Bị vợ dọa bỏ mà quyết tâm thi đỗ Tiến sĩ

12/11/2015 - 07:57

PNO - Từ một lời nói khích mà Đồng Đắc quyết tâm dùi mài kinh sử, thi đỗ Tiến sĩ để khỏi mang tiếng là học dốt bị vợ bỏ.

Đồng Đắc (?-?) người làng Triền Dương, huyện Chí Linh, xứ Hải Dương (nay là thôn Lý Dương, xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) xuất thân trong gia đình bình dân nhưng được cha mẹ chú ý, chăm lo cho ăn học chu đáo.

Đồng Đắc có người anh tên là Đồng Hãng rất nổi tiếng về tài văn thơ, từ nhỏ được ca ngợi là thần đồng, lớn lên tính khí ngang tàng, học vấn nổi tiếng khắp vùng. Bấy giờ người ta có câu rằng:

Chí Linh Bảng nhãn,

Phi Hãng tắc Quyết.

Nghĩa là, người đất Chí Linh thi đỗ Bảng nhãn nếu không phải là Đồng Hãng thì cũng là Phạm Duy Quyết. Qủa nhiên về sau, Đồng Hãng thi đỗ Hoàng giáp khoa Kỷ Mùi (1559) còn Phạm Duy Quyết thi đỗ đầu đoạt học vị Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất (1562). Bình về sức học của Đồng Hãng với sức học của Phạm Duy Quyết, sách Công dư tiệp ký có đoạn viết: “Xét ra thì tài học của ông còn hơn Phạm Công [Phạm Duy Quyết] xa lắm, vậy mà ông không đỗ khôi nguyên, ngược lại Phạm Công đỗ đầu thiên hạ. Đó âu cũng là câu sấm vậy”.

Đồng Hãng sau khi đỗ, làm quan đến chức Tả thị lang triều Mạc. Trong khi ông đỗ đạt, công thành danh toại thì em ông là Đồng Đắc vẫn lận đận trong học hành, thi cử bởi so với anh sức học kém hơn nhiều.

Bi vo doa bo ma quyet tam thi do Tien si

Ông Tiến sĩ vinh quy (Tranh dân gian)

Thời xưa, mặc dù trong xã hội Nho giáo không coi trọng phụ nữ nhưng không ít người phụ nữ góp phần hỗ trợ quan trọng vào với sự học tập, thành đạt của chồng. Trong học tập, công việc, có những lúc người chồng thất bại, giảm sút ý chí và tinh thần, thì người vợ  ngoài việc chu tất công việc gia đình, phải thật sự thông cảm, khéo léo động viên chồng và tạo mọi điều kiện để người chồng lấy lại niềm tin, thêm nghị lực mà vượt qua sóng gió. Đó là những biểu hiện của sự khôn ngoan, chín chắn, có bản lĩnh và có văn hóa ở người phụ nữ. Ca dao có câu:

Xin chàng kinh sử học hành

Để em cày cấy cửi canh kịp người

Mai sau xiêm áo thảnh thơi

Ơn trời lộc nước đời đời hiển vinh

Có thể thấy không ít nho sinh, học trò đạt được ước mơ khoa bảng, vinh quang với đời cũng là nhờ vào người vợ. Họ sẵn sàng gánh vác những lo toan, cực nhọc, bươn trải nuôi chồng nuôi còn để người đàn ông mình yêu thương có thời gian dành cho học hành.

Em thời canh cửi trong nhà

Nuôi anh đi học chiếm khoa bảng vàng

Trước là vinh hiển tổ đường

Bỏ công đèn sách lưu gương đời đời.

Vợ của Đồng Đắc chính là một người như vậy, không rõ tên họ của bà là gì, chỉ biết rằng bà biết khích lệ chồng cố công học tập, nhưng việc khích lệ này rất đặc biệt. Sách Tục biên Công dư tiệp ký có chép rằng:

“Đông Đắc tài không bằng mà học cũng kém. Vợ Đắc thường ngồi cùng chiếu với vợ ông [Đồng Hãng]. Bố chồng thấy thế, răn vợ Đắc rằng:

- Chồng nó là Tiến sĩ, chồng mày là Tú tài, sao dám ngồi cùng chiếu? Từ nay không được như thế nữa.

Vợ Đắc uất ức về việc đó, nói với chồng:

- Chàng chẳng chịu học để đỗ Tiến sĩ, thiếp không làm vợ chàng nữa.

Đồng Đắc lấy làm hổ thẹn. Một hôm nhân lúc rỗi, Đắc hỏi anh rằng:

- Em đây có thể học để thi được không?

Hãng đáp:

- Kẻ đỗ Tiến sĩ như anh thì hiếm, còn thì cả triều đình này đều như chú. Học ư? có đáng gì mà ngại!

Đắc bèn đi học, chẳng bao lâu nối gót anh thi đỗ, cũng được hiển qúy như anh. Đó là nhờ câu nói khích của vợ vậy”.

Bi vo doa bo ma quyet tam thi do Tien si

Nói chuyện gia đình (Tranh minh họa)

Sách Hải Dương phong vật chí có chép chuyện về anh em Đồng Hãng, Đồng Đắc nhưng chi tiết có những điểm hơi khác như sau:

“Em là Đồng Đắc, tài học kém ông. Một hôm vợ Đồng Đắc ngồi cùng chiếu với vợ Đồng Hãng, bị phu nhân mắng rằng:

- Thím là vợ anh Tú tài, sao lại được ngồi với tôi?

Vợ Đồng Đắc giận lắm về bảo chồng rằng:

- Nếu ông không có chí tiến thủ để đỗ cao thì tôi không thể quét tước, hầu hạ ông được nữa.

Vì thế Đồng Đắc dốc chí vào việc học hành, rồi kế tiếp đăng khoa”.

Theo các sách Đăng khoa lục thì Đồng Đắc đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Thìn (1568) đời vua Mạc Mậu Hợp, sau làm quan đến chức Công khoa Đô cấp sự trung. Vậy là ngẫm nghĩ từ lời vợ nói thấy xấu hổ, lại được anh động viên, khuyến khích nên Đồng Đắc đã tự tin vào sức mình, quyết chí học ngày học đêm để mở mày mở mặt với làng xóm, họ hàng. Kết quả thành công của ông đã không phụ mong đợi, tin tưởng của mọi người, nhất là vợ ông.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI