Ám ảnh

18/07/2014 - 16:42

PNO - PN - Kính gửi chị Hạnh Dung! Tôi 54 tuổi, có hai con trai.

edf40wrjww2tblPage:Content

Con lớn đã 31 tuổi, lập gia đình, ra riêng; con nhỏ 26 tuổi, còn độc thân, đang sống cùng vợ chồng tôi. Chồng tôi hơn tôi mười tuổi.Trước khi kết hôn, tôi có thú thật với anh ấy là không còn con gái, anh đã chấp nhận cho qua, đồng ý lấy tôi, nhưng sống chung rồi, anh cứ dằn vặt tôi chuyện đó. Anh nói thương tôi nhưng không tin tôi. Mỗi lần vợ chồng mâu thuẫn, anh lại đặt nghi vấn các con chưa chắc là con anh. Tôi đề nghị, nếu anh không tin, cứ làm xét nghiệm ADN là rõ trắng đen, thì anh lảng tránh, bảo có làm rõ ra cũng chẳng giải quyết được gì, thôi cứ để vậy mà sống.

Tôi là giáo viên, giờ giấc rõ ràng, hết giờ ở trường là về nhà lo cho chồng con; không chưng diện, đàn đúm bạn bè, anh cũng thấy rõ, mà vẫn cứ nuôi dưỡng mãi nỗi ngờ vực đó, làm khổ vợ con. Cả đời tôi sống hết lòng với gia đình, bao công sức thu vén để hôm nay có nhà cao cửa rộng, của ăn của để, nhưng vẫn bị chồng ngờ vực oan ức nên rất đau lòng, bức xúc. Mới đây, sau một lần vợ chồng cãi nhau, anh bổn cũ soạn lại, khiến tôi càng thêm ức, muốn anh và các con làm xét nghiệm ngay để rõ ràng mọi thứ một lần cho xong. Theo chị tôi có nên thực hiện việc đó? Nếu muốn làm, tôi phải nói sao với chồng con để mọi người không bị tổn thương? Cả hai con tôi từ nhỏ đã biết ba chúng thường dằn vặt, làm khổ mẹ chuyện này. Chị giúp tôi một lời khuyên.

Hằng (Q.Tân Bình, TP.HCM)

Ám anh

Chị Hằng mến,

Thật tiếc là anh chị đã đi bên nhau đến gần hết cuộc đời trong cảnh anh luôn ngờ vực, kết tội chị. Chắc chắn chị đã phải chịu không ít uất ức, tổn thương vì bị xúc phạm. Mặt khác, khi đã không tin vợ, những yêu thương, chia sẻ, sự quan tâm chăm sóc anh dành cho chị cũng không thể trọn vẹn được. Phần anh, chắc là chẳng vui sướng gì khi sống cả đời trong nỗi ám ảnh ấy, nuôi con hơn ba mươi năm mà… nuôi là nuôi vậy, không dám khẳng định đó có đúng là con mình không. Rơi vào tâm trạng đó, người chồng nào cũng phải nhiều lần cố nuốt tự ái xuống, ép lòng mà sống. Có những điều người ta có thể tha thứ nhưng không thể quên được; có thể “bỏ” nhưng mãi nó không “qua” nổi. Trong tâm lý của không ít đàn ông Á Đông, việc làm chồng nhưng chỉ là kẻ đến sau thường trở thành nỗi ám ảnh khó vượt qua. Thật ra, anh vẫn yêu thương chị, nếu không, chắc anh chị đã không chung sống được với nhau đến giờ. “Kết án” chị nhưng trong thâm tâm anh, chuyện đó cũng chỉ là nghi ngờ và anh không dám nghĩ điều mình đang nói là sự thật; tuy nhiên, lại cũng không dám “làm cho rõ trắng đen”, có lẽ vì sợ sự thật sẽ phũ phàng đúng như mình đã nghĩ, sợ lúc ấy mọi thứ sẽ sụp đổ hoàn toàn. Không muốn mất nhưng cũng không hoàn toàn tin vào những gì mình đang có - mâu thuẫn đó bám chặt vào anh, tạo thành một vết thương mãi không lành miệng, làm vẩn đục mọi yêu thương, gặm mòn hạnh phúc vợ chồng. Phân tích như thế để chị hiểu thêm cho anh mà bớt phần nào oán giận.

Lẽ ra, mọi thứ đã có thể rõ ràng ngay từ đầu, khi anh đem suy nghĩ đó ra dằn vặt chị. Nếu chị là “cây ngay” thì đâu sợ “chết đứng”. Cả anh lẫn chị đều thiếu can đảm trong việc xác định sự thật để chứng minh sự trong sạch của chị, giải tỏa ngờ vực của anh. Hậu quả là hơn 30 năm chung sống, anh chị đã không thể có được hạnh phúc toàn vẹn, đúng nghĩa, không tạo được trọn vẹn lòng tin vào nhau. Giờ vợ chồng đều đã đi đến đoạn cuối cuộc đời, nỗi ngờ vẫn còn nguyên, nếu không một lần làm rõ, chẳng lẽ anh chị muốn đem chuyện đó theo mình đến hết kiếp người? Chị sợ yêu cầu giám định sẽ làm tổn thương các con, nhưng chị có bao giờ thử tự đặt câu hỏi: con chị đang sống thế nào với thực tế là đến cha mình cũng không tin mình có phải con ông ta không? Mẹ mình đã sống thế nào để đến nỗi như vậy? Xác định sự thật không khó, sao không làm sớm? Chị được giải oan, chồng và con chị cũng thoát được những ám ảnh về liên hệ huyết thống, trút được gánh nặng để tâm hồn thanh thản; cả nhà có thể yên lòng gắn bó, yêu thương nhau hơn. Các con chị đã biết chuyện cha mình như thế, chị nên bàn bạc việc thực hiện với các con, chắc chắn các con sẽ ủng hộ chị, vì khi mọi chuyện rõ ràng, ít ra là cha mẹ sẽ nhẹ lòng mà sống bên nhau, không còn dằn vặt làm khổ nhau thêm nữa.

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, ba, Tư, năm, Sáu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI