Nhà mình có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông

09/10/2018 - 11:00

PNO - Giữa lúc đó thì Đông về, kịp thắp nén nhang cúng tiên thường cho ba. Hình như má khóc. Lẫn trong nước mắt là lời thì thầm của má, năm nay về đủ hết rồi nghen ông.

1. Má thường là người dậy sớm nhất nhà úm mớ trấu nhóm bếp. Cái mùi ngai ngái tỏa khắp nhà. Má sáu mươi, cả một quãng đời cực nhọc cho bốn đứa con gái bây giờ về già vẫn chưa thể an phận hưởng nhàn.

Hồi đó, bên nhà nội mấy đứa cũng làm căng lắm. Má đẻ hai năm một đứa chỉ toàn vịt trời, đứa thứ tư rồi mà vẫn chưa ra thằng cu tí. Nội quát tháo, mấy cô liếc ngang liếc dọc nhưng ba vẫn một mực bảo vệ má, san sẻ rất nhiều để má đỡ 
tủi thân. 

Nha minh co du bon mua Xuan, Ha, Thu, Dong
Ảnh minh họa.

Hồi đó, bốn đứa con má đâu có được bên nội đoái hoài tới. Bốn chị em Xuân, Hạ, Thu, Đông lúc nào cũng ngơ ngác không hiểu sao anh em thằng cu Hưng, cu Thịnh lại được cưng chiều hết mức. Có lần cu Thịnh khóc vang nhà giành đồ chơi của út Xuân, vậy mà bà nội lại đè út Xuân đánh quá trời. Út Xuân vừa đau vừa ức bèn chạy về nhà méc các chị. 

Hạ không nói không rằng qua nhà Thịnh tát thẳng vào mặt thằng nhỏ, cấm ăn hiếp út Xuân. Báo hại hôm đó người lớn xích mích. Bà nội kêu má lên nhà tổ, rầy cho 
một trận. 

Má về lôi Hạ ra vừa đánh vừa khóc. Mà lạ thiệt, lúc đó Hạ cứng đầu hết biết, không thèm khóc tiếng nào. Đông đứng cạnh bên lạnh lùng hỏi ba:

- Nhà mình nghèo nên bị người ta ăn hiếp phải không ba?

- Tại tụi mình là con gái đó.

Hạ nói cộc lốc rồi chạy vào buồng sau, òa khóc. Năm đó Đông mười bốn, Thu mười hai, Hạ lên mười, còn út Xuân mới tám tuổi. 

2. Đông đậu đại học trong niềm vui khôn xiết của cả nhà. Một tháng sau, ba mất, gánh nặng oằn lên lưng má. Kể từ đó, Đông quyết không nhận tiền má gởi hằng tháng nữa mà tự mình bươn chải giữa Sài Gòn. Nghe Thu kể có nhiều đêm má khóc ròng bên bàn thờ ba, Đông cố bặm môi để khỏi rớt nước mắt.

Hai năm sau, Thu vào đại học. Trước ngày thu lên Sài Gòn, má dúi vào tay Thu mấy trăm ngàn, bàn tay chai sần thô kệch khẽ vuốt mái tóc Thu. Hình ảnh đó không làm sao Thu quên được. Lên Sài Gòn, Thu ở trọ cùng Đông trong căn phòng chật chội, ẩm thấp. Đêm hai chị em ngủ chung, Thu nghe mùi bia rượu sực nức.

- Hay là Đông tìm cái gì khác mà làm.

- Tao không cướp của, không bán thân, làm gì phải sợ? Miễn là biết giới hạn để mà dừng. Còn hai năm nữa thôi tao ra trường rồi, không có tiền người ta khinh, mày hiểu không?

Thu ôm vai chị mà khóc. Hình như đêm đó Đông cũng khóc. 

3. Hai năm sau, Đông ra trường thì Hạ vào đại học. Ba chị em tìm một căn phòng trọ khang trang hơn. Đông đã đi làm, chiều chiều ngoài ngõ thấp thoáng một anh chàng bảnh bao đưa về. Đông chưng diện và son phấn hơn.

Rồi một ngày, Đông dẫn một người đàn ông đã ngoài bốn mươi về bảo sẽ dọn ra ở riêng, đồng thời vẫn chu cấp tiền nhà cho các em, Hạ trố mắt nhìn rồi thầm nhủ: “Đông khôn ngoan lắm nên người đàn ông này chắc cũng chỉ là một kiểu “bùa hộ mệnh” thôi”. Vậy mà Thu bần thần lo lắng suốt mấy tuần liền. 

Kể từ đó, Đông giàu hẳn lên, đủ để sắm một chiếc xe láng coóng cho mình. Mấy tháng sau, Đông gửi tiền về cho má sửa nhà. Tết năm đó, Đông không về quê, nghe nói là đi công tác bên Mỹ. 

Ngày Thu khăn gói về quê cũng là lúc Đông mở công ty riêng chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Đêm cuối cùng còn đủ ba chị em bên nhau, cả ba đứa ngủ chung. Thu nằm giữa tỉ tê suốt đêm với Đông, với Hạ; dặn dò từng chút như một bà chị cả từng trải lo cho đàn em đang ngụp lặn giữa đô thị phồn hoa. 

4. Thu xinh nhất làng, da trắng, má hồng, dáng thanh. Hồi Thu mới trổ mã, đám trai làng luôn xôn xao trước cửa. Sau bốn năm đại học ở Sài Gòn, Thu xin về quê làm cô giáo cấp III. Mọi chuyện tưởng không thể tốt hơn khi Thu đồng ý lấy Thành, đứa con trai giàu nhất nhì huyện với mười mấy cái bè cá.

Nhưng cũng từ đó, đời Thu như đi vào ngõ cụt. Lần đầu có thai, cảm giác làm mẹ vỡ oà trong Thu không bao lâu thì bác sĩ bảo Thu phải bỏ vì cơ thể Thu bẩm sinh rất yếu, tim không bình thường. Nếu Thu đẻ có thể mẹ chết mà con cũng không xong. Như một gáo nước lạnh tạt vào mình, Thu ngất đi, khoảng một tuần mới gượng dậy nổi. 

Gia đình chồng lời ra tiếng vào, nhắc đi nhắc lại chuyện nối dõi tông đường vì Thành là con trai duy nhất trong họ tộc. Những đay nghiến, xỉa xói ngày càng làm Thu đau đớn. Không muốn Thành khó xử, Thu viết vội tờ đơn ly hôn rồi bỏ về bên má mà nghe lòng rã rời. Cũng đôi lần Thành nhậu xỉn sang đây đập phá đòi Thu phải về lại nhà chồng. Mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó bởi Thành đâu thể cãi lại cả 
họ tộc. 

Thu biết mình không có phước phần như bao phụ nữ khác nên đành cắn răng chịu đựng. Cây độc không trái, gái độc không con. Miệng đời làm sao mà bịt hết. Cứ phớt lờ tỉnh rụi mà sống, trả hết kiếp này cho trọn. Mà Thu đâu ngờ mình mắc bệnh tim. Từ nhỏ đến lớn Thu có thấy triệu chứng gì đâu, vậy mà đùng một cái… Nghĩ đời bạc thiệt. 

5. Tiếng xuồng máy lạch bạch của Dần cập bến. Thu vén tà áo dài, xắn cao quần bước xuống. Ngày nào cũng vậy, gần sáu giờ, Dần ghé qua cho Thu đi nhờ ra cầu Long Hậu. Tại đây, Thu đi bộ chừng mười phút nữa thì tới trường. 

Dần ở đầu xóm, chơi chung với út Xuân từ lúc tóc còn để chỏm tới bây giờ. Dần hiền lành lại tháo vát, tốt nghiệp phổ thông lên Sài Gòn học bốn năm rồi cầm cái bằng kỹ sư nông nghiệp về phát triển quê hương. Dân ở làng chẳng ai là không biết anh Dần kỹ sư giỏi việc trồng trọt, chăn nuôi. Tiếng lành đồn xa ra tận xã rồi lên huyện, công việc cứ thế mà phát triển khấm khá. 

Dần thương út Xuân từ nhỏ cho tới giờ vẫn cứ thương, mặc con nhỏ ỡm ờ. Đôi khi Thu cũng chẳng hiểu út Xuân chọn lựa gì nữa. Ba bốn đám ngấp nghé Dần nhưng nó cứ đợi út Xuân, mà con nhỏ thì nhởn nhơ như lấy chồng là chuyện của ai. 

Út Xuân thông minh, tinh nghịch, từ nhỏ đã được các chị cưng chiều nên bản tính đỏng đảnh tới lớn không bỏ. Tốt nghiệp phổ thông, Xuân thi vào trung cấp văn thư, học ở tỉnh, ra trường về xã làm. Nhờ giỏi tiếng Anh nên hôm nọ đoàn nghiên cứu nước ngoài về xã làm việc, Xuân “bắn” ngoại ngữ với khách ngoại quốc mà mấy vị quan chức huyện hết hồn. Sau hôm đó, Xuân được “bốc” lên làm trợ lý cho chủ tịch huyện. 

Có lần má nói út Xuân cũng đã hai mươi bốn, tính gì đi chứ con gái có thì… Đêm đó, Xuân qua buồng Thu xin ngủ chung. Mân mê mái tóc đen dài của Thu, Xuân thở dài, buông lời như gió thoảng:

- Đàn bà tụi mình trong nhờ đục chịu, em không muốn mình khổ rồi làm khổ lây cả nhà. Em biết Dần thương mình nhưng đâu biết ngày mai ra sao. Đàn ông có lỡ một lần chả sao, còn mình sai một lần là lỡ làng cả đời. 

Thu không dám khuyên Xuân lời nào, im lặng nặng nề. Đêm đó, Thu biết em mình đã không còn là út Xuân nhõng nhẽo của các chị. Ai lại không muốn mình hạnh phúc, nhưng để có được điều đó không dễ chút nào. Xuân đắn đo là phải.

6. Hạ về hôm đó mà không báo trước. Trăng chỉ vừa nhú lên lấp ló sau lũy tre làng. Bữa cơm chiều chỉ có cá kho và canh rau muống mà Hạ khen mãi. Vẫn là Hạ bụi bặm và gai góc. Câu đầu tiên, Hạ nói với Thu.

- Đàn ông mà hèn vậy thì đừng buồn chi cho mệt. Thu cứ ở đây đi đừng về bển, để tui kiếm cho một thằng khác tốt hơn nó gấp chục lần.

Thu lùa cơm mà lòng quặn thắt, nước mắt cứ chực rơi. Không trách Hạ, bởi Hạ lo cho Thu mà có lời lẽ vậy. Dù gì Thành cũng là chồng Thu nên Thu hiểu tâm tính của chồng mình chứ. Nhưng đâu phải yêu nhau là ở được với nhau trọn đời. 

Người ta chỉ cần một tích tắc để yêu ai đó nhưng có khi suốt cả một đời cũng khó thể nào quên. Biết là đời mình hẩm hiu, biết tình yêu của chồng dành cho mình không đủ lớn mà Thu vẫn cứ yêu Thành. Con tim có nhịp đập và lý lẽ của riêng nó, làm sao mà cấm đoán. Tình yêu thật lạ kỳ. Nó đến với những người vẫn hy vọng ngay cả khi họ từng thất vọng, đến với những người vẫn tin tưởng cho dù họ đã bị phản bội, đến với những người vẫn yêu dù họ từng bị tổn thương sâu sắc.

Xong bữa cơm chiều, má thắp nhang lên bàn thờ ba. Hương trầm ngan ngát, không biết Đông có về kịp giỗ ba. Năm ngoái, Đông lại bận công tác ở nước ngoài, má nhớ Đông lắm mà không nói. 

Đông cứ biền biệt, chỉ nghe tiếng mà đâu thấy mặt. Bây giờ nhà khang trang hơn xưa, nhờ Đông cả thôi. Má già rồi, cần gì vật chất xa hoa phù phiếm, chỉ cần con cái quây quần tụ họp mấy ngày giỗ quải, tết nhất. Tiếng võng kẽo kè kẽo kẹt. “Mỗi lúc má đưa như vậy là má đang buồn, chắc lại nhớ chị hai rồi”, út Xuân thủ thỉ bên tai Hạ khi ba chị em đang ngồi bên bậu cửa cạnh cái võng tre.

- Hôm rồi gặp Đông ở trển, chỉ có nói sẽ tranh thủ về giỗ. Đông bây giờ được bầu là hoa hậu doanh nhân nên nhiều người biết lắm.

- Ừ, giỗ ba mày ráng về cho ổng vui. Hồi nhỏ ổng cưng tụi bây như ngọc như ngà.

Hồi nhỏ…

Má lại kể chuyện hồi nhỏ, nghe riết mà thuộc luôn. Có đứa nào nhớ gì đâu, má kể sao hay vậy, thỉnh thoảng đem ra ghẹo nhau để rồi bùi ngùi. Những người già như má giờ chỉ sống bằng ký ức. Rồi cũng tới ngày tụi mình như vậy, phải không?

7. Đám giỗ dưới quê thường vui nhất là đêm trước giỗ. Mọi người xúm lại nấu nướng và gói bánh. Đây cũng là dịp các bà, các cô truyền nghề lại cho con cháu. Đủ thứ ngón nghề, sở trường được bày ra. Kỳ công và khéo léo nhất là việc gói bánh. Từ chọn lá, cắt lá, lau lá tới phơi lá. Hì hục cả buổi sáng ở vườn nhà cũng không đủ, mấy chị em phải qua nhà cô Hai xin thêm lá dong, lá chuối, dây lạt. 

Dần bắc bếp lửa ngoài sân chốc chốc lại chạy vô đòi bánh. Ngoài nhà trước, ông bà ngoại và chú Hai đang ngồi uống trà nói chuyện xưa. Sẩm tối, hai anh em cu Hưng, cu Thịnh chở ông bà nội qua, cả nhà thêm rộn ràng. 

Giữa lúc đó thì Đông về, kịp thắp nén nhang cúng tiên thường cho ba. Hình như má khóc. Lẫn trong nước mắt là lời thì thầm của má, năm nay về đủ hết rồi nghen ông. 

8. Đám nhỏ tụ quanh nồi bánh trò chuyện. Cu Hưng, cu Thịnh vẫn độc thân, đang thất nghiệp, trước đó lang bạt trên Sài Gòn với nghề xây dựng, chua và cực lắm. Đông nghe anh em tụi nó kể mà mủi lòng. Hồi còn nhỏ toàn bị tụi nó ăn hiếp, bây giờ lớn rồi dù gì cũng họ hàng với nhau, sao đành lòng ngó lơ. 

- Hay là tụi bây về công ty tao làm đi, chị em trong nhà ngại ngùng chi. 

Lửa chờn vờn, mấy chuyện hồi xửa hồi xưa được đem ra kể. Vui cũng có, buồn cũng có, giờ ngẫm lại thấy sao lúc đó thiệt dại khờ. 

Trăng lên cao sáng vằng vặc một góc sân, tiếng mấy con nhái bầu hợp ca thành một bản tạp âm não ruột. Kỷ niệm cứ vậy xoay vòng tuôn trào. Đâu dễ có dịp chị em tụ họp đông đủ bên nhau. Ngồi đếm lại coi ai còn, ai mất mà nghe lòng rưng rưng. 

Út Thà con cô Ba lấy chồng Đài Loan cũng không khá gì mấy. Ba năm rồi con nhỏ chưa một lần về quê, thỉnh thoảng có gửi tiền cho má chữa bệnh, nhưng nghe đâu bên đó cũng cực lắm. Anh năm Trí bây giờ mất rồi. Ung thư có từ ai đâu. Nói chung còn gặp được bữa nay không ai hứa chắc ngày mai, chuyện đời là vậy. Chặc lưỡi tiếc rẻ vậy thôi chớ đâu làm được gì. 

Hồi đó lúc nào cũng đủ mặt khi có chuyện, còn giờ thì vòng xoay cuộc sống cuốn mỗi đứa một phương, đứa còn đứa mất, đứa cười đứa khóc, nghiệt ngã vô cùng. 

Trời càng về khuya càng lạnh.Mấy ngôi sao lấp lánh phía chân trời thẫm đen. Nồi bánh réo ùng ục, Dần chêm thêm củi, mấy anh chị đã vô nhà ngủ hết. Nấu bánh cực lắm nhưng đã là thông lệ của dân quê rồi, giỗ quải, lễ tết là phải có bánh. Út Xuân từ từ nhích lại, ngả đầu lên vai Dần, giọng con nhỏ thì thào:

- Bây giờ có trăng, có sao, có nồi bánh làm chứng, hỏi thiệt Dần có yêu tui hông?

- Hổng yêu sao giờ ngồi đây!

- Ai biết, lỡ Dần chỉ thèm ăn bánh...

Đêm tiên thường năm nay, nhà má đủ đầy yêu thương cả bốn mùa.

Trúc Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI