Lời tự tình của sắt

01/09/2019 - 07:21

PNO - Dù đã non thế kỷ tồn tại, những song sắt ấy vẫn đẹp đến ngỡ ngàng bên phố xá hôm nay.

Những dải hoa lá mềm mại đầy chất Tây phương theo phong cách Baroque, Tân cổ điển, Phục Hưng… đến chữ Thọ, Phước, rồi liên tiền, liên châu, bảo châu, sang chữ Vạn, văn thừng, vân mây, cho tới thủy ba cuộn xoáy… đậm chất Á Đông, đều được làm từ sắt uốn mỹ nghệ. Dù đã non thế kỷ tồn tại, những song sắt ấy vẫn đẹp đến ngỡ ngàng bên phố xá hôm nay. 

Loi tu tinh cua sat
Vẻ đẹp toàn bích của hoa sắt nở trên vòm cổng 140A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM

Cái thú lang thang Sài Gòn, nhất là sau những chuyến đi xa, khi về lại với khói bụi, kẹt xe thì hiện tại, khi loanh quanh vô định, khi có chủ ý bao giờ cũng mang lại nhiều thú vị hơn hẳn ngày thường.  

Chẳng biết vô tình hay hữu ý, những lần hòa trong nhịp… kẹt xe, những phi vụ cắm đầu vào hẻm lạ, lại là cơ hội ngàn vàng để tôi phát hiện ra Sài Gòn đang lưu giữ một báu vật đặc biệt, ấy chính là những hoa sắt nơi cổng chính, tường rào của những căn biệt thự Tây đã trăm năm tồn tại. 

Cái được chăm chút, sơn phết ngon lành cành đào, cái bị bỏ bê theo thời gian, gỉ sét, hoen ố đến xập xệ… 

Nhưng có điểm chung, ấy là đẹp, một cái đẹp kỳ lạ, không xa hoa, không ngăn cách kín cổng cao tường như đại gia - trọc phú, mà có gì đó gần gũi, thân quen và không kém phần kiêu sa, đài các. 

Loi tu tinh cua sat
Vòm cổng với phong cách Tân nghệ thuật (Art Nouveau) gồm nhiều chi tiết cách điệu từ hoa lá thiên nhiên

Nói tới chuyện hoa sắt trang trí ở Sài Gòn xưa, phải nhắc đến chế độ thực dân. Kể từ thuở xa xôi tận năm 1862, khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, rồi “ăn” nốt ba tỉnh miền Tây năm 1867, nhà Nguyễn khi ấy phải nhượng rẻo đất Nam Kỳ lục tỉnh cho Pháp, biến nơi đây thành thuộc địa. Hai “kỳ” còn lại là Bắc và Trung thành xứ bảo hộ.

Chục năm sau (1877), thành phố Sài Gòn ra đời, tiếp theo là thành phố Chợ Lớn (1879). Các công trình kiến trúc kiểu thuộc địa do Pháp xây dựng tại hai đô thành này cũng theo đó mọc lên, dựa trên các quy hoạch của Paul Florent Lucien Coffyn theo mô hình châu Âu, nhằm phục vụ mục đích khai thác thuộc địa. 

Dinh Thống đốc Nam kỳ, dinh Toàn quyền, tòa Giám mục, tòa Đại hình, Thảo Cầm Viên, bảo tàng… cho đến các biệt thự, tư dinh của quan lại, quý tộc lần lượt ra đời suốt thời kỳ Pháp chiếm đóng, định hình phong cách xây dựng, trang trí đặc biệt, kết hợp các trào lưu đang nở rộ ở Tây Âu như Baroque, Gothic, Tân cổ điển… hòa với yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa, tập quán bản địa, khai sinh ra “kiến trúc thuộc địa”, cũng có tên khác là kiến trúc “Đông Dương cách tân”. 

Và những trang trí hoa sắt chính là chi tiết - dù nhỏ - trên các công trình kiến trúc thuộc địa ở Sài Gòn, nhưng đủ góp phần tạo nên vẻ đẹp cho diện mạo đô thị từng một thời vàng son, lộng lẫy. 

Loi tu tinh cua sat
Hoa sắt trên cổng chính Tòa Đại hình Sài Gòn (năm 1885), nay là Tòa án Nhân dân TP.HCM

Rất nhiều tường rào hoa sắt cổ xưa may mắn còn lưu lại, giúp nhận ra đằng sau vẻ đẹp trang trí, mỹ thuật, chính là câu chuyện mang ý nghĩa gắn bó với công trình. Thảo Cầm Viên Sài Gòn, với chiếc cổng bề thế mang biểu tượng TCV lồng ghép nhau, thật bất ngờ khi biết vẻ đẹp tân thời ấy đã hiện hữu từ ngày 17/2/1865. 

Một cổng sắt với vô số chi tiết trang trí đẹp miên man khác, cũng mang kiểu thức ký tự lồng ghép, với đồ án HBH (Hui Bon Hoa), chính là tư dinh của Chú Hỏa - nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. 

Ở Sài Gòn, những công trình sử dụng đồ án tên viết tắt trong trang trí cổng sắt còn lại rất hạn hữu, nhưng cũng đủ minh chứng một thời trào lưu chế tác sắt uốn đỉnh cao du nhập vào Việt Nam, được phát triển ngang tầm, không thua gì nguyên bản từ những phong cách trang trí ở thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nơi trời Tây. 

Sự mềm mại của kỹ thuật sắt uốn khi đến đất Sài Gòn, dần phát triển, lan rộng cả Đông Dương, mang tinh thần chung, biểu đạt sự thanh thoát, tự nhiên, tươi vui, theo cảm hứng cách điệu của trường phái Tân nghệ thuật (Art Nouveau) và Art Décor. 

Loi tu tinh cua sat
Những đường cong mềm mại, hài hòa của sắt mỹ nghệ cùng không gian kiến trúc ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Những tường rào hoa sắt, giản đơn như dinh Gia Long (Bảo tàng TP.HCM) đường Lý Tự Trọng hoàn thiện từ năm 1890, với lối sử dụng đồ án hoa thị đậm nét bản địa, theo thiết kế của kiến trúc sư Alfred Foulhoux; hay tường rào Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - đường Võ Văn Tần. Một công trình mang hoa sắt trang trí duyên dáng khác có từ năm 1877 là Trường Lê Quý Đôn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. 

Tinh thần, kỹ thuật, kể cả vật liệu sắt được du nhập vào Việt Nam, phần ít giữ nguyên lối chế tác theo nguyên mẫu các đồ án từ Tây Âu, còn lại đa phần được bản địa hóa, sử dụng các ký tự hàm ý tốt lành như chữ Thọ (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Lăng Ông), chữ Phước, chữ Vạn theo lối triện. 

Ngay cả những hoa lá cách điệu đậm nét Tây, khi vào đến Việt Nam cũng được bản địa hóa, đậm phong cách Á Đông, không thể nhầm lẫn như công trình cổng vào ở 60 Võ Văn Tần. 

Loi tu tinh cua sat
Mềm mại, thanh thoát của sắt uốn mỹ nghệ qua hình ảnh hoa lá trên tường rào nhà Chú Hỏa - Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Trong nhiều công trình sắt mỹ nghệ thời thuộc địa còn lưu lại, một trong số vòm cổng gây mê mẩn nhất là ở 140A Nam Kỳ Khởi Nghĩa. 

Lẩn khuất trong con hẻm nhỏ đối diện Dinh Độc Lập, chiếc vòm cổng sơn xanh, nhỏ xíu so với bề thế cổng rào khác, nhưng hội tụ đủ Tây - ta, cùng kỹ thuật chế tác với tán, đột, khoan, cắt, dập đến uốn nét, đúc khuôn để tạo ra một cổng vòm hoàn chỉnh, đẹp mỹ mãn. 

Nhìn trong cổng vòm ấy có lá cây ô rô rặt kiểu Tây, cùng những dợn mây, sóng nước, bảo châu bố cục đối xứng, nổi trôi trên sóng là đồ án liên châu ở vị trí trung tâm, gồm những vòng tròn nhỏ to liên hoàn, tôn lên tâm điểm của vòm cổng là viên ngọc châu tròn to như nắm tay. 

Hẳn khi chế tác cổng vòm này, ngoài kỹ thuật tuyệt đỉnh về sắt mỹ nghệ, những nghệ nhân xưa đã gửi gắm không ít hàm ý tốt lành đến gia chủ, chỉ thông qua những đường nét trang trí sắt uốn.

Qua thời gian, nhiều chi tiết trang trí sắt uốn bị hao mòn, bị bỏ quên, bị làm ngơ. 

Trong kiến trúc, trang trí, vật liệu và kỹ thuật sắt uốn nay không khó áp dụng, nhưng thật hiếm lặp lại vẻ đẹp tương tự như sắt uốn mỹ nghệ của Sài Gòn xưa cách đây hơn thế kỷ, thay vào đó là kín cổng cao tường, kể có là sắt thì cũng hoa văn rối rắm, chi chít phô trương. 

Chỉ có những cổng rào xưa cũ, vẫn còn đó, thì thầm một ngôn ngữ rất riêng, và nếu chúng có linh hồn, hẳn cũng thầm mong sẽ có ngày khách qua đường dừng lại chiêm ngưỡng, nghe sắt tự tình, để nhận ra đằng sau vẻ đẹp một thời ấy, là chuyện dài về người, về nghề, về quá khứ vàng son của sắt uốn mỹ nghệ trong mỹ thuật kiến trúc Đông Dương. 

Khải An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội

    Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội 

    12-03-2024 06:21

    Lễ hội kén rể được người dân thôn Đường Yên, xã Xuân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa.

  • Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    10-03-2024 06:16

    Vất vả, thường xuyên tiếp xúc với bụi, hóa chất song nhiều phụ nữ ở xã Quỳnh Hưng vẫn chọn làm thợ chà nhám đồ mộc vì chủ động được thời gian.