Sài Gòn tạp âm

20/05/2017 - 13:42

PNO - Sài Gòn ồn ào hối hả này, Sài Gòn hỗn tạp này, Sài Gòn thi vị này, là những điều làm nên một Sài Gòn rất Sài Gòn.

Chưa từng có lời hẹn ước nào, cứ như một thứ tình yêu lấp lửng, mà sao lòng vẫn cứ tin rằng sẽ mãi mãi ở lại đây, nơi thành phố này, nơi đã dang vòng tay thật rộng ra chào đón, cho ta nơi nương tựa, dựa dẫm những ngày lưu lạc, bơ vơ.

Sai Gon tap am

Cuộc hẹn mãi mãi của ta và Sài Gòn chẳng ai làm chứng, chẳng gì làm tin, đôi khi bận rộn ngay cả ta cũng quên phức. Ðể rồi một khuya trở trăn nào đó, nằm nghe tiếng guitar dập dìu của cậu sinh viên xa nhà, ở trọ phía đối diện, âm thanh mỏng tang và e dè, gửi nhớ thương về một nơi xa, lọt thỏm giữa muôn vàn tiếng ồn.

Âm thanh ấy, chỉ khi nằm giữa Sài Gòn nghe mới xốn xang. Chỉ có Sài Gòn mới đủ rộng lòng, như một người đàn bà cam chịu, cho người tá túc ở đây, mà gửi cồn cào về nơi khác. Vậy thôi.

Ta yêu Sài Gòn bằng một tình yêu rất lạ, ngổn ngang, lộn xộn. Yêu vì những điều khác lạ chỉ có ở Sài Gòn, đặc biệt của Sài Gòn. Sài Gòn không có gì lạ, sau lưng, trước mặt, bên trái, bên phải bủa vây bởi tiếng còi xe.

Còi inh ỏi vì muốn vượt qua nhau, vì sợ phía trước người đang thong dong bỗng nhiên sang đường, thi thoảng bấm vài tiếng chỉ để cho vui vậy thôi. Ồn ã lắm, vui tai lắm và cũng quen thuộc lắm, đó là tiếng còi xe Sài Gòn.

Sống riết ở Sài Gòn, hôm nào đường vắng yên ả, tự dưng thấy lo lo. Như lo cho một đứa trẻ hiếu động, bỗng dưng ngồi yên, báo hiệu những ngày không khỏe. Nên Sài Gòn có khi nào yên ắng đâu, sáng trưa khuya tối, chẳng lúc nào ngưng tiếng còi xe. Như cho mọi người biết, mình vẫn luôn khỏe khoắn. Tiếng còi xe đôi khi cứ như đang thốc vào lưng, cũng bực dọc lắm, nhưng khi ngồi trên cao, trong những cao ốc kín bưng, lại thấy nhớ.

Sai Gon tap am

Thanh âm của Sài Gòn đâu chỉ có những tiếng thanh tao, mạch lạc gọi tên gọi tiếng được. Nó còn là cả một cái nền âm thanh vĩ đại ở một tần số tuyệt vời đến mức bạn quen và sống với nó hồi nào mà không hay biết.

Hãy lắng nghe, một buổi tối bỗng cúp điện chỉ năm mười phút để nhà đèn đổi cầu dao, cái âm thanh nền đột ngột bị ngắt. Những tiếng e e của các loại máy, các loại điện kêu như tiếng vỗ cánh của một loài ong không còn nữa. Từ đó, bạn nhận rõ hơn những thứ xung quanh không phải bằng hình mà bằng tần số.

Và có cả những thứ bạn không tưởng tượng nó đang ở bên mình, đó là tiếng ho rát cổ của cha ở dưới nhà và tiếng xe lướt đi tuốt luốt ở ngã tư, âm thanh những chiếc dép mệt mỏi trở về của chú công nhân bỗng rõ mồn một. Ðâu đó tiếng thạch sùng chắc lưỡi cũng vọng đến. Tiếng người thì thầm dưới hẻm giờ vẽ nên câu chuyện tò mò, một cuộc tẩu thoát hay một chuyện tình không cùng tôn giáo.

Nhắc đến cúp điện mới nhớ. Người trong xóm trải chiếu trước sân tụ họp ca hát hay nghe kể… chuyện ma mà mắt tròn mắt dẹt, miệng thì há hốc như “con ma đó” đang ở sau lưng mình. Bọn trẻ con say sưa nắm áo nhau chơi trò dung dăng dung dẻ với những bài đồng dao mẹ dạy.

Ðể rồi khi ánh điện bừng lên, già trẻ gái trai vỡ òa reo vang như Việt Nam vừa đoạt chức vô địch… World Cup vậy.

Năm trước, anh bạn người Hàn Quốc ghé ngang Sài Gòn trong một chuyến công tác, đề nghị muốn lang thang bằng xe máy. Ta vòng vèo qua các con đường và ngừng lại trước Nhà hát Thành phố, nơi có dàn nhạc đang phục vụ công chúng cuối tuần.

Sau một lúc ngẩn người với các giai điệu hào hùng đó, anh bạn nói khẽ “anh không ngờ Sài Gòn lãng mạn vậy, cứ ngỡ Sài Gòn sống vội, sống nhanh”. Ta kiêu hãnh trả lời “nét riêng của Sài Gòn đó, phía sau những xô bồ náo nhiệt là những khoảng lặng, âm thanh ấy là nơi cho người Sài Gòn tìm đến để cân bằng”.

Vài tuần sau khi về nước, anh gửi tặng tấm hình chụp giàn nhạc giao hưởng trước Nhà hát Thành phố sáng Chủ nhật ấy và nhắn “nhớ cái ồn ào của Sài Gòn ghê”. Bỗng dưng nghe sống mũi cay cay.

Sài Gòn có rất nhiều điều lạ. Chẳng tìm thấy được ở đâu, bất cứ nơi nào khác. Ta vốn dĩ là đàn bà mê chợ, cứ đến một vùng đất lạ, việc đầu tiên là đi tìm chợ. Ta vẫn tin rằng chợ là nơi thể hiện rõ nét nhất văn hóa của vùng đất ấy.

Thế nên ta mê chợ Sài Gòn. Ta thèm không khí chợ những sớm mai. Dù bây giờ, ngay cạnh nhà, mọc lên cái siêu thị to đùng, trung tâm thương mại thơm phức mùi sang trọng, ta vẫn chờ những ngày cuối tuần, để thong thả mà rong ruổi trong chợ.

Sự chờ đợi đã thành thói quen mất rồi. Chờ đợi để đắm chìm trong không gian đậm chất Sài Gòn đó, thấy mình chậm rãi giữa chợ, tìm kiếm. Nồng nhiệt, mà dịu dàng. Những tiếng rao.

Sai Gon tap am

Sài Gòn chẳng gì là không có. Người ta rao bán áo sơ mi cũ, ba cái giá 10.000đ. Người ta rao bán mớ cá đồng tươi rói mới mang lên từ Long An. Người ta rao bán rổ rau má lá nhỏ xíu được hái từ vườn tận Bình Quới. Xa xa có một đám đông chen chúc, anh bán hàng mồm miệng nhanh nhảu “quẹo lựa, quẹo lựa, khi cần không có khi có không mua, mai tui đi xuất cảnh thì đừng hối hận”, bên dưới nào quần áo, giày dép và cả túi xách, như một cửa hàng thu nhỏ và… lời dọa “mai tui đi xuất cảnh” ngày nào cũng được lặp lại một cách duyên dáng.

Âm thanh chất chồng âm thanh. Ta luôn dừng lại, lắng nghe và mỉm cười. Ngộ quá. Sao chẳng có tiếng rao nào giống tiếng rao nào. Chẳng ai giành giật của ai. Cứ khoan nhặt nhịp nhàng như một bản tình ca bất tận.

Tiếng chào hàng của chị bán thịt sang sảng, hòa cùng tiếng  rao mời không ngớt, tiếng la hét thúc giục người phụ việc nhanh tay hơn. Chị bán cá vừa giới thiệu cá tươi ngon, mắt không rời con cá đang làm dang dở trên tay. Ðâu đó có tiếng ca mùi mẩn vọng lại “em ơi nếu mộng không thành thì sao”, nghe giọng ai đó cất lên “thằng cha bán đĩa này ca mùi ghê ta ơi”. Rồi tiếng rao nghe phát ghiền của anh bán dép “màu đỏ cho em nhỏ, màu xanh cho ông anh, màu hồng cho mẹ chồng, màu tím cho bà thím”. Cứ thế, nhộn nhịp ồn ào liên tu bất tận, không bao giờ ngừng.

Ai đó từng nói, tiếng rao của Sài Gòn như một bản nhạc liên khúc được thu âm sẵn, “gợi” đến khiếp. Với những người xa Sài Gòn, chỉ cần nghe đâu đó “bánh mì nóng giòn đâyyy…” sẽ lập tức chết giấc trong nỗi nhớ chất chồng.

Sau đó, những tiếng rao quen thuộc đặc trưng Sài Gòn sẽ lũ lượt kéo về trong miền nhớ. Nhớ buổi trưa nào đó đang ngủ, sẽ bật dậy chạy ra cửa hỏi cô bán hàng “cô bán gì vậy?”, sau đó cười xòa, vì tiếng rao lạ lẫm quá.

Vì Sài Gòn bao dung quá. Sài Gòn mở rộng tay chào đón tất cả vùng miền. Thi thoảng, cứ ngỡ ta đang ở quê, vì tiếng rao ấy, giọng nói ấy như của cô hàng xóm năm nào. Sẽ rất nhớ chú bánh giò hay cất tiếng rao khi vừa quẹo xe vào đầu hẻm.

Nhớ cô mua ve chai cứ đi ba bước lại cất tiếng rao “ai ve chai không?” dù con hẻm bé tí tẹo. Hay bất chợt thím Tư gào lên “a Lũ, xín sán lì á” (cô giáo đến) lập tức bọn trẻ đang tạt lon, lò cò tập trung ngay ngắn để chuẩn bị giờ học thêm. Nhớ anh “keo diệt chuột” đẹp trai như diễn viên, chiều nào cũng chạy vào ngay giờ coi phim Hàn, mở loa ầm ĩ.

Ta có thói quen mua rất nhiều sách viết về Sài Gòn, nhủ lòng đọc, để xem người Sài Gòn “gốc” và Sài Gòn “lai” yêu Sài Gòn có khác nhau không. Rồi bật cười khi ngộ ra rằng, chẳng đo đếm được tình yêu nào nhiều hay ít, tình yêu nào da diết, nồng nàn hơn. Yêu là yêu, đơn giản vậy thôi.

Sai Gon tap am

Với người lớn lên tại Sài Gòn và người chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai, đều có chung một tình yêu với Sài Gòn. Có lần nào đó khi cảm thấy bế tắc, chán chường, ta đi tìm một nơi yên tĩnh để trốn chạy khỏi Sài Gòn. Ðêm đầu tiên ở bãi biển nhiều gió đó, ta không ngủ được. Thấy thiếu. Thấy vắng. Xốn xang như ai đó tước đi của mình hơi thở. Mở cửa sổ ra, chỉ gió và sóng biển. Cô đơn và lạc lõng. Ta biết mình nhớ Sài Gòn.

Như yêu vậy, sống với Sài Gòn phải luôn lắng nghe. Như tri âm vậy, đi với Sài Gòn phải luôn thấu hiểu. Sài Gòn ồn ào hối hả này, Sài Gòn hỗn tạp này, Sài Gòn thi vị này, là những điều làm nên một Sài Gòn rất Sài Gòn. Cũng lạ lùng lắm, chẳng có gì cả, mà lại nhớ, nhớ cả những lúc chưa chia xa. Ðể khi đi đâu xa, chỉ cần nhắm mắt lại là hình dung như in những tất bật ồn ã của Sài Gòn.

Sài Gòn, một khúc tình ca.

Ðoàn Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội

    Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội 

    12-03-2024 06:21

    Lễ hội kén rể được người dân thôn Đường Yên, xã Xuân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa.

  • Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    10-03-2024 06:16

    Vất vả, thường xuyên tiếp xúc với bụi, hóa chất song nhiều phụ nữ ở xã Quỳnh Hưng vẫn chọn làm thợ chà nhám đồ mộc vì chủ động được thời gian.