Biết ơn vợ

13/07/2015 - 19:45

PNO - PN - Vợ tôi là hội viên phụ nữ, thỉnh thoảng tham gia sinh hoạt phụ nữ với các chị, các dì ở địa phương. Sáng nay cô ấy tham gia chương trình “Ngày phụ nữ với pháp luật”. Về nhà, cầm cuốn Luật Hôn nhân và gia đình trên tay,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trời đất, hóa ra cô ấy vẫn mải lăn tăn cái chuyện mình chỉ là người nội trợ, không làm ra của cải để cùng chồng chăm lo đời sống gia đình. Tôi vừa thương vừa giận vợ, vì nghĩ tôi đâu phải gã chồng hẹp hòi, so bì việc mình giỏi kiếm tiền, còn vợ thì không có khả năng kiếm tiền. Thậm chí, tôi từng an ủi vợ rằng, việc vợ chấp nhận ở nhà coi sóc gia đình là một sự “hy sinh”, là công việc thầm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa.

Tôi luôn nghĩ chồng đi làm kiếm tiền, chu toàn đời sống vật chất; vợ ở nhà chăm lo đời sống tinh thần cho cả gia đình, với điều kiện cả hai phải tìm thấy niềm vui với công việc mình làm, thì đó là điều hết sức tuyệt vời. Tuy nhiên, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Có những người vợ bị chồng “giam lỏng” ở nhà, cảm thấy tù túng, stress. Hay có những ông chồng nai lưng làm việc vất vả, vợ ở nhà thì cờ bạc, gái trai.

Biet on vo

Người đàn ông ra ngoài làm việc, nếu chẳng may bị áp lực, thì còn có bạn bè, đồng nghiệp, quán sá chia sẻ, hoặc về nhà cũng có vợ con chăm sóc. Trong khi đó, nhiều phụ nữ làm công việc nội trợ thường xuyên bị stress, mà ít biết chia sẻ cùng ai, hoặc không chịu chia sẻ vì tủi thân, mặc cảm. Tôi nghĩ, người phụ nữ thông minh sẽ biết cách cân bằng cuộc sống. Dù công việc chính là ở nhà chăm sóc gia đình nhưng tuyệt đối không nên để bản thân stress vì chuyện bếp núc. Nhưng tiếc là không nhiều người biết cách thương thân mình. Ngay như vợ tôi, dù được chồng động viên, ghi nhận nhưng cô ấy vẫn mải tự ti chuyện mình chỉ quẩn quanh với bếp núc, sau hè.

Đời sống vật chất của gia đình tôi trên mức trung bình, chứ có phải eo hẹp gì đâu mà cô ấy cứ lăn tăn mãi chuyện ấy. Thậm chí, tôi cũng từng mở lời “Nếu cảm thấy tù túng, em có thể kiếm việc làm, hay tìm cách ra ngoài nhiều hơn, đừng nghĩ quẫn mà ảnh hưởng sức khỏe, đến chất lượng cuộc sống cả nhà”. Nhìn cách vợ thu vén trong ngoài, chuyên tâm đưa đón, chăm sóc, dạy dỗ con cái, tôi biết cô ấy đã tạo điều kiện hết cỡ cho tôi rồi. Nhiều ông bạn tôi, cứ tới giờ là lật đật đón con.

Biết điều đó là tốt, là nên làm, nhưng riêng tôi, có vợ bao khoản này, tôi thấy nhẹ lòng lắm. Việc đưa đón con thể hiện trách nhiệm của cha mẹ với con cái, nhưng vì công việc, tôi ít khi thể hiện. Với tôi, chẳng ai có thể thay thế vai trò cực kỳ quan trọng ấy, ngoài vợ. Người lo từng miếng ăn giấc ngủ cho chồng con, phát hiện và chia sẻ những biểu hiện vui buồn của từng thành viên trong gia đình, cũng chỉ có thể là cô ấy.

Công bằng mà nói, chẳng có người phụ nữ nào chấp nhận ở nhà để làm nội trợ cả, chẳng qua là vì hoàn cảnh, vì những người thân yêu mà họ đành phải “hy sinh” thôi. Thử thuê người giúp việc để vợ đi làm, liệu có ai sắm tròn vai đầy cảm xúc như vợ? Nên đàn ông phải biết tôn trọng, chia sẻ công việc, tình cảm với vợ những khi có thể, bởi dù không trực tiếp làm ra tiền, nhưng những đóng góp thầm lặng của phụ nữ nội trợ vô cùng ý nghĩa.

Điểm mới của luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định “công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như là lao động có thu nhập” có thể nói là đã gỡ bỏ định kiến của không ít ông chồng từng “mặc định” phụ nữ nội trợ chỉ là... ăn bám chồng, cũng như việc không thừa nhận công sức đóng góp của phụ nữ nội trợ.

Điểm mới của luật cũng mang lại cho những người không trực tiếp làm ra tiền niềm vui, quyền lợi và vị thế mới. Riêng bản thân tôi, chẳng cần luật lên tiếng, từ khi vợ xác định làm “hậu phương” vững chắc cho chồng, tôi đã thầm biết ơn cô ấy rất nhiều!

 LÊ PHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI