Bóng cát đằng

13/03/2014 - 07:25

PNO - PN - Chị giơ chú heo đất to đùng lên khoe: “Chị làm cho anh cái sân bóng chuyền, anh biểu mua con heo đất về, mỗi ngày anh bỏ vào 20.000đ, một năm tiết kiệm chắc cũng khá…”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thoạt nghe, ai nấy đều tưởng chồng chị là người đàn ông khỏe mạnh, siêng năng và tiết kiệm. Nhưng không! Anh đang phải ngồi xe lăn sau một tai nạn. Khi bị nạn, anh mới 30 tuổi, nhà hai đứa con trai, một đứa vừa mổ tim.

Bong cat dang

Chị Đài Trang đang cào gom xác mì khô

Anh và chị làm nghề phơi xác mì. Tinh bột mì sau khi lọc ra thì còn lại xác mì đem phơi khô để bán cho các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc. Hôm đó, mưa vần vũ kéo đến nhưng anh vẫn cố nán đậy cho xong mấy tấm bạt chứa mớ xác mì đã gần khô. Cơn giông to bất chợt đã quật ngã cây trụ điện cũ kỹ bên đường, đè lên người anh khiến anh gãy hai chân. Một phen chạy chữa khiến chị xấc bấc xang bang, nợ nần chồng chất. Cuối cùng, anh phải chấp nhận làm bạn với chiếc xe lăn, không thể tự đi lại được nữa.

Gánh áo cơm, thuốc thang, học hành cho chồng con dồn hết lên vai chị. Một ngày của chị cập rập đến vã mồ hôi mà vẫn chưa hết việc. Sáng 5g dậy nấu cơm ăn sáng, hai con đi học, chồng ngồi nhà, chị lặn lội ra đồng mãi đến 19-20g mới về. Trước khi đi làm, chị phải làm vệ sinh cho chồng vì ngồi nhiều nên lở loét. Dùng nhiều lờn thuốc nên mấy thứ thuốc chống loét thông thường đều không hiệu quả với anh, phải là tuýp thuốc loại 180.000đ “nó” mới chịu! Chừng đó là tiền công chị phơi nắng suốt ba ngày để có một tấn xác mì khô! Còn lỡ gặp ngày nắng ít thì phơi bốn-năm ngày vẫn chưa đủ.

Bong cat dang

Vợ chồng anh chị Đài Trang - Hồng Cẩm

Rồi may nhờ một Mạnh Thường Quân, chân anh được bắt nẹp inox, đã có thể chống nạng đi lại. Anh ngồi xe lăn ít hơn nên vết loét cũng đỡ hơn. Để tạo niềm vui cho chồng, chị mua về mấy két nước ngọt, thêm thùng nước đá và mấy lố ly. Sân phơi xác mì gần nhà rất rộng, hàng ngày có nhiều nhân công đến làm. Phơi nắng nhiều nên họ uống nước cũng lắm. Nước ngọt, nước dừa, trà đá… anh phục vụ theo cách khách hàng “tự chọn”, ai uống gì tự lấy mà uống. Gần đây, chị mượn được khoảnh đất vài trăm mét vuông của nhà hàng xóm còn bỏ trống, làm cái sân bóng chuyền mini. Chị tất tả mua lưới, mua banh. “Tất cả cho cái sân bóng chỉ tốn vài trăm ngàn thôi nhưng ảnh vui là được”, chị nói. Có sân bóng, anh bán nước giải khát đắt hơn, mỗi ngày có thể kiếm được 50.000-60.000đ. Niềm vui như đẩy lùi bệnh tật. Giờ anh tự chống nạng đi nấu cơm, lặt rau giúp chị. “Trong cái rủi có cái may em ạ! Chồng chị bị nạn khi tuổi đời quá trẻ, nhưng vì vậy mà… anh chị được ở bên nhau. Nhìn bao nhiêu đôi vợ chồng trẻ bây giờ... Làm ăn được thì chồng nhậu nhẹt, bồ bịch; vợ bài bạc, nợ nần rồi bỏ con cho nội ngoại, tội nghiệp mấy đứa nhỏ đó biết chừng nào!”, chị nói như tự động viên mình.

Chị tội nghiệp cho những đứa trẻ khác mà quên rằng mình cũng là người đáng tội nghiệp. Người phụ nữ tuổi ngoài 30 ấy giờ không chỉ là vợ, là mẹ mà còn là bóng tùng quân cho chồng con suốt cuộc đời này. Chị là Trần Thị Đài Trang, 36 tuổi. Anh là Phan Hồng Cẩm, 38 tuổi, ngụ ấp Trường Phú, Trường Đông, Hòa Thành, Tây Ninh.

THÙY PHƯƠNG

Từ khóa Bóng cát đằng
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI