Cảm ơn ông chồng đã bỏ cô ấy

06/03/2017 - 06:30

PNO - Rời nhà chồng, Hằng quay về nhà bác. Bác gái lúc này đang mở quán bánh ướt tại nhà, nói với Hằng: “Đời mày thế là hết! Ở nhà làm bánh với bác”.

Người ta vẫn nói, nụ cười là quà tặng vô giá của Thượng đế và có những quyền năng đặc biệt, có thể thay đổi cả một số phận. Vịnh Thúy Hằng cũng hiểu điều này nhưng đã đằng đẵng nhiều năm cô như bị tước mất nụ cười, chỉ mới tìm thấy lại gần đây...

Cam on ong chong da bo co ay
Vịnh Thúy Hằng

Tuổi thơ bơ vơ 

Nhà Hằng nghèo đến mức mẹ bệnh tim nặng nhưng chẳng mấy khi có sẵn thuốc trong nhà, cũng không dám đi bệnh viện. Hằng biết tự vo gạo nấu cơm khi mới bốn-năm tuổi. Lúc ấy, nghe mẹ dạy mà con bé nhỏ choắt như cái kẹo cứ ngơ ngơ ngác ngác hỏi đi hỏi lại cách đo lóng tay đổ nước sao cho không nhão, không khô, rồi loay hoay đốt rơm rạ để nấu, mặt mũi lấm lem đen nhẻm. Mẹ nói, Hằng cố làm cho được để mai này không còn mẹ, cũng biết nấu cơm không lo bị đói… Rồi Hằng đã có thể tự mình chuẩn bị một mâm cơm đầy đủ món mặn, món canh lúc sáu-bảy tuổi, dù nhà nghèo, hiếm khi có cơ hội được nấu như vậy.

Năm Hằng lên chín, bố quyết định theo người bạn vào Nam, qua Campuchia làm ăn, mong kiếm chút vốn đổi đời. Bố đi được ba tháng thì bệnh mẹ trở nặng. Hằng nằm một bên lo lắng: “Mẹ ơi, mẹ có sao không?”. “Mẹ mệt lắm. Con quạt cho mẹ đi”. Trời tháng 10, rét căm căm. Bé Hằng quạt một lúc, lại nghe mẹ vừa thở dốc, vừa than: “Sao mẹ mệt quá!”. Cô bé buông quạt, chạy lại tủ thuốc của mẹ. Trong tủ có cả 100 lọ thuốc trợ tim, nhưng đều trống rỗng. Bất lực, Hằng chạy sang hàng xóm cầu cứu. Trong đêm mưa rét, bác hàng xóm cõng mẹ Hằng chạy thẳng lên BV Bạch Mai; nhưng đã muộn… Hàng xóm đánh điện báo cho bố Hằng. Bưu điện chuyển tới địa chỉ của bố vào buổi trưa nhưng sáng hôm ấy ông đã lên xe đi Campuchia, chẳng còn ai nhận.

Gần một tháng sau, Hằng lại nhận được tin, bố chết vì sốt rét ác tính. Khi mất, bố cũng không hề biết mình đã để lại hai đứa con gái nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ, bơ vơ giữa đời. Mãi đến giờ Hằng vẫn còn tiếc, giá thời đó có điện thoại thuận tiện như bây giờ, hoặc đơn giản là bức điện đến sớm hơn vài tiếng, chắc chị em Hằng đã không mất luôn bố.

Những ngày sau đó là chặng đường phiêu dạt của chị em Hằng, từ nhà người bác này đến người bác khác. Nhà bác trai ở Hà Nội đón về nuôi nhưng vợ bác lại bắt làm việc nhiều và đối xử rất khắc nghiệt. Nhiều buổi tối, nhà tập thể chật chội, các bác ngồi nói chuyện khuya, hai đứa phải dắt nhau ra gầm cầu ngủ, trân mình chịu đựng gió rét, muỗi mòng. Lao động nặng từ sớm, lại bị ức chế tâm lý nên Hằng bị thấp khớp nặng, phải điều trị ở bệnh viện một thời gian dài.

Rồi hai chị em vào TP.HCM ở với người bác khác. Vợ bác là người tằn tiện, tính toán từng xu. Hằng học hết lớp 9 là bà buộc nghỉ học, đi làm để phụ bác nuôi em. Hằng đi làm công nhân, trở thành trụ cột kinh tế của cả nhà, dù ước mơ học hành bị tan vỡ. Em gái Hằng được học hết trung cấp. Em học càng cao, Hằng càng mừng, miệt mài tăng ca, bất chấp vất vả, miễn là em chịu học.

Vị đắng tình yêu

Ở chỗ làm, Hằng được nhiều đồng nghiệp nam để ý vì hiền lành, ưa nhìn. Nhưng, khi biết hoàn cảnh của Hằng là họ nhanh chóng rút lui. L. là người duy nhất theo đuổi Hằng suốt một thời gian dài. Khi anh hỏi cưới, Hằng nói: “Em không có gì hết: không nhà cửa, không cha mẹ, không tài sản, anh vẫn cưới em à?”. “Anh vẫn muốn cưới em!”. Vì câu khẳng định ấy, Hằng thanh thản về nhà chồng, hy vọng đời mình từ nay sẽ đổi thay. Nhưng, chỉ đến ngày thứ ba, khi Hằng đứng cạnh mẹ chồng trong bếp để học cách nấu nướng cho hợp khẩu vị nhà chồng, chồng Hằng đi ngang, gắt: “Không nấu được thì quay về đi”. Hằng linh cảm sự rạn vỡ đã bắt đầu.

Không chỉ là linh cảm, cưới vợ chưa bao lâu chồng Hằng đã đua đòi ăn chơi theo bè bạn, công khai đi sớm về khuya, kiếm cớ hắt hủi. Con trai ra đời, chồng Hằng quan tâm đến vợ con chỉ vỏn vẹn được hơn năm thì ngựa quen đường cũ. Thời gian này, má chồng phát bệnh ung thư phổi, ba chồng bị tai biến, nằm liệt một chỗ. Trong nhà lại còn có thêm một bé gái 10 tuổi mồ côi mẹ, con của chị chồng, bố đã bỏ đi. Hằng xem cháu như con mình vì nghĩ đến tuổi thơ bất hạnh của mình ngày nào. Hai người già ốm đau và hai đứa trẻ đều một tay Hằng chăm sóc, chồng Hằng không hề để mắt đến.

Trước khi mất một thời gian ngắn, má chồng đã gọi nhân viên ngân hàng đến, chuyển tên sổ tiết kiệm của mình cho con dâu, giao luôn cả chìa khóa phòng riêng, tủ riêng của bà. Trong tủ có 10 cây vàng. Bà dặn, Hằng phải xem bé H. (con của chị chồng) như con ruột, dùng tiền vàng đó mà nuôi ba chồng và con, cháu. Hằng giấu nước mắt, gật đầu cho má yên lòng ra đi. Sau khi má mất, rồi chồng phụ rẫy, Hằng đã giao lại toàn bộ số tiền vàng đó cho các anh em bên chồng trước khi đi khỏi nhà.

Ngày Hằng đi, ba chồng nắm tay Hằng, chảy nước mắt. Con trai ba tuổi nói: “Mẹ cứ đi đi, thỉnh thoảng về chơi với con”. Chồng Hằng đã lột sạch cả ba triệu đồng còn lại trong túi Hằng, trong đó hai triệu là tiền Hằng dành dụm được từ trước khi về nhà chồng và một triệu mẹ chồng cho (bà cho nhiều lần nhưng Hằng chỉ nhận một lần duy nhất). Rời nhà chồng, Hằng quay về nhà bác. Bác gái lúc này đang mở quán bánh ướt tại nhà, nói với Hằng: “Đời mày thế là hết! Ở nhà làm bánh với bác”.

“Con sẽ làm được!”

Hằng phụ bác gái bán bánh ướt một thời gian, nhận ra không thể để đời mình quẩn quanh mãi bên nồi bánh nên nhờ em gái viết thông tin xin việc làm (công nhân, giúp việc nhà…) đăng lên mạng. Tình cờ, nhà văn-họa sĩ Dương Đình Hy đọc được, thấy Hằng cũng ở gần nhà mình (Q.5) nên gọi. Ban đầu, ông định sẽ giúp Hằng vào làm công nhân trong công ty sản xuất nhựa, bao bì của con gái. Nhưng, sau khi nghe chuyện đời Hằng, ông nói, con không thể làm công nhân, phải làm một nghề nào đó khá hơn để sau này còn nuôi con trai. Bố nó tệ thế, không trông cậy được lâu đâu. Ông hỏi: “Con biết vẽ không?”. “Con thích lắm, nhưng không biết”. “Con thử viết cho bác vài dòng chữ xem”.

Hằng viết. Ông Hy nhận xét: “Chữ con đẹp thế này mà. Con ở lại đây phụ bác việc nhà, bác sẽ dạy con vẽ, chắc chắn con sẽ vẽ được”. Hằng ngơ ngác nhìn bác họa sĩ. Trong khi chính người nhà ruồng rẫy cô thì một người mới gặp lần đầu lại tin tưởng và tạo điều kiện cho mình như vậy. Cách ứng xử đó, chưa bao giờ Hằng được nhận. Những ngày đầu tiên bác Hy dạy Hằng vẽ, học trò bác nói nhỏ với nhau: “Nhìn mặt… ngu thế kia, làm sao học vẽ được”. Nhưng, bác họa sĩ vẫn khẳng định: “Con làm được!” bằng thái độ hết sức tin tưởng.

Hằng kể, cô còn nhớ mãi bức tranh của một trong những khách hàng đầu tiên, là nhân viên một ngân hàng quốc tế, đặt vẽ… 100 con chim. Hằng nói: “Trời ơi, 100 con chim, làm sao con vẽ được?”. Bác Hy nói: “Con sẽ làm được. Đây nhé, 100 con chim mỗi con sẽ mang một dáng vẻ, một tâm trạng, đâu phải giống nhau. Con lồng cảm xúc của mình vào là sẽ vẽ được…”. Không muốn làm chị khách hàng và nhất là bác Hy thất vọng, Hằng tỉ mỉ vẽ từng con chim theo cách bác Hy đã hướng dẫn. Vẽ xong đứng dậy hoa cả mắt, xây xẩm mặt mày nhưng Hằng lại thấy lòng vui phơi phới như vừa leo qua một quả núi lớn. Nét cọ của Hằng cứ ngày càng sắc hơn sau từng lần mang cảm giác “leo núi” khó khăn ấy.

Ngoài học từ bác Hy, Hằng còn tự học từ sách vở, internet. Sau những giờ làm việc nhà là Hằng ngồi bên giá vẽ, miệt mài với cuốn sách hoặc máy tính. Hằng kể tôi nghe ngày đầu tiên, bác Hy bảo: “Con ngồi vào máy đi”, cô đã nói ngay: “Không, con đâu biết sử dụng”. “Nếu con không ngồi vào, sẽ không bao giờ con biết sử dụng nó. Một kho tàng tri thức khổng lồ ở trong đó đấy. Bác chỉ con, các chữ gõ thế này, các dấu thế này…”. Sau những bài học căn bản từ bác Hy, một thời gian ngắn sau, Hằng đã có thêm “người thầy” internet.

Giờ thì Vịnh Thúy Hằng đã là quản lý Gallery An Bình. Tranh Hằng vẽ đã tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước, có khách hàng ở Mỹ, Pháp mua mang về trưng bày. Không chỉ vẽ, bác Hy còn dạy Hằng đi xe máy, học Anh văn  để giao tiếp tốt, sử dụng máy tính… Tất cả chỉ với vài hướng dẫn đơn giản cùng câu thần chú: “Con làm đi, con sẽ làm được!”. Và Hằng đã làm được tất cả những gì cần thiết! Rồi cũng tình cờ, một người đàn ông Mỹ, là khách hàng đến phòng tranh, bắt gặp ánh mắt buồn rười rượi của Hằng đã hỏi thăm bác Hy và được nghe câu chuyện của cô. Ông ta không ngăn được nước mắt và buột miệng: “Cảm ơn anh ấy (chồng Hằng) đã bỏ cô ấy”. Người đàn ông ấy nói với họa sĩ Dương Đình Hy, quá khứ của Hằng rất đáng thương, cách Hằng vươn lên thể hiện một nghị lực phi thường. Và, ông ta yêu cô vì những điều đó.

Giờ đây, Hằng đã hay cười lại, đã mở lòng trở lại để đón nhận những ấm áp yêu thương từ người đàn ông của cô.

Võ Thu Hương

Họa sĩ Dương Ðình Hy:

Tôi không bất ngờ khi Hằng thành họa sĩ

Hằng đến An Bình Gallery hơn bảy năm trước, gầy nhom, không có gì ngoài những nỗi đau chất chồng. Tôi giữ Hằng lại, dẫn dắt cô làm bạn với sắc màu chỉ với mong muốn đơn giản là để cô tìm lại niềm vui. Hội họa sẽ giúp Hằng bước qua nỗi buồn. Và không chỉ thế, Hằng đã khẳng định mình khi làm chủ được những đường nét, sắc màu để sáng tạo. Tôi không bất ngờ vì một cô gái thật thà, chịu khó, ham học và đã trải nghiệm quá nhiều đau đớn như Hằng chắc chắn sẽ rất nhạy cảm và sẽ tiến nhanh trong việc sáng tạo.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI