Ai là mẹ của Mỵ Châu công chúa

16/10/2015 - 06:31

PNO - Truyền thuyết, sách sử nhắc nhiều đến số phận bi thương của Mỵ Châu công chúa, nhưng mẹ nàng là ai, hầu như không có nguồn tư liệu nào nhắc tới.

Mỹ nhân làng Thao Bồi

Ngoài các nguồn thư tịch cổ của Việt Nam, các sách sử của Trung Quốc như Giao Châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký, Thủy kinh sở chú, Nam Việt chí, Giao Chỉ thành chí… tuy có nhắc đến tình sử bi thương Mỵ Châu – Trọng Thủy nhưng đều không có dòng nào viết về người mẹ của nàng công chúa này.

Các tài liệu dã sử, thần phả về thời An Dương Vương cũng không cho biết điều đó, trừ ngọc phả làng Thao Bồi (nay thuộc xã Phương Công, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Theo ngọc phả, đất Thao Bồi xưa vốn được khai hoang lập ấp tại khu đất bồi rộng hơn nghìn mẫu ở bờ biển vùng Trực Định nên được gọi là Thao Bồi lý.

Ai la me cua My Chau cong chua
Mẹ bồng con (Tranh minh họa)

Thuở ấy, ở làng Thao Bồi có người tên là Trần Bính, lấy bà Đào Thị Hoan, hai vợ chồng ăn ở với nhau rất đầm ấm, hạnh phúc, chỉ hiềm một nỗi không sinh được mụn con nào cho đến khi cả hai đã hơn 40 tuổi. Họ bàn nhau đi lễ bái ở các nơi thờ tự linh thiêng, cầu cúng mãi, đến năm 42 tuổi, người vợ nằm mơ nhặt được một cái gương, sau đó mang thai rồi sinh được một cô con gái vào đầu xuân năm Giáp Thìn.

Ngay khi mới lọt lòng, bé gái đã có khuôn mặt đẹp đẽ, nước da phấn mịn; cha mẹ hết lòng yêu chiều, đặt tên là Trần Thị Chân, còn gọi là Châu Nương, hiệu là Thục Nương. Càng lớn, Thục Nương càng yêu kiều nết na, thông minh sắc sảo, nổi tiếng khắp một vùng.

Khi An Dương Vương cùng quần thần đi tuần thú các nơi trong nước, vua xa giá đến làng Thao Bồi, gặp Thục Nương Trần Thị Chân, vua rất yêu mến bèn cho đón về kinh đô Cổ Loa phong làm Đệ nhị Nguyên phi. Vua truyền dân xứ Thao Bồi lập hành cung ven sông cho đệ nhị Nguyên phi ở mỗi khi về thăm quê. Sau này, bà phi ấy đã sinh cho vua một người con gái nổi tiếng trong truyền thuyết và lịch sử, đó là công chúa Mỵ Châu.

Công chúa Mỵ Châu sinh hạ vào năm nào?

Chuyện kể rằng từ khi được tuyển vào cung, Thục Nương Trần Thị Chân được An Dương Vương sủng ái, không lâu sau nàng đã thụ thai khiến nhà vua rất vui mừng.

Mùa hạ, ngày rằm tháng Năm (15-5) năm Tân Dậu, Đệ nhị Nguyên phi Thục Nương Trần Thị Chân sinh một nàng công chúa “mắt phượng mày ngài, mặt tựa tuyết hoa” tại kinh đô Cổ Loa. Vua An Dương Vương sung sướng vô cùng, ông đặt tên cho con gái là Mỵ Châu, đặt hiệu là Trinh Nhất Nương. Đến tuổi học hành, vua cho thầy giỏi vào cung dạy công chúa Mỵ Châu, rèn cặp chu đáo, giúp công chúa công dung ngôn hạnh đầy đủ, văn võ toàn tài, am tường sử sách.

Khi công chúa đã trưởng thành hơn, An Dương Vương giao cho nàng phụ giúp cùng với mẹ cai quản, dạy dỗ 300 thị nữ trong cung. Người ta không chỉ thán phục về sắc đẹp của công chúa mà còn kính trọng đức hạnh của nàng.

Theo truyền tụng ở vùng Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) thì công chúa Mỵ Châu sinh vào đêm mồng 6 rạng ngày mồng 7 tháng giêng. Điều kỳ lạ là ngày này cũng là ngày theo truyền tụng, An Dương Vương làm lễ nhập cung để lên ngôi. Về sau ngày đó được chọn làm ngày mở hội đền Cổ Loa, ngày mà như một câu ca dao đã nói:

Trai thanh gái lịch về xem,

Đền vua, giếng Ngọc người chen rừng người.

Ai la me cua My Chau cong chua
Mỵ Châu công chúa (Tranh minh họa)

Ban ơn, tạo phúc với người dân quê ngoại

Ở tuổi khôn lớn, một năm công chúa Mỵ Châu xin với vua cha được về thăm quê ngoại ở Thao Bồi. Tại đây, công chúa đã bỏ tiền của ra để lập Linh từ chính miếu, lấy đó làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho người dân trong vùng.

Lại thấy, để tiện cho việc quản lý, công chúa đã chia làng Thao Bồi làm hai thôn là thôn Nương và thôn Bối. Công chúa lại xin cho dân Thao Bồi được miễn lính và đóng thuế rồi trở về cung.

Từ đó về sau, nhiều lần nàng cùng mẹ trở lại Thao Bồi góp công đức, tiền của tu sửa chùa chiền, cứu độ người nghèo khổ. Dân Thao Bồi vui mừng đón rước Đệ nhị Nguyên phi Thục Nương và công chúa, ở thôn Bối (còn gọi là Vối), họ còn lập thêm cung thất thứ hai cho công chúa Mỵ Châu ở.

Với những ân đức giúp dân, nên về sau khi nghe tin công chúa Mỵ Châu chết thảm bên bờ biển Mộ Dạ (còn gọi là Mụ Dạ, nay thuộc huyện Diễn Châu, Nghệ An), còn mẹ nàng là Nguyên phi Thục Nương cũng qua đời trong cảnh loạn lạc, lúc cơ đồ nước Âu Lạc đã sụp đổ tan tành; người dân hai thôn Nương và thôn Bối đã lập miếu thờ “Nhị vị mẫu tử” (Hai mẹ con) để ghi ân công đức.

Đời sau, dân chúng cầu cúng đều được linh ứng; triều đình ban sắc phong hai mẹ con làm Thành hoàng làng Thao Bồi để hương khói và lưu truyền mãi mãi.

 Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI