Một người Sài Gòn bình thường

18/05/2018 - 09:21

PNO - Nếu bạn mới quen anh, mà bản tính xuề xòa, thì có thể thấy anh hơi kiểu cách. Nhưng khi dần quen đi, lại thấy có gì đó hay hay, hoặc như tôi thì thấy đó chính là phong cách rất riêng của anh.

Anh lớn hơn tôi tròn một con giáp, ngày xưa từng học “trường Tây”. Sau chiến tranh, dù cuộc sống nhiều thăng trầm, anh vẫn ở lại đất nước. Điểm đặc biệt khiến bạn bè nể trọng anh là phong thái hòa nhã, điềm tĩnh bên ngoài và một nội tâm lành mạnh, một quan điểm sống không thay đổi vì thời cuộc.

Thuở các quán cà phê chưa phải là điểm hẹn thường xuyên của cư dân phố thị này, bạn bè vẫn thường đến chơi tại nhà nhau. Và khi chúng tôi, nghĩa là bất kỳ ai trong nhóm bạn, đến thăm nhà anh, dù đi một mình hay vài người, đều phải ngồi phòng khách, đợi anh ăn mặc chỉn chu, áo bỏ trong quần rồi mới ra tiếp, kể cả bạn thân đến mấy.

Mot nguoi Sai Gon binh thuong
 

Nói chung, nếu bạn mới quen anh, mà bản tính xuề xòa, thì có thể thấy anh hơi kiểu cách. Nhưng khi dần quen đi, lại thấy có gì đó hay hay, hoặc như tôi thì thấy đó chính là phong cách rất riêng của anh. Nếu không như vậy, thì không còn là anh nữa.

Thú thực, cách sống hay hay của anh, trong một xã hội nhiều biến động như bây giờ, cũng gây cho anh ít nhiều phiền toái. Ví dụ chuyện đi dự đám cưới. Bất kỳ ai sống ở Sài Gòn đều biết, các tiệc cưới thường đãi khách vào buổi chiều tối, còn buổi sáng là lễ vu quy - tân hôn trong phạm vi gia đình. Thời gian tiệc cưới trên thiệp mời thường ghi từ 17g30 hoặc 18g30.

Nhưng ghi vậy thôi, ai cũng biết, thường phải qua 20g, tiệc cưới mới chính thức diễn ra, bàn tiệc mới có đủ khách và sau đó khách mời mới bắt đầu nhập tiệc. Chính vì biết vậy, rất ít ai đi đám cưới đúng giờ ghi trên thiệp, trừ… bạn tôi. 

Một lần, đi đám cưới cùng anh, vì chiều ý anh, chúng tôi đến đúng giờ như thiệp mời. Chắc bạn đã đoán được, khi chúng tôi đến, cả phòng tiệc mênh mông chỉ có chúng tôi với một ít người nhà hai họ. Chúng tôi đã phải ngồi chờ hơn hai giờ. Dù vậy, anh vẫn không tỏ ra bực mình, trong khi tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm, chẳng biết làm gì cho hết khoảng thời gian chết ấy.

Chúng tôi từng có dịp đi công tác chung với nhau, có khi ở cùng nhau trong một phòng lớn của khách sạn. Trước khi ngủ, anh luôn kiểm tra vòi nước, tắt đèn phòng vệ sinh và trước khi trả phòng, bao giờ anh cũng xếp chăn gối, drap giường, các vật dụng khác thẳng thớm như khi vừa nhận phòng.

Nhưng ấn tượng nhất với tôi là cách anh hành xử - không mảy may bị tác động từ bên ngoài. Thuở chúng tôi cùng tham gia dịch các bài viết về văn chương trên các báo - cái thời chưa có internet, vẫn gửi thư, bài... qua bưu điện.

Bạn biết rồi đấy, các nhân viên bưu điện 30 năm trước, mặt lúc nào cũng quạu đeo. Nhưng anh không quan tâm đến thái độ lẫn cách hành xử của họ. Anh vẫn luôn nhã nhặn cảm ơn họ, dù họ có rề rà ra sao, thậm chí họ không buồn nhìn lại khi nghe anh cảm ơn.

Một lần, gặp ánh nhìn như hỏi của tôi, anh từ tốn nói: “Hành vi xuất phát từ chính cốt cách chúng ta, không phải từ đối tượng”. Tôi đã học ở anh bài học ấy, để sau này dạy lại con mình. 

Nguyễn Đình Bổn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội

    Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội 

    12-03-2024 06:21

    Lễ hội kén rể được người dân thôn Đường Yên, xã Xuân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa.

  • Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    10-03-2024 06:16

    Vất vả, thường xuyên tiếp xúc với bụi, hóa chất song nhiều phụ nữ ở xã Quỳnh Hưng vẫn chọn làm thợ chà nhám đồ mộc vì chủ động được thời gian.