Nhà Việt - hồn Việt

07/02/2019 - 07:56

PNO - Bạn càng đi xa, đường trở về càng gần, bởi chỉ có hồn Việt mới làm đầy không gian cho ngôi nhà Việt - nơi bạn mở mắt chào đời và nương náu cho tới ngày gửi lời từ giã.

Một trong những thú vui không tốn tiền là được lang thang qua những con hẻm ngay tại nội đô Sài Gòn. Những con hẻm có từ thời xa xưa, mà dấu tích còn lại là những mái hiên, cửa sổ chồng chất màu thời gian cho đến những con hẻm “dã chiến” do các công trình hạ tầng đang trong quá trình thi công. Càng vô hẻm, Sài Gòn càng rộng và sâu hơn. Như chính không gian tình cảm của mảnh đất này, càng hiểu, càng gần, càng gắn bó, Sài Gòn càng tha thiết, bao dung hơn với người, với mình. 

Vì vậy, ngay giữa đại lộ Nguyễn Huệ, nép mình bên không gian công cộng lớn nhất của thành phố này lại là hẻm 12, tôi chọn ngôn ngữ của hoài niệm, của một vùng ký ức đẹp, dễ gây nhung nhớ cho bất cứ đứa trẻ nào hôm qua - người lớn ngày nay khi ghé vào. Đâu đó là những ngôi nhà cả trăm năm tuổi, bậc thềm phủ bóng rêu phong, tường vôi vữa bày ra từng mảng gạch, ẩn dưới đám cây cỏ và dây leo. 

Nha Viet - hon Viet
Màu gỗ cũ, hoa văn xưa, nền gạch thân quen cùng những chiếc đèn lồng ấm áp, dẫn dắt ta lạc vào một không gian Việt thuần khiết ngay tại khu làng châu Á

Cảm thức không gian lập tức sẽ đẩy bạn trôi dần về cảm thức thời gian. Và đôi khi, chỉ cần một khoảnh khắc đắm chìm trong giấc mơ ký ức, đủ để bạn hiểu ra rằng, đó là hạnh phúc. Hạnh phúc trở về trong chính ngôi nhà yêu thương, lối xóm thân thuộc. 

Cái góc bếp còn ám mùi than củi. Cái gác-măng-rê (kệ chứa thức ăn) của bà, của mẹ với cánh cửa “bí ẩn”, ai biết chiều nay, khi trở về, có món gì ngon được cất trong ấy. Cái bàn ăn bóng loáng màu gỗ, phản chiếu thứ ánh sáng vàng hiu hắt từ ngọn đèn măng-xông… Tất cả bỗng trở thành xa xỉ khi đặt cạnh nào bếp gas, bếp từ; nào tủ lạnh “side by side” của cái thời điện nước dư thừa ngày nay. 

Từ nhà ra ngõ, bắt gặp những ngôi nhà hai tầng nằm trong mấy con hẻm lao động với mái tôn cũ kỹ, sàn gác gỗ với ban-công đưa ra ngoài. Trước cửa nhà, treo những tấm bảng quảng cáo xà bông, kem đánh răng… được vẽ tay lên miếng tôn, tấm gỗ, bên cạnh là những xe hủ tíu, xe mì…

Nha Viet - hon Viet
Điểm nhấn căn bếp với vật liệu gỗ màu cũ vintage trong căn hộ penthouse

Hay một lần lạc ra khu trung tâm, cứ tần ngần nơi cái ngã tư quen thuộc trước mặt Nhà hát Thành phố, góc Givral thời xưa, thèm ly ca cao sữa nóng nhâm nhi với croissant thơm giòn. Để nay, tôi gom hết vào trong không gian hẻm 12, ở một góc của phố xưa, là những quán cà phê terrace, couloir… với những bộ bàn ghế mây kê dọc theo hành lang phố. Sắc màu Đông Dương hòa lẫn trong nhịp sống Sài Gòn, tự nhiên, thân thuộc. 

Quê nhà, không hẳn chỉ là nơi ta sinh ra, lớn lên; mà đôi khi, đó chỉ là một lần ta ghé ngang, bất chợt nhưng quyến luyến từng ngõ ngách, góc phố. Nhiều năm sau khi tốt nghiệp, ngay cả khi định cư ở nước ngoài, tôi vẫn luôn dành những kỳ nghỉ dài để vác ba-lô lang thang đến một vùng đất xa lạ nào đó, tìm kiếm những ngạc nhiên, hiếu kỳ nơi xứ người; khơi gợi nguồn cảm hứng mới mẻ. 

Và bao giờ cũng vậy, những khám phá luôn đến từ sự đánh thức nguồn cội, từ sợi dây kết nối Việt Nam - trong muôn vẻ của thế giới ngoài kia. Với tôi, càng đi xa, đường trở về càng gần, bởi chỉ có hồn Việt mới làm đầy không gian cho ngôi nhà Việt - nơi bạn mở mắt chào đời và nương náu cho tới ngày gửi lời từ giã. 

Nha Viet - hon Viet
Cái góc bếp ám mùi than củi, cái gác-măng-rê “bí ẩn” của mẹ... trong hẻm 12

Vì vậy, khi đặt Phố Ngon 37 trong khu Asian Village - khu làng châu Á - (nằm ở tầng 5, Saigon Centre, 92-94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1), tôi chủ đích tái hiện lại không gian của một con đường làng đâu đó có thể dễ tìm thấy ở Việt Nam, Trung Hoa, Hàn Quốc hay Nhật Bản với đặc trưng là những ngôi nhà gỗ nằm hai bên triền dốc nhấp nhô, đường lát đá, mái ngói, hiên treo đèn lồng đón khách buôn bán các món ăn dân dã. 

Sau khi lướt qua các ngôi nhà Nhật Bản và Hàn Quốc, thực khách sẽ bất ngờ tìm thấy Phố Ngon 37 nằm cuối “làng” với không gian đặc trưng của nhà gỗ miền Bắc Việt Nam. Những bình phong lộng gỗ, mái ngói, vách tre, bàn ghế gỗ đơn giản tái hiện không gian nhà Việt Nam xưa và cả không gian mở của các khu chợ đơn sơ dân dã. Nhiều chất liệu và chi tiết phong phú khác nhau được sắp xếp cài đặt trong một không gian mới nhưng mang lại không khí yên bình xưa cũ quen thuộc với bất cứ người Việt nào sinh sống bất kỳ nơi đâu trên thế giới. 

Phố Ngon 37 còn quay về với vật liệu đơn giản, thô mộc như xi măng thô, gạch bông, gỗ cũ, kính vân hoa, đèn lồng tre… tái hiện lại hình ảnh Sài Gòn những năm 1950 của những ngôi nhà hay những gia đình Việt quây quần bên gian bếp ngày tết kể cho nhau nghe những câu chuyện đời như nhắc lại những giá trị Á châu một thời đẹp đẽ.

Một khách hàng của tôi - là chủ nhân một căn hộ penthouse trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã đặt yêu cầu lấy bếp là điểm nhấn ấm áp cho cả không gian sống, với vật liệu gỗ màu cũ cùng đường nét cổ điển, sang trọng. Bởi tận cùng, cái ký ức một - thời - ta - đang - lớn luôn sống trong mỗi người. Tôi nương vào đấy, tìm về phong cách vintage - nhằm đem lại cảm giác thân thuộc cho không gian gia đình. 

Chiều nay, tôi lại một mình xuống phố, len qua con hẻm 151 Đồng Khởi, đi giữa hàng tranh sao chép dựng dọc hai bên, rồi nơi ở, có cả bếp núc dậy mùi chiên xào, chẳng mấy chốc, con hẻm mở toang ra đại lộ Nguyễn Huệ. Băng qua phía bên kia, tôi lại lọt thỏm giữa những bờ tường tôn, một bên là công trình metro ngổn ngang, một bên là bóng loáng nào Dior, nào Chanel… Thương hiệu thế giới cả đấy, thế mà khi vào Việt Nam, cũng biết sống chung với ngõ hẻm. “Họ” quen với mình, chẳng lẽ, mình không thân thuộc với mình, không là chính mình? 

Kiến trúc sư Trần Cảnh Đăng Doanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI