Cai nói

09/01/2019 - 15:00

PNO - Cuộc khảo sát mini tại một quán cà phê, phỏng vấn 100 đàn ông: “Thói xấu nào của vợ mà anh khó chịu nhất?”. 85 ông trả lời ngay: “Nói nhiều”.

Đàn ông không sợ mà ngán đàn bà nói nhiều (nhất là vừa nói nhiều vừa nói to) nên xong việc, các ông hay tạm lánh vào quán nhậu, cà phê, nhà bồ nhí... Chuyện nói nhiều của đàn bà có nguy cơ làm gia đình tan vỡ như chơi.

Vì sao đàn bà nói nhiều? 

Các nhà tâm lý học, ngôn ngữ học đã tính ra: trung bình mỗi ngày đàn bà nói độ 6.000 từ trong khi đàn ông chỉ nói 4.000 từ. Số lượng này có liên quan đến chuyên môn của hai giới. Đàn ông ít nói hơn, vì từ xa xưa, đàn ông đi săn bắn, nên phải im lặng, ngồi núp trong bụi một mình; trong khi đó, đàn bà hái lượm, hay đi cùng nhau, nên nói nhiều hơn. Cho đến hôm nay, đàn ông vẫn khuyên nhau nên lấy vợ nhà giáo, nhà báo, bán hàng… vì “nói hết ngoài đường rồi, về nhà mấy bả thường cạn lời”.

Cai noi
Ảnh minh họa

Phụ nữ cũng biết đàn ông không ưa đàn bà nói nhiều, nhưng lại cho rằng, “không nói nhiều không phải đàn bà” hoặc đổ thừa, “nếu chồng con ngon lành, tui nói nhiều chi cho mệt”. Thật may, cũng có không ít bà có suy nghĩ khác.

Bà Lê Quỳnh Nga, một nhân viên ngành ngân hàng, vẫn còn nhớ, 7 năm trước, thời mới yêu nhau, mỗi lần điện thoại, bà hay bị người yêu trách “sao em kiệm lời thế”. Mỗi lần bà giận hờn, chàng ấy nài nỉ, “anh van em, em hãy nói ra đi”. Còn bây giờ, điệp khúc của ông xã là “biết rồi, nói hoài, điếc cả tai”. 

Mới hôm qua, cậu con trai 4 tuổi, ham coi ti vi, bà bảo con đi ngủ, cậu nhóc cũng buông một câu giống hệt cha - “má nói nhiều quá”. Bà giận, không thèm nói nữa. Nhưng sau một tuần lặng lẽ trong nhà, bà như sáng ra: “Đàn ông cai rượu, thuốc lá, ma túy… sao mình không cai nói?”.

Sài Gòn nói là làm. Bà lên mạng tìm thông tin về vụ nói nhiều, vì muốn cai nói hiệu quả, cần phải có phương pháp. Vô nhà bác “Gu-gồ”, bà tìm thấy nghiên cứu của nhà phụ nữ học người Ấn - Barbara Kidman: cơ cấu tổ chức não bộ của phụ nữ có vùng nhận thức và phát triển ngôn ngữ khoảng 12 tỷ tế bào, hơn nam giới vài tỷ. Ngay từ bé, trẻ gái đã nói nhanh, nói nhiều hơn trẻ trai. Tuy nhiên, theo Barbara Kidman, phụ nữ có khả năng kiềm chế "bản năng gốc" của mình, trong đó có bản năng nói.

Sự tiếp nhận thông tin của phụ nữ cũng nhạy hơn nam giới. Nhiều phụ nữ đang xem phim trên ti vi vẫn có thể trò chuyện với người khác; trong khi đàn ông đang theo dõi thời sự thì chẳng thể nắm bắt thêm thông tin nào khác. Ngay lúc này, nếu vợ nhắc mai nhớ đón con, mua thuốc, đóng tiền điện… thì coi như bà phải nhắc, phải nói, phải càm ràm. Cũng vì thế, nhà tâm lý người Mỹ Deborah Tannen khẳng định: không dưới 90% những “lời rao giảng” ra rả hằng ngày của các bà vợ đối với chồng con là... cũ sì.

Cai noi
Ảnh minh họa

Đa số phụ nữ quán xuyến việc nhà, cơm nước, quét dọn… Bà nào càng ôm đồm, cầu toàn lại càng nói nhiều, chủ yếu là trách chồng làm biếng, con ham chơi. Càng mệt, các bà lại càng nói. 

Chồng thay đổi khi ta thay đổi

Nắm vững lý thuyết, bà Quỳnh Nga lao vào thực hành. Ngày trước, bà chúa ghét ông chồng tha đôi dép đi đường vào "toa-lét". Ủa, mà sao bà coi trọng cái "toa-lét" hơn tình cảm vợ chồng, để ông phải cảm thấy bị coi như con nít - bị nhắc hoài. Chỉ sau vài tuần không than, không vội vã chùi "toa-lét", bà khỏe hẳn. Cũng trong cái "toa-lét", ngày trước, tuýp kem đánh răng cũng là chủ đề nói thường xuyên của bà. Bà muốn  bóp ống kem phải bóp từ phía dưới, vậy mà chồng bóp ngang, ông con thì bóp đầu… khiến lần nào đánh răng bà cũng phải lầm bầm. Bây giờ, bà mua tuýp kem riêng, mặc cha con tự do bóp kiểu gì cũng được. 

Đối với việc nhờ vả chồng, bà chia sẻ: “Ngày xưa tôi bảo ông ấy, ăn xong, anh đi đổ rác nhé. Ông gật đầu, rác vẫn còn nguyên. Tôi  nhắc vài lần, bất lực, phải mang rác đi đổ và kết quả là tôi nói triền miên. Giờ tui đã biết: đàn ông, chuyện gì cũng chỉ thích nghe một lần, thí dụ vợ bảo: “anh thay cái bóng đèn nhé, nó mờ quá”, chồng gật đầu chấp nhận là được, còn thay vào lúc nào, để anh ta tự quyết. 

Hai tháng sau những đổi thay, thật lạ, ông chồng lại theo năn nỉ vợ “em nói chuyện này anh nghe đi”, “em nói lại đi, anh chưa rõ”. Đó, quả nhiên chồng thay đổi khi ta thay đổi. Gặp bạn bè, bà nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cai nói: phải tập nói ngọt ngào, cốt lõi. Trong vai trò “diễn giả” chủ đề cai nói, bà chợt nhận ra, hình như bà nói nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái. Chết thật! bà lại tiếp tục cai nói. 

Trường Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI