Nhà đầu tư ùn ùn tháo chạy khỏi condotel

06/12/2019 - 19:33

PNO - Trước tình trạng chủ đầu tư các dự án condotel (căn hộ khách sạn) liên tục “lật kèo” cam kết lợi nhuận, nhiều khách hàng bắt đầu lo lắng, chùn tay trong giao dịch, thậm chí đua nhau cắt lỗ, tháo chạy.

Ào ào bán cắt lỗ

“Tôi chính chủ, cần sang lại với giá gốc căn hộ vừa thanh toán 15% giá trị” - chị Hương, một khách hàng mua căn hộ dự án The Sóng (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), rao bán. Theo chị, căn hộ này chị mới mua được khoảng hai tuần, nhưng nay kẹt tiền, cần bán gấp, diện tích 72m2, giá 3,3 tỷ đồng. 

Cũng với lý do kẹt tiền, anh Trọng rao bán căn hộ ở góc, diện tích 49m2 trong dự án The Sóng với giá 2,3 tỷ đồng. Theo anh Trọng, với giá này, anh chịu lỗ 80 triệu đồng so với giá gốc. Nguyên nhân bán lỗ là do kẹt vốn lấy hàng kinh doanh cuối năm. Anh Trọng nói, nếu khách hàng có thiện chí, anh sẵn sàng giảm thêm tiền “trà nước”.

Không riêng anh Trọng, hiện trên mạng, rất nhiều khách hàng đang đua nhau rao bán căn hộ trong dự án này từ huề vốn đến lỗ. Một khách hàng khác không chỉ rao bán lỗ 50 triệu đồng một căn hộ hai phòng ngủ trong dự án The Sóng, diện tích 74m2 mà còn tặng thêm gói nội thất trị giá 100 triệu đồng cho người nào đồng ý mua trong vòng 10 ngày.

Nha dau tu un un thao chay khoi condotel
Dự án The Sóng do Công ty Bất động sản An Gia và Quỹ Creed Group phát triển ngang nhiên quảng cáo dự án được cấp sổ hồng.

Tương tự, tại dự án Signial ở Q.7, TP.HCM, gần đây, khách hàng cũng liên tục rao bán từ huề vốn đến lỗ. Chị Oanh đã xuống tiền gần 500 triệu đồng để mua một căn hộ dự án này cách nay hơn 6 tháng, vẫn quyết định bán huề vốn với lý do cần chuyển chỗ ở gấp. 

Anh Võ cũng mua một căn hộ ở đây có diện tích 32m2, giá 1,3 tỷ đồng, đã thanh toán hơn 8 tháng với 21% giá trị hợp đồng, nay vẫn quyết định bán lỗ 50 triệu đồng. Không chỉ bán huề vốn, bán lỗ, theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều khách hàng còn rút tiền, tháo chạy khi biết dự án Signial chỉ là loại hình căn hộ cho thuê tương tự condotel, người mua không được phép lưu trú lâu dài. 

Nha dau tu un un thao chay khoi condotel
Việc chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng "vỡ trận" cam kết lợi nhuận được xem là cú sốc với thị trường condotel.

Tại tỉnh Bình Thuận, dự án Aloha Phan Thiết từng “làm mưa làm gió” với hơn 3.000 căn condotel, nay cũng rơi vào tình cảnh ảm đạm, khách hàng đua nhau cắt lỗ để tháo chạy. Dù chủ đầu tư từng cam kết đầu tư sinh lời tối thiểu 10%/năm, vẫn không thể tạo được niềm tin cho khách hàng sau khi hàng loạt dự án condotel như Bavico Nha Trang, Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” chi trả lợi nhuận cho khách hàng.    

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện rất nhiều khách hàng mua căn hộ ở các dự án condotel đang rất hoang mang vì hầu hết chủ đầu tư các dự án này cam kết chi trả lợi nhuận nhưng không có điều khoản phạt nếu chủ đầu tư không thực hiện. Trong khi đó, tại các dự án condotel, tình hình giao dịch rất ảm đạm. Chủ đầu tư một dự án condotel ở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có hơn 2.000 căn hộ cũng phải tạm dừng kế hoạch mở bán. 

Không nên quá kỳ vọng vào giấy chứng nhận 

Theo lãnh đạo một tập đoàn bất động sản, sản phẩm căn hộ khách sạn mang đến lợi nhuận quá lớn cho các chủ đầu tư, trong khi người mua vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về loại hình này nên rất dễ bị các nhân viên môi giới “vẽ” để bán hàng. Đặc biệt, gần đây, có thông tin cơ quan chức năng chuẩn bị cấp giấy chứng nhận sở hữu cho condotel, nhiều chủ đầu tư đã cố tình thông tin sai lệch, biến condotel thành nhà ở để bán hàng. 

Theo vị này, để đầu tư dự án condotel, bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu, các chủ đầu tư chủ yếu vay ngân hàng và tận dụng nguồn vốn nhà thầu để xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu. Sau đó, chủ đầu tư bán căn hộ condotel cho khách hàng nhằm huy động vốn để thực hiện dự án, dù luật chưa cho phép thực hiện phương thức này đối với các dự án không phải là bán nhà ở hình thành trong tương lai. Chủ đầu tư được lợi rất lớn vì thu hồi vốn nhanh, có thêm nguồn vốn bổ sung thay thế vốn vay tín dụng, lại được quyền kinh doanh căn hộ condotel đã bán cho khách hàng...

Đặc biệt, họ còn được khách hàng cùng gánh chịu, chia sẻ rủi ro trong quá trình khai thác, kinh doanh sau này. Với giá bán từ khoảng 35-55 triệu đồng/m2, hầu hết các chủ đầu tư đều đã cộng các chi phí vào khoản cam kết lợi nhuận cho khách hàng từ 8-12%/năm. 

Về việc Bộ Xây dựng đang dự thảo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư”, trong đó có việc dự kiến cấp giấy chứng nhận sở hữu cho condotel, theo luật sư Nguyễn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM), trước tiên, cần xác định rõ, condotel được xây dựng trên đất du lịch. Theo quy định của Luật Đất đai, đất du lịch là đất phi nông nghiệp, chỉ được sử dụng cho mục đích du lịch, nên sẽ không có chuyện được cấp giấy chủ quyền như nhà ở, bởi hậu quả của việc này là rất nghiêm trọng, sẽ làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực, phá vỡ quy hoạch du lịch và tác động tiêu cực đến môi trường. Đất du lịch còn liên quan đến lợi ích công cộng nên sẽ không có chuyện cơ quan chức năng tùy tiện cấp giấy chứng nhận sở hữu condotel. Khách hàng cần có nhận thức đúng đắn, không nên nghe và tin vào các thông tin không chính xác. 

Theo luật sư Trường, có khả năng giấy chứng nhận sở hữu cho condotel tiếp tục áp dụng chế độ sử dụng đất du lịch có thời hạn tối đa 50 năm (trường hợp đặc biệt không quá 70 năm), trong đó có đất du lịch dùng để phát triển condotel. Trên cơ sở đó, người mua sản phẩm condotel trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp “giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn” theo thời hạn của dự án. 

Đề nghị siết hình thức huy động vốn xây condotel 

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng siết lại việc huy động vốn cho căn hộ condotel. Cụ thể, hiện nay, Luật Kinh doanh bất động sản cho phép các chủ đầu tư dự án condotel được bán, cho thuê, cho thuê mua công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, quy định về điều kiện bán căn hộ condotel lại lỏng lẻo hơn các loại hình khác. 

Chẳng hạn như, không yêu cầu chủ đầu tư phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành phần móng của tòa nhà; không yêu cầu trước khi bán công trình xây dựng hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh xác nhận đủ điều kiện được huy động vốn; không yêu cầu phải có bảo lãnh ngân hàng...

Luật Kinh doanh bất động sản cũng không quy định các hành vi có liên quan đến việc bán căn hộ condotel hình thành trong tương lai trước thời điểm giao kết hợp đồng, như đặt cọc, hứa mua hứa bán, góp vốn đầu tư, hợp tác đầu tư… nên các chủ đầu tư dự án condotel đã tận dụng tối đa các quy định của pháp luật dân sự để huy động vốn với giá trị rất lớn, thậm chí đến hơn 90% giá trị hợp đồng, gây rủi ro cho khách hàng.

Do đó, HoREA đề nghị bổ sung quy định về các hành vi có liên quan đến kinh doanh bất động sản condotel hình thành trong tương lai trước thời điểm giao kết hợp đồng mua bán nhà hình thành trong tương lai, trong đó quy định giá trị đặt cọc không quá 5-10% giá trị hợp đồng...

Hùng Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI