Sài Gòn ơi, cần thêm ít nhiều bao dung

12/09/2017 - 08:59

PNO - Sài Gòn thay đổi nhiều cũng là một tất yếu trong quá trình phát triển. Chỉ có điều, Sài Gòn giờ hơi bề bộn.

Đường sách TP.HCM hoạt động từ tháng 1/2016, đến nay đã trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa quen thuộc của người dân. Những ngày giữa tháng 8 vừa qua, đường sách bỗng dưng…. vắng hoe vì Phó chủ tịch UBND Q.1 yêu cầu hai bãi giữ xe ở hai đầu đường Nguyễn Văn Bình dừng hoạt động.

Sai Gon oi, can them it nhieu bao dung
Đường sách TP.HCM

Đường sách lèo tèo vài khách du lịch nước ngoài, những người chỉ tham quan chứ không có nhu cầu mua sách tiếng Việt. Trước mặt đường sách là nhà thờ Đức Bà đang được trùng tu và tất nhiên, không thể tránh khỏi việc gây mất thẩm mỹ cho khu vực đẹp nhất nhì thành phố này.

Vừa hay, sáng 22/8, UBND Q.1 đã tạm thời đưa điểm giữ xe số 47 đường Lê Duẩn vào phục vụ khách đến đường sách. Dù chỉ là tạm thời những cũng là một giải pháp vừa kịp lúc để đường sách bớt vắng vì sự bất tiện.

Nhích thêm vài đoạn nữa là đến đường Phạm Ngọc Thạch. Đường này có con hẻm nổi tiếng - hẻm Trịnh (số 47), được gọi như vậy vì nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nằm trong hẻm. Đầu hẻm có quán cà phê nhỏ - cà phê cóc của chú Hoành, mà chúng tôi, bọn trẻ ranh như chú hay gọi, đặt “nick name” cho chú là Hoành lão chủ. 

Sai Gon oi, can them it nhieu bao dung
Hẻm Trịnh.

Hẻm nhỏ, yên ắng. Chỉ khoảng chục căn nhà, chủ nhà đều là người trí thức. Có thời gian, ngày nào tôi cũng ghé lại đây, có hôm còn ghé đến 2 lần. Chỉ là ngồi tán dóc với bạn bè, nhiều lúc ngồi một mình ngắm xe cộ qua lại trên đường… 

Quán của Hoành lão chủ giờ đã khác. Cây xoài tán rộng bên phải hẻm bị mục, buộc phải đốn bỏ. Cây me tây bên trái hẻm bị bức tử để nhường chỗ cho một tòa cao ốc. Cuộc giải phóng vỉa hè ấy dường như cũng làm Hoành lão chủ già thêm nhiều. Hẻm không còn bóng râm của cây cối, mà phải nương nhờ cái bóng một cây dù nhỏ. Giờ ngồi đây, còn thấy đường Phạm Ngọc Thạch cũng chẳng mấy thanh thản như xưa vì xe đông, khói bụi mù mịt. 

Đường nhỏ mà xe hơi đi hai chiều, xe máy tranh thủ leo vỉa hè. Biết sao được, cái gì rồi cũng phải đến lúc thay đổi. Đám nít ranh chúng tôi cũng già đi, tản mát theo dòng đời. Tôi không còn là cô sinh viên năm nhất thất tình ngồi khóc hu hu, cố giấu nước mắt trong bóng râm của cây xoài, giữa cái nắng trưa Sài Gòn oi ả.

Sai Gon oi, can them it nhieu bao dung
Công viên bên nhà thờ Đức Bà.

Sài Gòn thay đổi nhiều cũng là một tất yếu trong quá trình phát triển. Chỉ có điều, Sài Gòn giờ hơi bề bộn. Chỉ còn có thể ngắm nhà thờ Đức Bà qua những tấm ngăn có hình chụp sẵn. Đã chẳng còn thấy chút bình an nào khi nhìn từ hồ con rùa. Mà cũng phải thôi, dọn nhà thì làm sao tránh khỏi những bừa bộn, phải mất nhiều nỗ lực mới ngăn nắp, đẹp đẽ hơn xưa. 

Tôi gửi anh bức ảnh một vòm cây nhìn từ cà phê hẻm Trịnh. Anh hỏi ở đâu? Tôi như nghẹn lại. 18 tuổi, lần đầu tiên anh chở tôi đi qua con đường Phạm Ngọc Thạch rồi đến Nguyễn Du. Anh nói, con đường rợp me này là một trong những con đường đẹp nhất Sài Gòn. Tôi lần đầu lên Sài Gòn, nên chẳng thể quên. Tôi thấy mình yêu Sài Gòn quá đỗi khi bình yên sau lưng anh, yêu Sài Gòn như yêu mối tình đầu của mình. 

Mới đó đã mười mấy năm. Tôi không còn là cô gái 18 tuổi khóc lóc chạy tìm hình bóng tình yêu khắp Sài Gòn, mà đã là mẹ của 2 cậu con trai. Tôi vẫn đi ngang con đường bình yên ấy, chỉ là không đi cùng anh. Sài Gòn vẫn vậy, có lẽ vì tình yêu Sài Gòn trong tôi vẫn vậy. Nhưng, tình yêu ấy, giờ đang cần thêm ít nhiều bao dung…

Vừa hay, Sài Gòn lại mưa rào. Tôi vừa đi qua con đường rợp bóng me xanh. Dù không có anh, vẫn thấy lòng bình yên vì tình yêu đó như đang lẩn khuất trong những tán cây. Sài Gòn ơi…

Kim Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI