'Trang điểm' cho nhà từ những... chiếc kệ

09/09/2018 - 22:39

PNO - Bạn đừng quên rằng, ngoài công dụng lưu trữ, chiếc kệ còn có thể đảm nhận vai trò như bức vách ngăn giữa các không gian, thậm chí là điểm nhấn cho thiết kế.

Dù gia đình lớn hay nhỏ, không gian sống rộng hay hẹp, ai cũng cần ít nhất một chiếc kệ cho tổ ấm của mình. Bởi nó không chỉ có công dụng lưu trữ mà còn tạo điểm nhấn cho không gian sống. 

Cũng như những vật dụng nội thất khác, nếu không biết cách sắp xếp, những chiếc kệ dễ tạo cảm giác nặng nề, choán chỗ, nhàm chán. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ gợi ý năm kiểu lắp đặt và sử dụng kệ để thổi luồng gió sáng tạo vào tổng thể không gian sống. 

Những ngăn kệ “bay”

'Trang diem' cho nha tu nhung... chiec ke
 

Kệ “bay” là một trong những điểm nhấn phổ biến của phong cách nội thất tối giản (minimalism) khi chỉ cần một mảnh gỗ đủ dày, có bề rộng nhỉnh hơn quyển sách một chút, là tổ ấm đã có thêm không gian lưu trữ đầy cá tính. Dù đặt trong không gian sang trọng của phòng khách hay ấm áp của phòng ngủ thì những ngăn kệ “bay” vẫn phù hợp, góp phần tinh giản không gian sống.

Bạn có thể đặt một vài chậu cây nhỏ, khung tranh canvas hoặc vật dụng trang trí nhỏ để không gian sống thêm phần sống động. 

'Trang diem' cho nha tu nhung... chiec ke

Nếu không gian cho phép, tại sao không thử một chiếc kệ treo có kích cỡ vừa dành cho chậu kiểng nhỏ, tạp chí hoặc vật phẩm phong thủy.

Vách ngăn trong tích tắc 

Nếu đang tìm kiếm phương án vách ngăn cho không gian mở nhưng không muốn mất quá nhiều thời gian và tiền bạc như xây một bức tường thì một chiếc kệ lớn chắc chắn là một lựa chọn thông minh. 

'Trang diem' cho nha tu nhung... chiec ke
 

Một chiếc kệ gỗ cao gần bằng trần nhà với bề dài như một bức tường sẽ tạo độ “gãy” cho không gian mở, đảm bảo cung cấp đủ lượng ánh sáng tự nhiên cho cả hai bên không gian bị ngăn cách. Để tạo hiệu ứng thẩm mỹ tối đa, hãy khéo léo phối hợp màu sắc của các vật dụng trưng bày với sắc màu chủ đạo của hai bên không gian. 

Văn phòng tại gia 

'Trang diem' cho nha tu nhung... chiec ke
 

Những góc tường hẹp sẽ không còn là góc chết phiền nhiễu khi bạn thử thiết lập một hệ thống các tầng kệ “bay” men theo phần không gian “chết” ấy. Phần kệ thấp nhất sẽ được trưng dụng thành bàn làm việc, tầng kệ phía trên dành cho sách vở, tạp chí, một vài đồ dùng nhỏ, trên cùng là những đồ vật lớn, ít sử dụng. Để tránh cảm giác tù túng, ngột ngạt do góc nhà mang lại, bạn có thể đặt một chiếc đèn bàn hoặc lắp 1-2 chiếc đèn mắt cáo phía trên trần. 

Kệ bậc thang sáng tạo

Những chiếc thang chữ A có thể “hợp sức” với nhau để tạo thành không gian lưu trữ đậm cá tính. 

'Trang diem' cho nha tu nhung... chiec ke
 

Với hai chiếc thang chữ A không sử dụng nữa, thêm vài tấm ván có độ dài nhỉnh hơn bề rộng của hai chiếc thang xếp gần nhau tạo thành, là bạn đã có ngay một chiếc kệ độc nhất vô nhị, lại tiết kiệm kha khá tiền bạc. Chiếc thang này còn giúp bạn dễ dàng trong khâu lắp ráp, dọn dẹp hay vận chuyển khi chỉ việc gỡ những tấm ván ra, xếp thang lại là chiếc kệ cồng kềnh đã được thu lại gọn gàng. 

Hỗn độn một cách trật tự

'Trang diem' cho nha tu nhung... chiec ke
 

Một sự kết hợp đầy phá cách của những chiếc kệ “bay”, tại sao không? Không chỉ lắp đặt theo chiều ngang, bạn hãy thử lồng ghép với một vài chiếc kệ theo chiều thẳng đứng xem nào! Nhờ vậy, những ô kệ không còn là những mảnh gỗ cứng nhắc, nhàm chán, mà đã trở thành một “đống hỗn độn” hút mắt. 

Tuy nhiên, để đảm bảo độ trật tự, hạn chế gây rối mắt, bạn nên tiết chế chi tiết thiết kế cũng như màu sắc của các ngăn kệ. 

Vĩnh Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI