Đóng kịch chờ con hết lớp 12 mới ly hôn

15/10/2019 - 11:03

PNO - Các diễn đàn tiếp tục xôn xao chuyện một cặp đôi "chờ thêm năm nữa, con hết 12 mới ly hôn". Tôi nhớ ngay chuyện nhà cô hàng xóm, vợ chồng họ cũng đóng kịch đủ đầy, nhưng rồi cậu con trai nhanh chóng phát hiện.

Hôm đó đang ở cơ quan, tôi nhận điện thoại của bạn học, đồng thời là hàng xóm. Bạn nói T. - con trai bạn học buổi sáng, đáng lẽ trưa về nhà, nhưng chiều rồi mà chưa thấy đâu. Gọi điện thoại thì cháu không nghe máy, chỉ nhắn cái tin cho biết cháu sẽ đến chỗ tôi.

Tôi ngạc nhiên, tôi đang ở nơi làm việc mà, vả lại, tôi có thân thiết gì lắm với cháu đâu. Nửa năm trước tôi chuyển đến ở gần nhà bạn và thi thoảng hai mẹ con có tôi ghé chơi. Tôi có hỏi thăm cháu bình thường, cô cháu cùng chơi mấy ván game và có kết bạn facebook.

Nghe giọng bạn hớt hải, tôi hỏi "Vợ chồng cậu có la lối gì T. không?". Sau những tiếng thở dài và đắn đo, bạn mới kể vợ chồng bạn cơm không lành canh không ngọt mấy năm nay, sống chung nhà vậy thôi chứ mặt nhau còn ngại nhìn, nói gì cùng mâm cùng giường. Hẳn T. bỏ nhà đi liên quan chuyện đó chứ không ai to tiếng gì.

Dong kich cho con het lop 12 moi ly hon
Vợ chồng bạn cơm không lành canh không ngọt mấy năm nay, sống chung nhà vậy thôi, chứ mặt nhau còn ngại nhìn, nói gì cùng mâm cùng giường. Ảnh minh họa

Tôi vội xin về sớm, quả thật T. đang ngồi bệt trước cửa nhà tôi, vẻ buồn bã hiện rõ trên mặt cậu bé 17 tuổi. Thấy tôi, T. chào và nói luôn: "Cô cho con ở lại nhà cô nha, con biết nấu ăn, lau nhà, giặt ủi đồ, chơi với em và kèm em học. Con đã nhắn tin xin mẹ...".

Vào nhà rồi, T. rầu rĩ kể: “Ngày trước nhà con ở trong ngôi nhà ba tầng to lắm, sau nhà ấy bán, bố mẹ mua cái nhà nhỏ hơn, rồi lại bán, lại mua cái nhỏ nữa. Nhà càng nhỏ thì ba mẹ cãi nhau càng to, bố mẹ chỉ cãi nhau, mắng nhiếc nhau khi đêm về, họ tưởng con đã ngủ..

Từ bị làm phiền, con chuyển sang "rình" coi ba mẹ nói gì. Ba nói, sống khổ sở vầy thì ly dị đi, giải thoát cho nhau đi. Mẹ nói "ông mà ly dị là tôi giết, con tôi còn có một năm nữa là thi đại học, muốn gì cũng đợi nó thi xong". Và họ thỏa thuận trong thời gian này phải hòa thuận trước mặt con.

Thỏa thuận vậy, nhưng họ vẫn "hớ", vẫn bắt bẻ nhau từng chút một. Nhà cửa lúc nào cũng nặng nề u ám. Con cũng phải đóng kịch, giả bộ không biết, giả bộ điếc. Nhưng một hai ngày chịu được chứ ngày nào cũng vậy thì con ngán về nhà quá"...

Dong kich cho con het lop 12 moi ly hon
Nhiều đứa trẻ chỉ mong cha mẹ ly hôn để ngừng các cuộc cãi cọ, miệt thị nhau. Ảnh minh họa

Tối đó, khi T. ăn cơm, xem ti vi thư giãn với con trai tôi, mặt mũi thoải mái hơn, tôi hỏi: "Sao con lại muốn đến nhà cô ở?". T không ngần ngại: "Vì cô đang ở một mình với em Tũn, con không biết chuyện nhà cô thế nào, nhưng muốn được vui vẻ như em Tũn".

Tôi chưa kịp trả lời, T. lại hỏi: "Cô ơi, bố mẹ con không còn thương nhau từ lâu lắm rồi, nhưng sao họ không chia tay đi. Ngày xưa, cô với chú có như vậy không?".

Làm sao tôi có thể nói cho đứa trẻ 17 hiểu được chuyện rắc rối sâu xa trong đời sống  hôn nhân của mình, cũng không thể buột ra cái câu quen thuộc "vì ba mẹ con thương con" theo tôi là rất vô trách nhiệm mà nhiều người hay nói.

Đứng trước quyết định quan trọng người cha người mẹ nào cũng muốn vì con. Nhưng họ lại quên đứa con ấy có muốn được "vì" không? Như cái mụn bọc, thay vì làm vỡ nó ra rồi chích mủ cho nó se miệng lành sẹo, thì cứ để đó chịu ung nhức. 

Không phải chỉ ba mẹ T. mới sống chung vì con. Rất nhiều cặp đôi bạn bè, đồng nghiệp mà tôi biết, họ cạn thương hết yêu, nhưng cũng bám vào lý do "vì con" để duy trì cuộc sống chung, cuộc hôn nhân thoi thóp.

Có bao nhiêu ông bố bà mẹ đủ dũng cảm “vì mình” và sau đó nói với con: "Ba mẹ nay sẽ không còn ở chung nhà, con ở với ai thì vẫn có đủ ba mẹ thương yêu, chăm sóc con". Và sau đó họ chia tay, đối xử với nhau như những người bạn, hẹn cuối tuần ba/mẹ gặp con, đưa con đi chơi, hay sáng chiều đưa đón con đi học.

Tôi cũng chẳng nói hay được, nhưng rõ ràng bây giờ tôi và con sống ổn hơn xưa, lúc còn chung nhà với chồng cũ rất nhiều. Tôi nghĩ, tôn trọng cảm nhận của những đứa trẻ, đấy mới là "vì con".

Hôm ấy, tôi xin khất T. những câu trả lời. Tôi muốn chính mẹ cháu đón cháu về để mẹ con trò chuyện thẳng thắn, không né tránh...

Và thật may, nay cậu bé T. nay đã ổn hơn rất nhiều. Mẹ cháu, ba cháu cũng ổn hơn rất nhiều. Họ đã nộp hồ sơ ra tòa mùa hè vừa rồi, đang chờ hoàn thiện các thủ tục phân chia tài sản. T. tốt nghiệp 12 với kết quả vừa phải, may mắn đậu trường đại học cậu dự định và thỉnh thoảng sang kèm bài cho con trai tôi...

Phạm Tuyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI