Bạn có chắc tâm thần mình đang ổn?

12/10/2018 - 12:00

PNO - Hội thảo “Cập nhật kiến thức về trầm cảm trong chăm sóc ban đầu” tổ chức ngày 8/9 vừa qua đưa ra con số giật mình: Việt Nam có từ 36.000 đến 40.000 người tự tử do trầm cảm mỗi năm.

Hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ học sinh lớp Mười trường N. nhảy lầu tự tử vì áp lực học hành. Đầu tháng 10/2018, một người mẹ nghi có vấn đề về sức khỏe tâm thần đã dùng gối đè hai con chết ngạt… Chỉ hơn một tuần sau đó, thêm một cô gái trẻ tự kết liễu cuộc đời chỉ trước ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10/10) một ngày.

1/3 dân Việt rối loạn tâm thần? 

Cô gái ấy chọn cách nhảy từ tầng cao một tòa nhà ở Q.3, TP.HCM để kết thúc cuộc đời mình. Người thân với gia đình cho biết, cô từng phải điều trị bệnh trầm cảm. Cứ ngỡ cô đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nào ngờ… 

Ban co chac tam than minh dang on?
 

Cuộc sống hiện đại với bao nhiêu áp lực đang từng ngày đè nén tâm lý con người. Hội thảo “Cập nhật kiến thức về trầm cảm trong chăm sóc ban đầu” tổ chức ngày 8/9 vừa qua đưa ra con số giật mình: Việt Nam có từ 36.000 đến 40.000 người tự tử do trầm cảm mỗi năm. 

Kết quả nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) thực hiện, công bố vào tháng 2/2018 cũng cho thấy: khoảng 10% dân số Việt Nam mắc các bệnh liên quan tới rối nhiễu tâm trí. Lượng người mắc bệnh trầm cảm, tự kỷ, lo âu có dấu hiệu tăng nhanh. Các trung tâm chăm sóc, cơ sở y tế khắp cả nước hiện đang điều trị cho khoảng 200.000 người tâm thần nặng. Chưa kể, còn rất nhiều người mắc bệnh tâm thần và tâm lý xã hội thể nhẹ chưa được hoặc không muốn tiếp cận các dịch vụ y tế.

Tuy vậy, đó cũng chỉ là con số dựa trên nghiên cứu tại bốn địa phương là TP.HCM, Hà Nội, Điện Biên và An Giang. Một kết quả khác của Viện Sức khỏe tâm thần được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, con số đáng báo động hơn với 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Riêng ở Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, tỷ lệ đến khám và điều trị tăng 10-15% mỗi năm.

Thế nhưng, nhiều bác sĩ chuyên khoa và các chuyên viên tư vấn tâm lý khẳng định đó là con số thống kê chưa đầy đủ, do số người đi khám sức khỏe tâm thần rất thấp. Nhiều người dân chưa hiểu đúng về sức khỏe tâm thần và những dấu hiệu có liên quan đến tâm thần. Do vậy, con số thống kê những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có lẽ chưa đáng ngại bằng những người không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không được chăm sóc, điều trị kịp thời, đúng cách, dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Bạn ổn không? Tôi hình như không ổn!

Không phải bỗng dưng mà Liên đoàn Sức khỏe tâm thần thế giới khởi xướng ngày Sức khỏe tâm thần thế giới vào ngày 10/10 hằng năm. Được tổ chức lần đầu tiên năm 1992, ngày Sức khỏe tâm thần thế giới hướng đến nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề sức khỏe tâm thần; khuyến khích cộng đồng thảo luận cởi mở về các rối loạn tâm thần... 

Khẳng định vấn đề nổi cộm nhất của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện đại là stress và trầm cảm, bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt - cho biết thêm: “Mỗi người luôn có những vấn đề riêng nhưng không ai chịu thừa nhận những trục trặc, bất ổn trong tâm lý của mình và luôn cho rằng mình đang rất ổn. Những áp lực, cảm xúc tiêu cực tích tụ lâu ngày đặt sức khỏe tinh thần vào tình trạng báo động. Không ít người, đến tận lúc đó, vẫn chỉ cho rằng mình có vấn đề về thể lý mà không mảy may nghĩ đến việc kiểm tra sức khỏe tinh thần”. 

Ban co chac tam than minh dang on?
Ảnh minh họa

Các chuyên viên tư vấn tâm lý và bác sĩ chuyên khoa đều có những gợi ý chung, giúp nhận diện những dấu hiệu bất ổn về tâm lý: đau đầu, mất ngủ, buồn chán, dễ khóc, dễ cáu giận, mệt mỏi kéo dài không rõ lý do, tăng nhạy cảm với âm thanh, khó tập trung, phóng đại về năng lực cá nhân... Qua thực tế điều trị bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhiều bác sĩ chuyên khoa đều có chung nhận định, không ít người trong cộng đồng có những hành vi bị liệt vào chứng tâm thần nhưng lại ít được để ý. Có bệnh viện từng điều trị cho bệnh nhân “mắc bệnh” ghiền mua sắm. Ngày nào bệnh nhân này cũng phải mua sắm và nếu không được mua sắm, bệnh nhân sẽ cảm thấy bứt rứt.

Một số cá nhân lại có kiểu tự tin thái quá vào bản thân, hoang tưởng và tự huyễn hoặc về khả năng của mình. Đáng ngại hơn là có những cá nhân, đặc biệt là giới trẻ lại có hành vi tự hủy hoại bản thân. Không chỉ bản thân người có vấn đề về sức khỏe tâm thần không chịu thừa nhận mà ngay cả gia đình cũng muốn giấu những dấu hiệu khác thường của người thân. Điều này chỉ khiến mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn.

Ở nhiều quốc gia tiên tiến, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần là nhu cầu thiết yếu, song hành với việc chăm sóc sức khỏe cơ thể. Những gói khám sức khỏe định kỳ hằng năm luôn bao gồm cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Các bác sĩ chuyên khoa cũng đã nhiều lần khuyến cáo, với sự tiến bộ của y học hiện nay, những vấn đề về trầm cảm, thậm chí bệnh tâm thần hoàn toàn có thể được chữa khỏi. 

Thảo Vân 

NSƯT Hạnh Thúy : Đừng cố tạo vỏ bọc mạnh mẽ

Ở tuổi mới lớn, tôi từng vài lần nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng với suy nghĩ trẻ con ở thời điểm đó, tôi chỉ lo mình chết, ba mẹ sẽ không có tiền lo hậu sự cho mình. Lập gia đình rồi có con, một biến cố khác lại khiến tôi không muốn sống. Trong những năm tháng đó, động lực giúp tôi vượt qua trầm cảm là gia đình. 

Khi đủ mạnh mẽ để vượt qua trầm cảm, tôi trang bị cho mình một quan niệm sống khác. Trong mọi tình huống, khi đã làm hết cách mà vẫn không thể giải quyết được vấn đề, hãy buông bỏ và học cách chấp nhận, đừng lún sâu vào những cảm xúc tiêu cực. 

Từng rất cầu toàn, muốn việc gì cũng phải làm thật tốt nhưng dần dần, tôi nhận ra rằng mình không thể ôm đồm tất cả. Chọn cho mình cách uyển chuyển để thích nghi, tôi có cảm giác nhẹ nhàng hơn và các con cũng sớm biết tự lập, biết chăm sóc bản thân và gia đình. 

Ban co chac tam than minh dang on?
 

Người Việt vốn sống khép kín, ngại chia sẻ. Tôi từng cố tạo cho mình một vỏ bọc mạnh mẽ, dù trong tâm hồn chất ngất những nỗi niềm. Tôi nghĩ mỗi người nên tìm cho mình một kênh chia sẻ. Nếu không đủ niềm tin để chia sẻ với người thân, bạn bè, hãy mạnh dạn tìm đến các chuyên viên tư vấn tâm lý, có thể chỉ cần “gặp” qua điện thoại. Chắc chắn ai cũng sẽ cảm thấy nhẹ lòng phần nào khi nói ra những ẩn ức. 

Đã đi qua nhiều khúc quanh, tôi vẫn đang “luyện” cho mình tránh xa những gì có thể mang lại cho bản thân những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực. Tôi sống chậm hơn, tập hài lòng với cuộc sống hiện tại để gạt bỏ bớt áp lực và vui sống với hạnh phúc mình đang có. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI