Biết điều?

12/10/2014 - 07:25

PNO - PNCN - Chị Hạnh Dung kính mến! Em lấy chồng được bốn năm, có một con trai.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hai vợ chồng em đều đi làm, nhưng kinh tế chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống, khó tính được chuyện dành dụm cho tương lai. Điều em buồn nhất là chúng em cứ phải ở nhà thuê, không biết bao giờ mới có nhà riêng. Chồng em tính tình thiệt thà, lương có bao nhiêu biết bấy nhiêu, không như chồng người ta biết làm thêm này nọ. Ở công ty em có anh trưởng nhóm kinh doanh hiểu hoàn cảnh em, nên cũng giúp đỡ. Em biết anh ấy chỉ vì lòng tốt, nhưng do sắp xếp của anh mà em gặp thuận lợi trong nhóm, nên các đồng nghiệp khác cũng xầm xì. Anh ấy rất giỏi, đã có gia đình, có hai con gái, vợ ảnh là con nhà giàu nên không đi làm, chỉ ở nhà. Em nghĩ anh ấy có đầy đủ tất cả rồi: gia đình, con cái, tiền bạc, chức vụ, chắc không cần gì ở một nhân viên như em. Anh ấy chỉ vì lòng tốt mà tạo điều kiện giúp đỡ em, nên em cũng cần biết điều, phải không chị?

Cũng chưa có gì nghiêm trọng. Nhưng chồng em không hiểu vì sao nghe được chuyện này, và yêu cầu em nói thẳng với anh trưởng nhóm chấm dứt sự ưu ái, nâng đỡ. Em không biết tính sao bây giờ, nếu em chuyển công ty và làm lại tất cả từ đầu, sẽ vô cùng mệt mỏi, mà chắc gì em đã được điều kiện tốt như ở đây…

Trần Thanh Thanh (TP.HCM)

Biet dieu?

Em Thanh Thanh thân mến,

Phụ nữ mình thường nhẹ dạ, nghĩ người ta giúp đỡ mình chỉ do lòng tốt đơn thuần, do “anh thấy em nhỏ xíu anh thương”, nên cây cao bóng cả nghiêng xuống đời em, chở che, nâng đỡ… Thực tế đa phần không phải vậy, nên đồng nghiệp, gia đình nghi ngờ, xầm xì là chuyện dễ hiểu, và mình phải giải quyết rốt ráo nguyên nhân của lời xầm xì đó. Chuyện “không có lửa sao có khói” bề ngoài là chuyện ở công ty, nhưng sâu xa lại là chuyện ở gia đình.

Trước tiên, em cân nhắc kỹ lại: những việc anh trưởng nhóm kinh doanh “tạo điều kiện” giúp đỡ em có bao nhiêu phần là giúp thật, là do anh ta phải cố gắng giúp em; và bao nhiêu phần chẳng qua là chính sách của công ty, anh ta chỉ lợi dụng, vẽ vời kiểu “của người phúc ta” mà thôi? Thứ hai, em coi những lợi ích có được từ việc “giúp” ấy có lớn không? Có thật là sẽ giúp em thực hiện giấc mơ mua nhà riêng không? Có đáng để em gạt bỏ chồng con sang bên cạnh không? Khi tính toán, định lượng được tất cả cái sự “giúp” ấy rồi, Hạnh Dung tin em sẽ có cách trả ơn chừng mực, phù hợp. Đừng cảm tính hóa mọi chuyện, coi bất kỳ thuận lợi nào mình có được cũng là do cái bóng của người ta. Mặt khác, em cũng cần tự mình vươn lên bằng lao động và năng lực của mình, không ai có thể che chắn cho mình mãi.

Em có thể chấm dứt chuyện này bằng nhiều cách mà không cần bỏ việc: em cùng chồng đến gặp anh trưởng nhóm để biếu một món quà nhân dịp gì đó và nói lời cảm ơn; hoặc em có thể chia sẻ một cơ hội may mắn dành riêng nào đó cho một đồng nghiệp để cùng thực hiện và thành công với họ; hoặc từ chối nếu bị đưa vào thế làm việc chỉ có hai người… Đàn ông, ít khi nào cảm thấy “đủ”, và giá trị của một người phụ nữ trong tình trạng này đôi khi chỉ vỏn vẹn là vì “lạ” mà thôi.

Em hãy giữ mình, để giữ gia đình, đó mới là “ngôi nhà riêng” của em. Có thể hôm nay chưa đủ tiền mua nhà, nhưng em đã có một mái ấm gia đình, từ từ mình sẽ biến mong ước thành hiện thực. Đừng vội vàng để đến lúc có được căn nhà bằng vôi gạch thì gia đình - linh hồn của ngôi nhà ấy, đã chết yểu từ lâu.

Hạnh Dung
Hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI