Chấp nhận thử thách

16/06/2013 - 09:55

PNO - PNCN - Kính gửi chị Hạnh Dung! Em yêu anh ấy khi cả hai bên gia đình đều không chấp nhận.

 Phía ba má em nói rằng em là con gái chả xấu xí, ế ẩm gì, sao lại đi lấy người đã một lần gãy đổ, người ấy lại yêu ba đứa con lắm, luôn lấy chúng ra làm mục tiêu giải quyết mọi chuyện. Trong khi gia đình anh thì vẫn chưa qua được sự đổ vỡ của anh và không mấy tin tưởng ở em. Ba má anh bảo tài sản lớn của gia đình đã trao cho anh ấy, cho nên không vội vàng gì, chuyện chúng em muốn lấy nhau cứ lấy, nhưng gia đình không chấp nhận là dâu. Ba má vẫn giúp đỡ người vợ trước của anh vì chị ấy nhận nuôi mấy đứa cháu của ông bà.

Thấy em buồn, anh ấy nói vợ chồng là chuyện riêng của chúng em, cứ quyết định đăng ký và sống với nhau, không cần hai bên gia đình. Cứ sống cho hạnh phúc thì gia đình sẽ hiểu ra, mà nếu rủi gia đình vẫn không thay đổi thì coi như mình sống với nhau là đủ, không phụ thuộc gia đình.

Em rất lo buồn. Liệu em có hạnh phúc nổi trong một hoàn cảnh như thế, xin hãy giúp em.

Nguyễn Thanh Quý (Q.3,TP.HCM)

Chap nhan thu thach 

Thân gửi em Thanh Quý,

Chuyện cha mẹ hai bên đều không tin tưởng bắt nguồn từ thực tế đổ vỡ hôn nhân của anh ấy. Vì vậy, khó lòng có thể “bắt“ gia đình phải tin tưởng em ngay được. Họ chỉ có thể không vi phạm quyền kết hôn của các con, nhưng có quyền tin hay không và có quyền trao tài sản cho con hay không. Đó là quyền tối thiểu của cha mẹ mà các em phải tôn trọng. Chắc em cũng thấy trong xã hội, một số gia đình có tài sản lớn, họ rất khó tin tưởng sự lựa chọn của con trai (thí dụ con họ lựa chọn một cô người mẫu nổi tiếng chẳng hạn). Vì có một thực tế - và cũng là thành kiến của xã hội có khi - các anh chị đó lấy nhau lại “bỏ nhau xoành xoạch”, lỡ đụng chuyện chia chác tài sản thì ảnh hưởng đến công việc của gia đình lớn. Cho nên, nhiều cặp cứ sống, có con cái, có hôn thú hay không thì tùy, nhưng sự chung đụng vào việc kinh doanh lớn của dòng họ lại là chuyện khác.

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ, anh chị cứ sống với nhau tử tế đi, có con cái đi, thì trước sau sẽ có phần. Cha mẹ làm ăn tích cóp, đầu tư lớn, không thể vì sự lựa chọn “đồng bóng“ của các anh chị khi hợp khi tan mà kéo theo bước đi lao đao của gia đình lớn được. Nếu về lâu dài cặp vợ chồng chứng minh được hạnh phúc của mình thì sẽ khác. Còn trước hết, cha mẹ sẽ xem con mình và người vợ mới sống với nhau ra sao, đối xử với hai bên gia đình ra sao đã. Có lẽ đó là một nét tâm lý của các gia đình làm ăn lớn, có tài sản, cơ nghiệp và uy tín trong xã hội. Vì vậy, việc lựa chọn kết hôn của các em cũng phải tính rất kỹ. Anh ấy đã một lần gãy đổ, mối quan hệ của vợ cũ với gia đình lớn còn sâu sắc, em thì chưa có thời gian để chứng minh điều gì. Vậy em hãy tận dụng vũ khí thời gian, sống cho đàng hoàng, hạnh phúc, cư xử hai bên thật tốt. Vì em lựa chọn một người có hoàn cảnh đặc biệt, nên cũng cần có sự chịu đựng đặc biệt hơn, kể cả thử thách. Rồi các em sẽ có con cái, hãy cư xử không tranh giành, ganh tỵ, so kè, cứ sống trong điều kiện có thể của mình, mọi nỗ lực của em sẽ được nhìn nhận. Phải lấy thực tế trả lời chứ đừng suy xét trên lý lẽ này kia, lẽ ra phải thế này, tại sao không thế kia, sao mình thiệt thế này, rồi sinh ra oán trách và mang tiếng tham lam, đòi hỏi.

Nếu em hiểu hoàn cảnh của mình, chấp nhận để có được người mình yêu thì mới có sức mạnh vượt qua các hoàn cảnh thông thường để xây dựng hạnh phúc. Gia đình hai bên sẽ nhận ra sự độc lập và vững vàng của vợ chồng em và chẳng có lý gì để phản đối mãi. Chúc em hạnh phúc.

HẠNH DUNG (hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI