tôi ngồi xuống cạnh nhau

12/09/2016 - 11:00

PNO - Chúng ta cứ ở xa bao nhiêu tùy thích và bao lâu tùy ý, điều quan trọng duy nhất, là chúng ta vẫn biết chỗ để tìm về với nhau.

Hòn đảo của chúng tôi đang chuyển mình sang thu. Mùa thu trên đảo không đến một cách rõ rệt như ở “quê cũ” Hà Nội, nơi mà mỗi cái rùng mình của gió đều cuốn theo một đám lá xà cừ vàng chộn rộn. Tiết trời ở đảo dịu hơn và cái nắng cũng không còn gay gắt. Lũ nhện vốn vẫn ngang nhiên giăng mắc kĩu kịt trên dây điện đã trốn tiệt đi đâu cả. Điều thay đổi lớn nhất chỉ là đám khách du lịch đi theo mùa vụ đã không còn ồ ạt, huyên náo.

Cứ mỗi lần đứng trên cầu tàu, nhìn từng đoàn du khách lố nhố, lũ lượt vác hòm to, hòm nhỏ, hồ hởi kéo nhau ra đảo, tôi lại thoáng rùng mình, liên tưởng đến một trận càn của đàn châu chấu trên cánh đồng lúa non. Cũng đúng với hình ảnh ấy, khách du lịch tăng một cách mất kiểm soát chỉ làm cho hòn đảo của chúng tôi đông đúc hơn, chật chội hơn, nhiều rác và nhiều tệ nạn hơn…

Song khi mùa du lịch hè kết thúc, hòn đảo trở lại với vẻ bình yên vốn có, và nhịp sống của những người dân đảo cũng vì thế mà chậm rãi hơn, thong thả hơn. Người ta gặp nhau trên đường còn kịp trao nhau một nụ cười thay vì chỉ gật đầu cái rụp rồi lại quầy quả đi cho kịp đón khách ra chuyến tàu sớm. Trong dòng người thưa thớt trở lại đảo, chủ yếu là do công vụ, một số thăm người thân, chỉ có số ít là đi tham quan, vào cái mùa mà những cơn bão biển luôn rình rập ập tới bất cứ lúc nào, tôi cũng trở lại hòn đảo, một miền “quê mới” đã thành thân thuộc.

The roi chung toi ngoi xuong canh nhau

Ngôi nhà của chúng tôi vẫn nằm đó, im lìm như còn ngái ngủ. Ngôi nhà cũ kỹ già nua ấy, chúng tôi mua lại của một người dân chài ở đảo, trong một xóm nhỏ cặp sát biển, nghèo nhất đảo, chỉ thuần làm nghề cá. Nó là một ngôi nhà quê mùa nghèo khó điển hình với mái ngói xanh rêu và màu ve tường lở lói. Chúng tôi đã hồ hởi coi đây là “mái ấm” dù mùa đông thì gió lùa lồng lộng, còn mùa hè thì không ngăn nổi những cơn mưa...

Mà mỗi lần mưa, kiến đen từ trên những thanh xà gồ cũ mọt lại rụng lả tả như hoa xoan tháng Ba, bất kể là đêm hay ngày. Ngôi nhà chỉ được mỗi cái nước gần biển - bãi biển đẹp nhất của cả hòn đảo, với bờ cát dài mịn màng trắng phau và nước biển thì như một ly cocktail nhiều màu mỗi khi hoàng hôn buông xuống.

Rời xa Hà Nội, xa căn nhà lầu kiên cố có điều hòa mát rượi và bình nóng lạnh năng lượng mặt trời để chuyển đến sống ở một hòn đảo thuộc vùng biên viễn, trong căn nhà cũ kỹ, dột nát, mà tôi vẫn hí hửng tận hưởng thứ hạnh phúc ngất ngây.

Thiếu thốn là thế, sao tôi vẫn thấy mình thật đủ đầy, cho đến khi anh chuyển sang nằm cái giường đối diện, đi về lặng lẽ như một hồn ma. Lúc ấy, tôi chợt nhận ra rằng, hóa ra sự đủ đầy với riêng tôi không phụ thuộc vào vật chất, mà phụ thuộc vào cảm giác. Thế là tôi lại rời đi, không hẹn ngày trở lại, cho đến hôm nay, trong một giây cao hứng, tôi đã bắt chuyến tàu sớm, để về nơi mình thương nhớ...

Thế rồi chúng tôi ngồi xuống cạnh nhau, trong căn nhà ngói viên còn viên vỡ, ngắm những vạt nắng chiều đang lịm dần trên những cành hồng leo.

Tôi bỗng thấy năm tháng như đã chảy trôi qua mình và chúng tôi đã già đi tự lúc nào. Cái cảm giác già nua đang tràn ngập trong thân thể mỏi mệt và tinh thần đã không còn minh mẫn của tôi. Chúng tôi như hai con mèo lười nhác, ngồi duỗi dài khoan khoái bên nhau để tận hưởng phút giây yên bình hiếm hoi đang ngưng đọng.

Thời còn trẻ tuổi, chúng tôi là hai con ngựa hoang ngông nghênh đã có đôi lần định buộc mình lại trong một ngôi nhà, một cuộc hôn nhân. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng, chẳng có sợi dây nào đủ chặt, và chúng tôi lại phi nước kiệu về những phía xa nhau. Để rồi, chúng tôi lại trở về, không hẳn vì chùng chân mỏi gối, mà như người ta nói vậy thôi: nếu đi hết biển, ta lại về nhà.

Chỉ có điều, nhà của chúng tôi không mang một hình hài vật chất, không phải là thứ được xây bằng gạch vữa. Nhà không chỉ là nơi thân thể chúng tôi trú ngụ, mà còn là nơi tâm hồn chúng tôi nương náu. Và nó chẳng gì khác hơn là trong lồng ngực phập phồng của những kẻ đã tha thiết với nhau.

Chúng tôi là hai đứa con nít già nua dần chấp nhận những sự thật không hoàn hảo của nhau. Chúng tôi đã dần quên đi việc hỏi những câu thừa thãi: "Anh/em đi đâu? Anh/em bao giờ về? Anh/ em đã làm gì?". Chúng tôi chỉ đơn giản chấp nhận hiện tại của nhau, sự hiện hữu của nhau ở chính thời khắc này một cách thản nhiên, như sống thì phải thở. Mọi thứ khác đều chảy trôi đi hết.

Chúng ta cứ ở xa bao nhiêu tùy thích và bao lâu tùy ý, điều quan trọng duy nhất, là chúng ta vẫn biết chỗ để tìm về với nhau.

Trong căn nhà nhỏ, vẳng ra tiếng hát du dương, một bài tình ca của Thanh Tùng, như chỉ dành riêng cho chúng tôi: “Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về, ta lại ngồi bên nhau, chờ con nắng ghé qua thềm...”.

Hàm Sương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI