Có một Sài Gòn với những cuộc mưu sinh

05/06/2017 - 11:52

PNO - Những người bán hàng rong, những cuộc đời được gọi tên bằng hàng hóa: ông bán áo mưa, bà bán ổi, chị bánh mì, thằng bé vé số… bỗng một ngày xuất hiện rạng ngời, đẹp đẽ trong những bức ảnh.

Những người bán hàng rong, những cuộc đời được gọi tên bằng hàng hóa: ông bán áo mưa, bà bán ổi, chị bánh mì, thằng bé vé số… bỗng một ngày xuất hiện rạng ngời, đẹp đẽ trong những bức ảnh.

Co mot Sai Gon voi nhung cuoc muu sinh
Cha con Lê Văn Đực trên chiếc ghe cũ rách vẫn đầm ấm tình yêu thương - Ảnh: TrầnThế Phong

Dù được triển lãm, làm sách ảnh hay chỉ đăng trên diễn đàn, những bức ảnh dung dị ấy vẫn đầy cảm hứng, lan tỏa tinh thần lạc quan, mang đến cho người xem một góc nhìn khác của những phận đời nghèo, được kể bằng nghệ thuật ánh sáng từ đường phố.

Người từng xuất hiện trong phóng sự ảnh xúc động của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong năm 2016, sẽ trở lại với tác phẩm sách - triển lãm ảnh chủ đề Mưu sinh của anh lần này: Lê Văn Đực.

Co mot Sai Gon voi nhung cuoc muu sinh

Trở về với cuộc sống đời thường khi chân trái đã gửi lại chiến trường Tây Nam, ông Lê Văn Đực (quê Bến Tre, nay đã 62 tuổi) sống trôi dạt trên chiếc ghe cũ rách nát. Mấy mươi năm, ông kiếm sống bằng việc bán áo mưa, vé số. Rồi đời lênh đênh neo lại dưới chân cầu Rạch Đàn (Q.7, TP.HCM) khi gặp được người cùng cảnh ngộ chia ngọt sẻ bùi. 

Co mot Sai Gon voi nhung cuoc muu sinh

“Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ông Đực và con gái 10 tuổi cùng chơi, cùng ăn bên ngọn đèn dầu leo lét dưới ghe. Tôi cũng từng lớn lên từ mưu sinh vỉa hè nên thấm thía nỗi nhọc nhằn của người nghèo. Mà thật kỳ lạ, cuộc sống dẫu có khó khăn cơ hàn thế nào người nghèo vẫn cứ lạc quan, tích cực. Nụ cười của họ lúc nào cũng đẹp, cũng sáng bừng” - nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong xúc động nói.

Những bức ảnh anh chụp cha con ông Đực có thể khiến người xem mỉm cười mà rơi nước mắt. Khoảnh khắc của người cha thương binh bên cô con gái nhỏ được khắc họa trắng đen trên nền của bối cảnh nghèo đủ làm day dứt lòng người.

Co mot Sai Gon voi nhung cuoc muu sinh

Trong hành trình đi tìm vẻ đẹp cuộc sống từ những phận đời, Trần Thế Phong đã mang vào tác phẩm những hình ảnh rất quen thuộc - quen đến mức nếu vô tình nhìn thấy ngoài phố, người ta cũng sẽ ít để tâm: người phụ nữ gò lưng đẩy xe lên dốc cầu, cong người trên chiếc xe đạp đầy hàng hóa; những người già bưng rổ trái cây hay gánh rong bán dạo trong những con hẻm nhỏ…

Sự cô đơn, yên lặng của đời người được chụp từ tầm cao, với góc nhìn toàn cảnh làm nổi rõ những hình hài mưu sinh, nhẫn nại - giản dị, chân thực mà rung động.

Co mot Sai Gon voi nhung cuoc muu sinh

Như câu chuyện của chàng trai khiếm thị bán đồ lưu niệm ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Nhiều người đi ngang, chạnh lòng mua giùm anh những món đồ - tự chọn và tự trả tiền. Cuộc mua bán diễn ra trong bóng tối của chàng trai, nhưng dưới ánh sáng của niềm tin và nhân ái.

Hình ảnh chàng trai dù nắng dù mưa vẫn ngồi lặng lẽ ở góc đường ấy một ngày được ghi lại trong những bức ảnh, khi Trần Thế Phong đi qua. “Tôi mang chính trải nghiệm của đời mình để đến với những phận người, để người nghèo luôn cảm thấy được chia sẻ. Những vất vả của họ, chỉ người từng trải qua mới thấm thía hết” - Trần Thế Phong tâm sự. 

Bối cảnh của 108 bức ảnh (chụp từ năm 2008 đến nay, sẽ góp mặt trong triển lãm Mưu sinh, khai mạc ngày 9/6 tại Nhà triển lãm 92 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM) trải đều khắp các vùng miền, nhưng nhiều nhất là TP.HCM và Hà Nội.

Co mot Sai Gon voi nhung cuoc muu sinh

“Có nhiều bức ảnh tôi chụp tình cờ, nhưng cũng có những nhân vật tôi đến trò chuyện, mua hàng quà. Chụp ảnh đường phố không dễ. Người ta cứ sợ mình chụp hình đăng báo, rồi lại bị đuổi, bị dọn vỉa hè. Nhưng khi xóa tan được nghi ngờ của những người bán hàng rong thì họ hồn hậu, hiền lành lắm” - Trần Thế Phong bộc bạch.

Những góc nhỏ của Sài Gòn, sau cái mác “phồn hoa”, dù rong ruổi bao nhiêu có lẽ cũng không thể nào hiểu hết.

Trên Viet Nam Street Photoraphy - diễn đàn của những người yêu nhiếp ảnh đường phố - có rất nhiều bức ảnh thú vị của những tay máy không chuyên. Từ hình ảnh hài hước, lạc quan của người Sài Gòn khi đường phố thành sông đến những kiểu trốn nóng “độc nhất vô nhị” của cư dân thành phố; là kiểu “hóng chuyện” rất buồn cười của người và chó trên hành lang chung cư cũ,  những cuộc “ngủ vùi bất chấp” của công nhân cầu đường...

Ở đó cũng có câu chuyện của “đời lô tô”, “sống ở nghĩa trang”, những góc bếp ven ô gợi nhớ “mùi nhà quê” giữa phố…

Co mot Sai Gon voi nhung cuoc muu sinh

Nghệ thuật ánh sáng với những giá trị của từng khoảnh khắc đã mang đến những bức ảnh, câu chuyện giản dị mà rưng rưng từng ngày. Dù ở những cuộc triển lãm hay chia sẻ cộng đồng, các bức ảnh đang giữ lại trong dòng thời gian một Sài Gòn mưu sinh, một Sài Gòn hồn hậu và đầy tràn niềm lạc quan, truyền cảm hứng.

Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội

    Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội 

    12-03-2024 06:21

    Lễ hội kén rể được người dân thôn Đường Yên, xã Xuân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa.

  • Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    10-03-2024 06:16

    Vất vả, thường xuyên tiếp xúc với bụi, hóa chất song nhiều phụ nữ ở xã Quỳnh Hưng vẫn chọn làm thợ chà nhám đồ mộc vì chủ động được thời gian.