Xây tiện ích cho cư dân bằng... lời hứa

03/12/2016 - 11:37

PNO - Nhiều hạng mục trong quy hoạch dự án bất động sản như công viên, trường học... Ở TP.HCM đang bị các chủ đầu tư “biến tấu”, khiến người mua căn hộ bị thiệt thòi. Tình trạng này còn dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung.

Vẽ cái... không có

Nhắc đến chuyện xây hồ bơi, đến nay cư dân chung cư HQC Plaza (H.Bình Chánh, TP.HCM) vẫn chưa hết ấm ức khi biết mình bị lừa. Theo họ, trước đây khi bán căn hộ, chủ đầu tư (CĐT)vẽ rất nhiều tiện ích như công viên, hồ bơi, sân tập thể thao... Thấy dự án hấp dẫn, nhiều người chọn mua. Lúc nhận nhà, họ thấy hầu hết các hạng mục đều thi công. Tuy nhiên, vào ở một thời gian, họ “té ngửa” khi phát hiện hồ bơi... không dùng để bơi.

Khi cư dân chưa kịp khiếu nại thì Công ty cổ phần tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (CĐT dự án) gửi văn bản xin ý kiến cư dân để điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án. Trong đó, CĐT cho biết sẽ bố trí một hồ cảnh quan ở công viên trung tâm dự án, lý do, tăng mỹ quan và điều hòa khí hậu, đồng nghĩa với việc hồ bơi sẽ chính thức biến thành hồ cảnh quan. Nhiều cư dân không đồng ý điều chỉnh, đồng thời khiếu nại, đề nghị phải xây dựng hồ bơi đúng như thông tin dự án trước đây.

“Hồ bơi phải có bộ phận súc xả, lọc nước, hoàn toàn khác với hồ cảnh quan. Họ không thể đánh tráo khái niệm như vậy” - một cư dân bức xúc. Mới đây, các hộ đã đồng loạt gửi đơn phản ánh đến Ban quản lý khu Nam và Sở Xây dựng TP.HCM.

Tương tự, chung cư The Easter city (H.Bình Chánh) do Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai làm CĐT, cũng đang dính kiện tụng liên quan đến việc CĐT “lật kèo” tiện ích hồ bơi. Theo cư dân, khi bán hàng, nhân viên tư vấn nói rõ chung cư có hồ bơi nhưng đến nay họ nhận nhà vào ở gần một năm, hồ bơi chỉ là khu đất trống.

Cư dân khiếu nại, CĐT lấp liếm: “Trước đây chung cư phê duyệt nhà ở thương mại có hồ bơi, nhưng nay chuyển sang nhà ở xã hội, CĐT có thể không cần xây dựng hồ bơi”. Đưa hợp đồng mua bán căn hộ cho phóng viên xem, anh B. bức xúc: “Hợp đồng nêu rõ: công viên, sân tập thể thao, hồ bơi... là sở hữu chung của cư dân. Như vậy, rõ ràng dự án có hạng mục hồ bơi, họ không thể tráo trở như vậy”. Cư dân phản đối mạnh, CĐT mới hứa xem xét nghiên cứu lại, nhưng không biết bao giờ sẽ xây dựng.

Cái có... không làm

Trong khi đó, nhiều dự án được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch đầy đủ các hạng mục tiện ích, nhưng đến khi giao nhà cho cư dân, CĐT lại không thực hiện. Nhiều dự án đưa vào sử dụng gần chục năm vẫn vậy.

Khu đô thị thương mại dịch vụ Nam Long (Q.7) do Tập đoàn Nam Long làm CĐT đưa vào sử dụng hơn 10 năm nhưng hạng mục xây dựng công viên vẫn còn trên giấy. Hiện khu đất xây dựng công viên đang dùng kinh doanh quán cà phê. “Từ khi vào ở đến nay chúng tôi khiếu nại không biết bao nhiêu lần, nhưng CĐT chỉ hứa rồi bỏ đó, không biết đến bao giờ làm” - một cư dân ngán ngẩm.

Khu dân cư Nam Long (Q.9) với hơn 1.000 hộ dân, cũng do Tập đoàn Nam Long làm CĐT, tình trạng bỏ bê tiện ích dự án còn nghiêm trọng hơn. Từ công viên, sân thể dục thể thao đến nhà trẻ đều xây bằng... lời hứa. Khu vực làm nhà trẻ hiện nay vẫn là khu đất trống. Cách đó khoảng 100m, sân thể dục thể thao, một phần bỏ trống, một phần dùng chứa vật liệu xây dựng. Cạnh đó, khu vực làm công viên, một phần dùng làm lán trại cho công nhân, một phần... bỏ trống cho bò gặm cỏ.

Xay tien ich cho cu dan bang... loi hua
Công viên tại khu dân cư Nam Long (Q.9)

“Nhìn khu dân cư quy hoạch đồng bộ, tôi mới bỏ tiền mua. Không ngờ đến nay hơn năm năm họ vẫn chưa làm” - anh Tùng ở chung cư Ehome 2 (thuộc khu dân cư Nam Long) nói.

Trong khi đó, do trường học không được xây, hàng ngày cư dân phải đưa con đến nơi khác học rất vất vả. Điều đáng nói, hiện nay khi tiếp tục mở bán dự án căn hộ chung cư Flora Fuji (nằm trong khu đô thị Nam Long) CĐT tiếp tục giở “bài cũ” khi đưa các tiện ích nội khu của khu dân cư này vào quảng cáo để bán hàng.

Tại nhiều dự án do Công ty cồ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh làm CĐT, tình hình cũng không khác. Dự án khu dân cư A1 (Q.Bình Tân) đã đưa dân vào ở hơn 5 năm nhưng phần diện tích công viên cây xanh - thể dục thể thao được quy hoạch hơn 6.000m2 vẫn chưa được đầu tư. Cách đó khoảng 500m, khu đất để xây dựng nhà trẻ có diện tích gần 4.000m2 vẫn để trống.

Tại khu dân cư Bắc Kênh Lương Bèo cũng do đơn vị này làm CĐT, đến nay phần công viên gần 5.000m2 vẫn chưa được thực hiện. Gần đó, khu đất làm nhà trẻ hơn 3.000m2 bỏ trống.

Trong khi đó, tại khu dân cư chợ Cây Da Sà, một phần diện tích công viên, thể dục thể thao bị CĐT mang cho thuê làm sân tennis. Tại khu dân cư An Lạc - Bình Trị Đông phần diện tích công viên - thể dục thể thao cũng bị CĐT mang cho thuê làm sân tennis, bãi giữ xe ô tô và bán bán cà phê...

Xay tien ich cho cu dan bang... loi hua
Phần diện tích công viên - thể dục thể thao tại khu dân cư An Lạc đang cho thuê bán cà phê và làm sân quần vợt

Cần có biện pháp chế tài

Theo TS Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế, quy định hiện nay không yêu cầu thời hạn CĐT phải hoàn thành xây dựng toàn bộ dự án. Luật chỉ yêu cầu họ phải hoàn thiện hạ tầng dự án trước khi bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, khi dự án chưa hoàn thiện hạ tầng đã bàn giao, UBND các quận, huyện thường từ chối nhận quản lý.

Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến CĐT. Đây là kẽ hở trong quy định pháp luật, cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt hơn. Riêng việc CĐT vẽ ra các tiện ích không có trong quy hoạch nhằm bán hàng, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói rằng, phần lớn các CĐT thường ưu tiên làm các hạng mục có thể bán hàng trước, các hạng mục còn lại đầu tư sau. Trường hợp CĐT bán hàng xong, cố tình chây ì không làm các hạng mục tiện ích theo quy hoạch, cơ quan chức năng nên có biện pháp xử lý. Thực tế, dù quy định pháp luật chưa chặt chẽ, cơ quan chức năng vẫn có biện pháp chế tài như: không tiếp tục hỗ trợ các chính sách trong đầu tư, không giao dự án mới...

TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông đô thị, nói người dân khi mua nhà là mua cả phần tiện ích. Những hạng mục này được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt quy hoạch cho nhà đầu tư. Vì vậy, việc để xảy ra tình trạng trên là lỗi đơn vị cấp phép đầu tư, đơn vị quy hoạch và đơn vị quản lý, kiểm tra.

Các đơn vị này không thể chỉ biết cấp phép đầu tư, quy hoạch mà không kiểm tra việc thực hiện dự án hoặc kiểm tra không sát sao, xử lý không quyết liệt. Còn trong trường hợp pháp luật có kẽ hở khi phát hiện một, hai công trình lách luật, phải bàn cách khắc phục ngay và kiến nghị cơ quan cấp trên sửa chữa, bổ sung quy định, không thể để xảy ra tràn lan như hiện nay.

TS Nguyễn Trọng Hoàng - chuyên gia kinh tế, cảnh báo: “Các tiện ích trong dự án thường được phê duyệt căn cứ trên quy mô dự án và dân số, đảm bảo đáp ứng cơ bản cho cư dân trong dự án. Vì vậy, khi các hạng mục này không được xây dựng đầy đủ, cư dân buộc phải đến các khu vực khác để học hành, sinh hoạt, vui chơi... Nếu tình trạng này không được ngăn chặn, trong tương lai có thể gây mất cân bằng trong quy hoạch phát triển đô thị, tạo ra chỗ thừa, chỗ thiếu”.

Thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng “bánh vẽ” tiện ích dự án không được xử lý nghiêm. Điển hình, đối với hàng loạt sai phạm của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh tại các khu dân cư A1, Bắc Kênh Lương Bèo, chợ Cây Da Sà, khu dân cư An Lạc - Bình Trị Đông, cách nay khoảng hai năm, Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức kiểm tra, phát hiện đề nghị xử lý, khắc phục. Nhưng ngày 1/12, theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các sai phạm trên vẫn không được chấn chỉnh.

Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI