Bâng khuâng mùa chuyển gió

08/12/2017 - 08:27

PNO - Tôi bước ra ban công, ngắm những chậu kiểng đang đón gió mùa về. Cái tôi nhận được là cảm giác mát rượi tỏa ra từ ánh nắng, từ lá cây và cả trong hơi đất.

Hãy để tay lên thịt da mình để nhớ về thời mát lành trẻ trung. Hãy chạm vào tường vách để nhận sức sống mới của đô thị. Tôi tin rằng con người, khi đã chọn đời thị dân, tất cả sẽ không trọn niềm vui sống nếu không cảm nhận được mùa gió về.

Tháng 12 năm trước, người mẹ trẻ hàng xóm đứng trước cửa nhà tôi kể về những cơn suyễn của con. Tôi nhớ mắt cô rưng rưng và giọng nói hổn hển như thể cô đang cố lên cơn suyễn để gánh đỡ phần nào cơn vật vã, mệt nhọc của con mình. Một năm đã trôi qua, vì sinh kế, người nữ công nhân trẻ ấy đã đưa con đi nơi khác mướn nhà, nhưng tôi lẩn thẩn cho rằng người mẹ đưa con đi trốn gió mùa Đông Bắc. 

Bang khuang mua chuyen gio
 

Tôi thầm mong sẽ có lúc người mẹ và đứa bé trai ốm yếu vượt qua những cơn hen suyễn để có hơi thở mạnh mẽ trong lồng ngực và thông suốt như gió lúc nâng những cánh diều tung bay trên bầu trời những ngày cuối năm, thời khắc của mùa trưởng thành.

Tôi bước ra ban công, ngắm những chậu kiểng đang đón gió mùa về. Cái tôi nhận được là cảm giác mát rượi tỏa ra từ ánh nắng, từ lá cây và cả trong hơi đất. Gió mùa Đông Bắc thấm vào thân thể và tâm hồn tôi - sảng khoái hơn cả lúc được uống một ly si-rô bạc hà trong những ngày nóng bức. Tôi nhớ cảm giác khi ngồi trên xe bus mui trần ở New York, xe chạy quanh các phố lúc giữa trưa để du khách tận hưởng nắng gió đầu xuân. 

Khi chọn đời sống thị dân, dù ở trong cái khung bê-tông rộng hoặc hẹp, gió vẫn đến với mỗi người. Ta hãy hân hoan hóng gió mùa Đông Bắc lúc này để vui sống và chờ đợi mùa gió Tây Nam quay lại.

Tôi mơ về một ngày thị dân Sài Gòn cũng có những buổi sáng chủ nhật ngồi trên những chuyến xe công cộng có mui trần như khoảng sân thượng di động để hóng gió mùa Đông Bắc. Hình như đã lâu lắm rồi, tôi không còn được nghe người Sài Gòn mời gọi nhau đi hóng gió, có khi lâu đến mức những cụm từ: hóng gió, bách bộ… cũng bị vứt vào sọt rác lãng quên.

Nhiều khi tôi nghĩ, nếu không nhìn lên những tờ lịch nơi công sở hay ở nhà riêng, người Sài Gòn sẽ dựa vào đâu để nhận biết những thời khắc chuyển mùa. Có thể họ sẽ nhìn vào những cây thông giả, đèn màu trang trí ở các siêu thị, cửa hiệu để biết về mùa mua sắm cuối năm.

Niềm vui trước sự sung túc của vật phẩm có thể khiến nhiều người quên mất gió mùa Đông Bắc với biết bao điều tuyệt diệu mà gió mang về dâng tặng. Trong đô thị nhiệt đới này, có mùa nào trong năm mà hồn phố thị được cảm nhận rõ ràng bằng lúc gió Đông Bắc về?

Tôi bật ra khỏi thế ngồi co ro khi nhận tin nhắn cho biết cô bạn vừa mới sinh con trai đầu lòng. Theo địa chỉ từ tin nhắn trong điện thoại, tôi tìm đến bệnh viện phụ sản trên đường An Dương Vương. Bà mẹ còn trong giai đoạn chăm sóc sau khi sinh mổ nên tôi được người nhà bạn hướng dẫn đi thăm đứa bé. Trên một cái giường dành cho hai mẹ con, đứa bé sơ sinh đang nằm một mình, đầu đội mũ len xanh, mặc cái áo len hồng, đắp ngang ngực một cái khăn trắng. Cái giường con nít thật rộng và màu sắc từ áo quần đứa bé tạo thành một không gian tinh khôi kỳ diệu.

Bang khuang mua chuyen gio
 

Người bạn đi cùng tôi hai lần dùng ngón tay chạm nhẹ vào má của bé và mỗi lần như vậy đôi môi nó lại dẫu lên. Cặp môi của một bé sơ sinh dẫu lên cũng là cách thể hiện sự ham muốn. Đó là hành vi tình yêu đầu tiên của đứa trẻ hướng về sự sống ngoài bụng mẹ. Người bạn gái đứng cạnh tôi nói. “Thăm thế đủ rồi, đừng ở lâu làm em bé ô nhiễm”. Mà thật, con người, khi hình thành đủ những mối quan hệ của một người trưởng thành, đúng là họ không tránh khỏi trở thành chủ thể ô nhiễm.

Xuôi theo gió, về hướng quận 8. Từ bến Bình Đông nhìn sang đại lộ Võ Văn Kiệt, tôi có cảm giác rằng con đường hiện đại này, chỉ khi được bao bọc trong mùa gió mới có dáng vẻ thư thái, mới vượt qua nỗi ám ảnh bị hơi người và khói xe làm biến dạng. Trong gió, từng mặt tiền nhà, từng sắc cây, màu cỏ như đang cùng hít thở sâu sự sảng khoái.

Tôi ghé vào chợ Bình Đông. Chợ chủ nhật của giới lao động chật người, nhưng mỗi lúc gió thổi tới, từng khoảng trống chen lấn như được dãn ra và càng vào sâu trong chợ thì tuy gió không còn mát nữa, sự chan hòa có được từ gió đã phần nào làm dịu đi sự gắt gỏng của tiếng thách giá và trả giá của buổi chợ nghèo.

Tôi bắt chuyện với người đàn ông trung niên đang mua khô cá kèo, ông nói: “Người bán từ Cà Mau đem lên, giá cũng phải chăng. Cứ mùa gió nặng này, nướng khô cá kèo, uống nước trà là ấm bụng hết ý”. Đây là lần đầu tiên tôi biết về món khô cá kèo uống nước trà, lần đầu tiên tôi nhận biết đủ nghĩa của cụm từ: gió nặng, ấm bụng. Gió có thể cân đo được sao? Quả là, khi không bị nhịp sống hiện đại xô bồ làm cho chai sạn, cảm giác tinh tế của từng người sẽ cân lường được gió.

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI